18/06/2014 - 20:43

Trăn trở vì tôm thẻ chân trắng

Dự án Hệ thống thủy lợi Cầu Sập được triển khai, tuyến đê ven sông Hàm Luông định hình. Những hộ dân có đất canh tác nằm ngoài tuyến đê, ven sông Hàm Luông là vùng quy hoạch nuôi tôm biển. Phần đất nằm phía trong tuyến đê, được ngọt hóa tức ngoài vùng quy hoạch nuôi tôm biển. Giờ đây, ở vùng ngọt hóa huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã xảy ra tình trạng hộ dân nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch vẫn muốn tiếp tục duy trì nuôi, nhiều hộ nuôi tôm trong vùng quy hoạch huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú… gần như “kiệt” về sức lực lẫn vốn đầu tư vì con tôm thẻ chân trắng.

Tranh chấp mặn- ngọt

Khi tuyến đê ngăn mặn ven sông Hàm Luông chưa định hình, ông Phan Văn Tiền, ngụ xã An Hiệp đã cải tạo 1.000 m2 đất nằm cạnh nhà để nuôi tôm sú. Nuôi một thời gian, ông chuyển sang nuôi cá phi nhưng lợi nhuận không cao. Rồi cách đây 1 năm, huyện Ba Tri tiếp tục triển khai hệ thống thủy lợi nội đồng khép kín, hợp cùng tuyến đê ven sông Hàm Luông hình thành vùng ngọt hóa, trong đó có xã An Hiệp. Ông Tiền đã cải tạo lại ao đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Để nước trong ao nuôi đủ độ mặn duy trì sự sống cho con tôm thẻ chân trắng, ông đào một cái giếng sâu 32m lấy nước mặn, với độ mặn 21%0 đưa vào ao pha với nước ngọt, độ mặn giảm còn từ 4-5%0. Đến thời điểm này, ông Tiền đã thu hoạch được 5 vụ tôm thẻ chân trắng, vụ gần đây nhất, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi 30 triệu đồng. Ông Tiền cho biết: “Từ khi nuôi tôm thẻ chân trắng đến nay, thu hoạch chưa vụ nào lỗ, trung bình mỗi vụ đều lãi vài chục triệu đồng”. Ông Phạm Văn Cược ở xã An Hiệp, có ao 700m2 nuôi tôm thẻ, trong vụ thu hoạch gần đây, dù tôm rớt giá nhưng ông vẫn lãi 35 triệu đồng.

 Ao nuôi tôm thẻ chân trắng của hộ ông Nguyễn Văn Thể, xã An Hiệp, huyện Ba Tri.

Theo thống kê của UBND xã An Hiệp, toàn xã có 19,5ha nuôi tôm, với 116 hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, tức nuôi trong vùng ngọt hóa. Xã đã triển khai chủ trương của tỉnh, huyện và buộc các hộ dân phải cam kết đến ngày 30-6-2014 phải xóa sổ việc nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch. Xã đã kiểm tra phát hiện và buộc phải lấp 29 cái giếng khoan lấy nước mặn để nuôi tôm. Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết, các hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch gặp sự phản ứng từ hộ dân trồng lúa trong xã, bởi vẫn có trường hợp hộ nuôi tôm thải nước mặn ra kênh nội đồng. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá tôm thẻ giảm mạnh, hộ nuôi trong vùng ngọt hóa thu lợi nhuận không cao, có hộ hòa vốn và lỗ. Xã đang nỗ lực tuyên truyền, vận động hộ dân tìm đối tượng nuôi mới thay thế tôm thẻ chân trắng. Đây cũng là hướng phát triển ổn định, bền vững cho cả vùng ngọt hóa của An Hiệp nói riêng và huyện Ba Tri nói chung.

Khi biết thông tin xóa sổ vùng nuôi tôm ngoài quy hoạch, nhiều hộ nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch cho rằng, chủ trương của nhà nước phải chấp hành nhưng quá khó cho dân. Một số hộ lý giải rằng, họ phải tốn tiền để có nước mặn và không xả thải, nếu chuyển đổi đối tượng nuôi sẽ khó. Song, ở tuyến đê ven sông Hàm Luông- vùng quy hoạch nuôi tôm, dù các hộ nuôi tôm đầu tư vùng nuôi bài bản, hệ thống lưới điện phục vụ cho vùng nuôi cũng được kéo hoàn chỉnh đến tận ao nuôi nhưng phần lớn hộ nuôi đều bày tỏ sự “mệt mỏi” với con tôm sú lẫn tôm thẻ chân trắng.

“Đuối” sức vì nuôi tôm

Ông Cao Văn Hai, xã An Hiệp, huyện Ba Tri cho rằng, từ ngày nuôi tôm đến nay, ông không dám rời vuông tôm. Lúc nào cũng trực theo dõi tôm nuôi và kịp thời xử lý ao nuôi để duy trì sự sống cho con tôm. Nhưng không ít lần tôm thả nuôi hơn 20 ngày tuổi, thiệt hại trắng ao, lỗ nặng. Ông Hai nói: “Cách đây 3 năm, thấy nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng trúng đậm nên tôi bàn bạc cùng người anh có đất nằm trong vùng quy hoạch đầu tư nuôi tôm chuyển đổi, bởi phần đất này nằm ven sông Hàm Luông, mỗi năm chịu ảnh hưởng 6 tháng nước mặn, trồng lúa năng suất không cao. Vậy là 8 công đất ruộng đào ao nuôi tôm, nhưng tôm thẻ giờ tuột giá không phanh, chi phí thức ăn, thuốc ngừa bệnh cho tôm tăng. Tôi thua lỗ liên tiếp nhiều vụ nuôi, có vụ lỗ trên 500 triệu đồng, chỉ có 1 vụ nuôi thu hoạch lãi khoảng 400 triệu đồng. Nhờ anh em trong gia đình góp vốn để tôi đầu tư nuôi, chứ tiền vay ngân hàng thì không còn cầm cự đến hôm nay”. Ông Lê Minh Chánh, ngụ xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri có 3 công đất nuôi tôm sú nhiều vụ liền đều trúng vụ, trúng giá. Tiền tích lũy được, ông lên xã An Hiệp thuê đất cải tạo nuôi tôm biển. Thời điểm đó, giá đất thuê còn thấp, chi phí đào ao không cao, 6 công đất lúa, cải tạo còn 4 công đất mặt nước nuôi tôm. Năm 2012, ông nuôi tôm sú, thu hoạch hòa vốn. Sang năm 2013, nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng đều thất bại, năm 2014, tôm thẻ chân trắng lãi được 100 triệu đồng nhưng vẫn chưa bù đắp thiệt hại cho các vụ nuôi trước.

Theo nhiều hộ nuôi tôm trong vùng quy hoạch, dù nuôi tôm thẻ chân trắng hay tôm sú, họ đều phập phồng. “Nuôi tôm cũng như chơi vé số, khi thua lỗ không ai biết, nhưng trúng thì cả làng đều biết. Thực tế, trong vùng quy hoạch này, nếu có 10 người nuôi thì chỉ có từ 3-4 người trúng, có lãi, còn 6-7 người bị thiệt hại trắng tay”- một hộ nuôi cho biết. Ông Cao Văn Hai cho biết, các hộ nằm trong vùng quy hoạch bị thua lỗ nặng, đuối sức nhưng “phóng lao thì phải theo lao”. Không chỉ ở vùng mặn- ngọt Ba Tri mà vùng cồn Linh và cồn Lá (thuộc ấp 5 và ấp 6, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm) cũng đang trăn trở vì con tôm thẻ. Và dường như giấc mơ đổi đời của họ còn rất xa. Con tôm thẻ chân trắng có mặt tại vùng đất cồn này không lâu nhưng khiến người nuôi buồn nhiều hơn vui. Theo ông Nguyễn Văn Thẻ, Trưởng ấp 5, toàn ấp có 311 hộ dân, trong đó 200 hộ đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng. Ấp 5 khởi xướng nuôi tôm trước rồi đến ấp 6, ban đầu chỉ vài hộ, nhưng từ năm 2013 tôm thẻ giá cao, lợi nhuận cao nên nhiều hộ đổ xô chuyển một phần diện tích đất trồng dừa, cải tạo thành ao nuôi tôm. Trên địa bàn ấp 5, hộ nuôi nhiều nhất là 9.000m2 và thấp nhất là 500m2. “Từ đầu năm 2014 đến nay, giá tôm thẻ giảm mạnh, nhiều hộ mới đào ao xong, kéo điện, mua thiết bị… Có hộ nuôi bị thua lỗ liên tục, đất đai đã cầm cố vay tiền nuôi tôm, giờ phải gồng mình trả tiền lãi và cũng chưa lấy được vốn đầu tư ban đầu”- ông Thẻ nói.

Nhiều hộ dân cho rằng, ngay thời điểm này không ai dám nghĩ đến việc đào ao để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi với ước mơ đổi đời. Trên 80% hộ dân nuôi tôm đều vay vốn ngân hàng để đầu tư vụ nuôi. Hai vụ thu hoạch gần đây, chỉ có từ 30 - 35% hộ nuôi có lãi, số còn lại hòa vốn hoặc lỗ nặng. Không còn tài sản thế chấp vay ngân hàng tiếp nữa, chỉ có thể huy động từ người thân, nếu tiếp tục thất bại phải phơi ao! Hiện nhiều hộ dân có ý định lấp lại ao để trồng cây ăn trái nhưng đang lo vì tiền đâu để bơm cát lấp ao nuôi. Ngay thời điểm nhà nhà, người người ở cồn đào ao nuôi tôm, giá đất từ 60 - 70 triệu đồng/công đã tăng lên 100 triệu đồng/công và giờ thì giá đất đã giảm xuống vị trí ban đầu. Trong khi đó, nếu thuê bơm cát lấp 1.000m2 diện tích mặt nước phải tốn chi phí 100 triệu đồng, cao hơn mua 1.000m2 đất vườn đã trồng dừa cho trái thu hoạch. Trưởng ấp Nguyễn Văn Thẻ cho biết, ông có 3,1 ha đất, khi đào ao nuôi tôm, ông thuê kobe đào ao với diện tích 12.000m2, giờ thua lỗ, đất trên bờ nếu ban xuống chắc chắn lấp lại không đủ phải tốn thêm tiền bơm cát.

Theo ông Nguyễn Văn Chờ, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Đông, toàn xã có 40ha diện tích mặt nước nuôi tôm thẻ chân trắng, với tổng số 370 hộ. Trong đó nhiều nhất là ở ấp 5 và ấp 6. Phong trào nuôi tôm bắt đầu từ năm 2011, nhiều vụ nuôi liên tiếp đều trúng sản lượng lẫn trúng giá, từ đó, nuôi tôm thẻ chân trắng đã trở thành phong trào, cao điểm là năm 2013. Để đảm bảo phát triển bền vững, UBND tỉnh Bến Tre đã điều chỉnh quy hoạch thành vùng nuôi tôm biển nơi đây và quy định đến ngày 31-12-2014 phải lấp tất cả các giếng đã khoan lấy nước mặn nuôi tôm. Các hộ nuôi đã khoan khoảng 300 cái giếng để lấy nước mặn hòa vào ao nuôi. Trong điều kiện nước mặn lấy từ sông Hàm Luông không đảm bảo cho vụ nuôi, độ mặn quá thấp. Đến thời điểm phải lấp các giếng khoan nước mặn theo chủ trương, chắc chắn hộ nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

Chia sẻ bài viết