16/04/2009 - 22:34

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu

* Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Phạm Gia Khiêm hội kiến Chủ tịch Quốc hội New Zealand

* Phê duyệt Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản

Chiều 16-4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tiếp thân mật Bộ trưởng Cố vấn Singapore Lý Quang Diệu đang thăm Việt Nam.

Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu bày tỏ vui mừng được sang thăm lại Việt Nam và cảm ơn Tổng Bí thư đã dành thời gian tiếp Đoàn. Bộ trưởng Cố vấn khẳng định Singapore coi trọng việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, thương mại và giáo dục.

Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu thăm lại Việt Nam; đánh giá cao sự quan tâm và tình cảm của Bộ trưởng Cố vấn dành cho Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Singapore; bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước trong thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục- đào tạo, văn hóa, du lịch, y tế, an ninh quốc phòng...; đánh giá cao và mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN trong bối cảnh Việt Nam sắp đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2010.

* Sáng 16-4, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi tiếp Bộ trưởng Cố vấn Cộng hòa Singapore Lý Quang Diệu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Việt Nam mong muốn thắt chặt quan hệ hợp tác nhiều mặt với Singapore, đối tác thương mại và nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Singapore, Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu cho rằng tiếng Anh có vai trò quan trọng đối với việc tiếp cận với tri thức, công nghệ tiên tiến trên thế giới, hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế nhanh hơn. Bộ trưởng Cố vấn vui mừng nhận thấy thế hệ trẻ Việt Nam đang tiếp cận tiếng Anh ngày càng nhiều. Bộ trưởng Cố vấn nhấn mạnh, Singapore thành công là nhờ áp dụng hài hòa những tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới vào nền văn hóa phương Đông, trên cơ sở kế hoạch phát triển tổng thể, dài hạn. Singapore sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm này. Ông cũng khẳng định, việc tận dụng tốt các nguồn lực từ kiều bào có vai trò quan trọng giúp Singapore nhanh chóng tiếp cận với sự phát triển của thế giới.

* Chiều 16-4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội New Zealand, Loock wood Smith và Phu nhân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ vui mừng được đón tiếp Chủ tịch Quốc hội New Zealand và Đoàn, khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và New Zealand trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo.

Trong không khí thân mật và cởi mở, Chủ tịch Quốc hội New Zealand, Loock wood Smith đã bày tỏ sự đồng cảm với những thách thức mà giáo dục Việt Nam đang gặp phải vì Việt Nam và New Zealand có những điểm tương đồng là một quốc gia đa dân tộc. Là một người đã từng làm công tác quản lý giáo dục (từ 1991-1996), Chủ tịch Loock wood Smith đã chia sẻ những kinh nghiệm về giải pháp tăng nguồn lực cho giáo dục đào tạo của New Zealand.

* Chiều 16-4, tại Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã tiếp Chủ tịch Quốc hội (QH) New Zealand Lockwood Smith và các thành viên trong đoàn sang thăm hữu nghị chính thức nước ta theo lời mời của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã phát biểu bày tỏ vui mừng vì chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội New Zealand được tiến hành vào thời điểm quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa hai nước đang phát triển tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội New Zealand Lockwood Smith cảm ơn Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã dành thời gian cho cuộc tiếp và chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương đã chứng tỏ những chính sách phát triển của Việt Nam là đúng hướng.

* Ngày 16-4-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 57/2009/QĐ-TTg, phê duyệt Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Nhật Bản về Đối tác kinh tế (VJEPA) và Hiệp định thực hiện giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản theo Điều 10 của Hiệp định VJEPA ký tại Tokyo ngày 25-12-2008 và các phụ lục liên quan. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao làm thủ tục đối ngoại về việc phê duyệt và thông báo cho các cơ quan Việt Nam ngày bắt đầu có hiệu lực của 2 Hiệp định trên.

VJEPA là một thỏa thuận song phương mang tính toàn diện bao gồm các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển lao động, hợp tác về tiêu chuẩn kỹ thuật… Theo Hiệp định này, trong vòng 10 năm, khoảng 92% hàng hóa sẽ được miễn thuế khi vào thị trường của mỗi bên.

Chia sẻ bài viết