17/02/2014 - 21:35

TỪ NGÀY 18 ĐẾN 19-2-2014:

Tổ chức lễ giỗ lần thứ 142 của Danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa

(CT)- Kỷ niệm 142 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa, UBND quận Bình Thủy phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức lễ giỗ với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Chiều ngày 18-2-2014, sẽ có các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian. Tối cùng ngày, lúc 20 giờ, diễn ra chương trình nghệ thuật "Sáng mãi Rồng vàng" với sự góp mặt của các nghệ sĩ, diễn viên của TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Tây Đô, Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, Nhà văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều. Chương trình có nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc như: ca múa, ca cổ, hoạt cảnh, chặp cải lương, thơ... tái hiện cuộc đời và sự nghiệp của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa; đồng thời thể hiện tình cảm của nhân dân dành cho vị quan thanh liêm, chính trực.

Lễ giỗ của Thủ khoa Nghĩa chính thức diễn ra lúc 7 giờ 30 ngày 19-2-2014 (nhằm ngày 20 tháng Giêng năm Giáp Ngọ) với các nghi thức truyền thống: ôn lại tiểu sử của Thủ khoa Nghĩa và lễ dâng hương.

Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi, sinh năm 1807, mất năm 1872, quê quán tại thôn Long Tuyền, tổng Định Thới, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay là khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Năm 1835, ông đỗ thủ khoa kỳ thi Hương và sau đó được bổ nhiệm làm quan tri huyện Phước Chánh (Biên Hòa), rồi làm Tri phủ Trà Vang (nay là tỉnh Trà Vinh). Làm quan thanh liêm, luôn vì nhân dân chống lại bọn cường hào ác bá nên gian thần vu oan cho ông tội "xúi dân làm loạn, chủ mưu giết người". Phu nhân ông là bà Nguyễn Thị Tồn đã lặn lội ra tận kinh đô Huế để minh oan cho chồng. Cuối đời, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cáo quan về quê dạy học, hốt thuốc chữa bệnh cho dân và dùng ngòi bút lên án quân xâm lược thực dân Pháp, cổ vũ phong trào yêu nước, được tôn vinh là một trong bốn "Rồng Vàng" ở đất Nam bộ.

Sau khi ông mất, nhân dân làng Bình Thủy lập thần chủ, bài vị, đưa hình ảnh vào thờ trong ngôi đình làng, hằng năm đều tổ chức lễ giỗ long trọng. Phần mộ được xây bằng đá ong được các thế hệ người Cần Thơ chăm sóc, tu sửa nhiều lần và được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. UBND TP Cần Thơ đã đầu tư xây dựng, mở rộng khu mộ thành Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và khánh thành vào năm 2013.

LỆ THU

Chia sẻ bài viết