20/09/2021 - 07:30

Hướng về cơ sở phòng chống dịch

Trạm Y tế lưu động - mô hình sáng tạo 

Để nối liền dịch vụ y tế với người dân, các Tổ COVID-19 cộng đồng là chưa đủ với các “pháo đài” phường, xã, mà phải có các Trạm Y tế lưu động để dịch vụ y tế không bị đứt gãy khi áp dụng giãn cách.

Lực lượng Quân y tại Trạm y tế lưu động mang các đồ dùng cần thiết để đến nhà F0. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Nếu xã, phường được coi là “pháo đài,” người dân trở thành “chiến sỹ” là hai nền tảng của việc chuyển hướng về cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19, việc mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống Trạm Y tế lưu động tại các điểm nóng được coi là cột trụ thứ ba, tạo ra thế kiềng ba chân vững chắc.

Kết nối cơ sở y tế gần với người dân hơn

Ngày 15/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương về việc triển khai Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, sơ kết một tháng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng tại một số địa phương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh ở từng địa bàn và điều kiện cụ thể của từng trường hợp để chủ động thực hiện việc cách ly F0, F1 tập trung hoặc tại nhà, nhằm đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo (nếu cách ly tập trung) và lây lan ra cộng đồng (nếu cách ly tại nhà). Đối với địa bàn ít ca mắc, vẫn phải cách ly tập trung. Tăng cường kiểm tra để thực hiện thật chặt, thật nghiêm công tác này.

Các cơ sở điều trị (kể cả bệnh viện dã chiến, bệnh viện tư nhân) phải bảo đảm các điều kiện về môi trường, oxy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế. Đặc biệt lưu ý không coi F0 chưa có triệu chứng là người bệnh để có phương án cách ly (tại các trung tâm thu dung hoặc tại nhà khi bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết) và chăm sóc phù hợp về dinh dưỡng, thể chất, tinh thần, nhằm giảm tỷ lệ F0 có triệu chứng; chú ý việc bảo đảm điều kiện và điều trị, can thiệp y tế kịp thời nhằm giảm tối đa các trường hợp tử vong. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vào thời điểm này.

Tiếp thu sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giải quyết những vướng mắc trong việc cách ly F0 chưa triệu chứng và F1 tại nhà ở các điểm nóng của dịch COVID-19, ngày 11/9 vừa qua, Bộ Y tế ra Quyết định số 4377/QĐ-BYT ban hành Sổ tay Hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Trạm Y tế lưu động. Theo đó, những địa phương có số người mắc COVID-19 (gọi tắt là F0) quá nhiều, vượt khả năng thu dung của các cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung thì có thể triển khai việc cách ly, theo dõi, chăm sóc và điều trị F0 tại nhà.

Người mắc COVID-19 được xem xét cho cách ly, theo dõi tại nhà, khi có đủ các điều kiện: không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96%, nhịp thở ≤ 20 lần/phút); trên 12 tháng và dưới 50 tuổi; không có bệnh nền (có danh sách ở Phụ lục 1); không đang mang thai; có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân; biết cách đo thân nhiệt; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát; khi cần phải cấp cứu có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính; có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sỹ.

Nếu F0 không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ, chăm sóc người nhiễm; tuy nhiên, nên hạn chế số lượng người chăm sóc.

Ngay từ khi được áp dụng thí điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù việc cách ly, điều trị F0 nhẹ tại nhà là cách làm đúng hướng nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế, song nhiều người mắc COVID-19 và người nhà không yên tâm bởi họ lo ngại sẽ không được cấp cứu kịp thời khi bệnh trở nặng. Chưa kể, một số bị sang chấn tâm lý khi tự cách ly tại nhà. Một số người dân mắc các bệnh mạn tính mà rất khó khăn để đến bệnh viện khám và điều trị trong bối cảnh giãn cách xã hội... Trạm Y tế lưu động ra đời chính là để giải quyết tình trạng này.

Trước đó, ngày 21/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã ký Quyết định số 4042/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình Trạm Y tế lưu động trong bối cảnh có dịch COVID-19.

Theo hướng dẫn, Trạm Y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa việc chăm sóc, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà với việc chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.

Trạm Y tế lưu động có nhiệm vụ quản lý, theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm COVID-19, bao gồm tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh, tổ chức lấy mẫu và gửi các phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR, tổ chức cách ly F0 tại nhà hoặc nơi cách ly tập trung, hướng dẫn xét nghiệm bằng test nhanh.

Trạm Y tế lưu động cũng tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bao gồm quản lý danh sách người cần tiêm chủng trên địa bàn, thực hiện công tác tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm, sơ cấp cứu và chuyển tuyến các trường hợp có phản ứng muộn sau tiêm; tư vấn chuyển tuyến các trường hợp cần tiêm tại cơ sở y tế; truyền thông về COVID-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác.

Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều Trạm Y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50-100 trường hợp mắc COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một Trạm Y tế lưu động. Một Trạm Y tế lưu động được giao phụ trách một cụm dân cư.

Về nhân lực, Trung tâm Y tế tuyến huyện và lực lượng hỗ trợ bố trí đủ nhân lực cho Trạm Y tế lưu động hoạt động. Mỗi Trạm Y tế lưu động có tối thiểu 5 nhân viên y tế; trong đó có ít nhất một bác sỹ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu một nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao.

Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Trong trường hợp nguồn nhân lực y tế tại địa phương không đáp ứng đủ thì có thể huy động thêm nhân viên y tế và các tình nguyện viên từ địa phương khác.

Ngoài nhân viên y tế, chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn, như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường, Tổ dân phố… để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của Trạm Y tế lưu động.

Mô hình sáng tạo, nhận sự phản hồi tích cực

Tính đến ngày 18/9, mô hình Trạm Y tế lưu động đã phủ rộng tất cả các xã, phường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hệ thống y tế đầy sáng tạo góp phần chăm sóc, theo dõi các ca F0 tại nhà, giúp họ tiếp cận với các gói thuốc A, B, C và được hỗ trợ y tế kịp thời khi có yêu cầu.

Cán bộ Trạm y tế tiến hành test nhanh cho người dân. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Trạm Y tế lưu động số 10 (phường 12, quận 3) đặt tại Trường Nhân đạo trẻ em quận 3. Các bác sỹ, điều dưỡng và các tình nguyện viên tại đây ngày cũng như đêm luôn tất bật với việc thăm khám, hỗ trợ điều trị các F0 tại nhà và làm hồ sơ chuyển tuyến với các trường hợp F0 diễn biến trở nặng. Động viên tinh thần cho những người mới nhiễm SARS-CoV-2 vượt qua cú sốc tâm lý cũng nằm trong chức năng của họ.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đảng ủy phường 12, quận 3, nhận xét: Nhờ có Trạm Y tế lưu động hỗ trợ nên thời gian qua, các thầy thuốc ở cơ sở đã đến tận được từng hộ dân để thăm khám, kịp thời cấp phát thuốc cho người dân, đặc biệt là hỗ trợ nguồn oxy kịp thời cho bệnh nhân F0 được cách ly, điều trị tại nhà.

Mô hình Trạm Y tế lưu động tại các xã, phường ở Thành phố Hô Chí Minh đã giảm tải rất nhiều áp lực cho tuyến trên trong việc điều trị và chăm sóc các F0 tại nhà cũng như chăm sóc, hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính trên địa bàn, nhờ đó đã tạo niềm tin cho người dân từ cơ sở, ngay tại “pháo đài” chống dịch.

Trạm Y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú cũng được bổ sung 6 nhân viên quân y để thành lập 2 Trạm Y tế lưu động, hỗ trợ Trạm Y tế phường quản lý, theo dõi hơn 700 ca F0 tại nhà, tránh cho các nhân viên của Trạm Y tế phường thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do khối lượng công việc quá lớn. Nhờ sự trợ giúp của lực lượng quân y cùng với các tình nguyện viên nên các Trạm Y tế lưu động đã gánh giúp một phần công việc cho y tế cơ sở, đặc biệt trong công tác quản lý, theo dõi F0 tại nhà.

Qua khảo sát, Tổ công tác của Bộ Y tế nhận xét các Trạm Y tế lưu động ở Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả, là “cánh tay nối dài” của ngành y tế để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho người dân tại nhà. Các thành viên của từng trạm đã duy trì sự kết nối chặt chẽ với cán bộ Đoàn Thanh niên, tình nguyện viên thông thạo đường đi lối lại ở địa phương để nắm chắc hồ sơ từng ca F0 ở từng nhà.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, đánh giá: Các lực lượng từ Trạm Y tế lưu động có vai trò rất quan trọng, nhất là khi phải theo dõi một số lượng ca F0 lớn tại nhà. Chăm sóc tốt sẽ giảm tải cho tuyến trên. Các lực lượng cần phối hợp nhịp nhàng với nhau.

Các F0 tuổi cao, nhiều bệnh nền thì nên vận động đưa vào các cơ sở thu dung tập trung hoặc bệnh viện dã chiến. Bởi vì các đối tượng này nếu có chuyển nặng thì diễn biến sẽ rất nhanh. Cùng với đó, y tế tuyến phường phải sẵn sàng oxy, máy đo SpO2, các thiết bị y tế cần thiết để xử lý khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ các F0.

Các bác sỹ tại Trạm y tế lưu động trên địa bàn phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Bình Dương, tỉnh có nhiều khu công nghiệp và cũng là điểm nóng thứ hai (sau Thành phố Hồ Chí Minh) về dịch COVID-19, còn sáng tạo ra mô hình Trạm Y tế lưu động trong các doanh nghiệp.

Sáng 17/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương công bố quyết định và ra mắt Trạm Y tế lưu động trong doanh nghiệp - Trạm số 01 tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên.

Trạm được trang bị đầy đủ bình oxy, thuốc kháng đông đường tiêm, đường uống, thuốc Corticoid và các túi thuốc cho các F0 không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ. Đặc biệt, Trạm Y tế lưu động được trang bị phần mềm quản lý truy vết COVID-19.

Tỉnh Bình Dương đã thành lập 27 Trạm Y tế lưu động tại 15 phường đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, trong đó thành phố Thuận An có 15 trạm, thành phố Dĩ An có 4 trạm, thị xã Tân Uyên có 8 trạm.

Sở Y tế Bình Dương nhất trí với ý kiến của các chuyên gia về việc các ca mắc COVID-19 không triệu chứng, không có yếu tố nguy cơ, không bệnh nền sau 7 ngày điều trị sẽ và có kết quả test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2, sẽ được về nhà để tự cách ly. Các Trạm Y tế lưu động sẽ giúp các cơ sở y tế quản lý hiệu quả các ca F0 này.

Tỉnh sẽ tiếp tục bố trí các Trạm Y tế lưu động tại các địa phương “vùng đỏ,” “vùng xanh,” tại các khu, cụm công nghiệp gắn với trang bị đầy đủ về phương tiện, nhân lực, vật tư y tế, bình oxy và các loại thuốc điều trị cần thiết… đảm bảo để người dân, công nhân được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh nhất. Dự kiến, đến ngày 15/10 tỉnh sẽ hoàn thành việc bố trí các trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp.

Mối quan hệ khăng khít giữa ba trụ cột

Chuyển hướng về cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam với ba trụ cột - xã, phường là “pháo đài” phòng thủ vững chắc; người dân là chiến sỹ mà Tổ COVID-19 cộng đồng luôn đi tiên phong; Trạm Y tế lưu động với chức năng kéo cơ sở y tế gần với người dân hơn.

Ba trụ cột này có mối quan hệ qua lại khăng khít với nhau, đúng với tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ, đó là vận động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ để vượt qua các khó khăn do đại dịch gây ra, quyết liệt thực hiện và nỗ lực phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 8, quận 11 chuyển thuốc cấp phát cho F0 điều trị tại nhà. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Nếu không quyết liệt chuyển hướng về cơ sở trong phòng, chống dịch thì khó tránh khỏi tình trạng “trên nóng, dưới lạnh,” “trên phát động, dưới thờ ơ.” Mỗi xã, phường, thị trấn trở thành một ‘pháo đài” phòng thủ tốt trước sự tấn công của dịch bệnh, giữ được “màu xanh” yên bình, các quận, huyện, thị xã, thành phố (trực thuộc tỉnh) mới được “xanh hóa” và ngược lại. Nhiều đơn vị cấp huyện có màu đỏ thì đương nhiên đơn vị cấp tỉnh cũng bị “đỏ hóa.”

Theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về việc ban hành "Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19, một huyện được coi là “nguy cơ rất cao” (vùng đỏ) khi có 30% số xã ở nguy cơ cao trở lên nằm rải rác trên địa bàn huyện hoặc có 50% số xã trở lên ở nguy cơ cao.

Cấp tỉnh được coi là “nguy cơ rất cao” khi có trên 30% số huyện ở nguy cơ rất cao và nằm rải rác trên địa bàn tỉnh hoặc có 50% số huyện trở lên có nguy cơ cao.

Muốn “pháo đài” vững chắc, “chiến sỹ” kiên cường thì lực lượng tiên phong phải dũng cảm, hăng hái. Khó có xã, phường, thị trấn nào giữ được vùng xanh nếu thiếu sự nhiệt tình vào cuộc của các Tổ COVID-19 cộng đồng. Kinh nghiệm chống dịch ở Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh hay Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An… đã chứng minh điều đó.

Tổ COVID-19 cộng đồng là một trong những chìa khóa hữu hiệu, phát huy sâu rộng sức mạnh toàn dân, là cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, “cánh tay nối dài” này không làm thay được mọi việc của cơ quan chuyên môn.

Để nối liền dịch vụ y tế với người dân, các Tổ COVID-19 cộng đồng là chưa đủ đối với các “pháo đài” phường, xã, mà phải có các Trạm Y tế lưu động để dịch vụ y tế không bị đứt gãy khi áp dụng việc giãn cách xã hội một cách nghiêm ngặt.

Đến hết ngày 25/8 vừa qua, Bộ Y tế đã giúp Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập 403 Trạm Y tế lưu động để theo dõi, chăm sóc 45.000 người, trong đó 23.000 ca F0 đang được theo dõi, chăm sóc tại nhà, còn lại 22.000 là các ca F0 đã điều trị ở các cơ sở y tế và được chuyển về nhà để cách ly, theo dõi tiếp.

Chiến lược thành lập các Trạm Y tế lưu động được đánh giá là rất phù hợp với bối cảnh chống dịch hiện nay ở Việt Nam, nhất là tại các điểm nóng và dù mới mẻ nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt./.

Trần Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết