Hoàng Yến
Luật Giá (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 75 điều. Theo đó, Luật Giá (sửa đổi) có những nội dung nổi bật: quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, quyền của người tiêu dùng trong lĩnh vực giá...

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ kê khai giá bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Trong ảnh: Hàng hóa được niêm yết giá tại Siêu thị Co.op mart Cần Thơ. Ảnh: Nam Hương
Luật Giá (sửa đổi) quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, thẩm định giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, thẩm định giá. Nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước được quy định như sau: quản lý, điều tiết giá theo cơ chế thị trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Luật Giá (sửa đổi) quy định cơ quan Nhà nước thực hiện công khai: chủ trương, đề án, báo cáo về biện pháp quản lý, điều tiết giá đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; văn bản định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá trừ hàng dự trữ quốc gia. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai: giá cụ thể hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân tự quyết định giá trong khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành; mức giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá; mức giá của hàng hóa, dịch vụ niêm yết giá… Ông Lê Tấn Lực, ngụ phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Việc quy định công khai về giá để tránh việc lợi dụng các quy định của pháp luật để thông đồng, đẩy giá lên cao và các hành vi tiêu cực khác nhưng vẫn đảm bảo tính tự quyết của người dân. Ðây là một quy định rất thiết thực, cụ thể và tác động trực tiếp đến người dân”.
Luật Giá (sửa đổi) quy định hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá; người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá: can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật vào việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá và tổ chức, cá nhân hoạt động thẩm định giá; cố tình tiết lộ, sử dụng thông tin về giá do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp không đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; mua chuộc, đưa hối lộ, nhận hối lộ; câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ hoặc giá trị tài sản thẩm định giá nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá, thẩm định giá.
Luật Giá (sửa đổi) cũng nghiêm cấm tổ chức, cá nhân loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; gian lận về giá bằng cách cố ý thay đổi các nội dung đã cam kết trong các giao dịch mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian, địa điểm, điều kiện mua, bán, phương thức vận chuyển, thanh toán, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; lợi dụng thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; cản trở hoạt động quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền… Ông Nguyễn Thành Lợi ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, cho biết: “Các hành vi bị nghiêm cấm quy định sát với thực tế, nhất là hành vi loan tin, đưa tin không đúng sự thật về giá đã xảy ra rất nhiều trên thực tế. Vì vậy, khi luật chính thức có hiệu lực, các cơ quan thực thi cần xử lý nghiêm những hành vi sai phạm để đảm bảo thị trường minh bạch, công khai, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có quyền tự định giá và điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể. Ðược xem xét áp dụng nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá do Nhà nước quy định để định giá hàng hóa, dịch vụ. Tự định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh theo khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, phù hợp với căn cứ, nguyên tắc, phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Luật Giá. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ còn có nghĩa vụ chấp hành văn bản định giá, biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; kê khai giá bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật…
Người tiêu dùng có quyền lựa chọn, thỏa thuận về giá khi mua hàng hóa, dịch vụ, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể; tiếp cận thông tin về chính sách giá của Nhà nước; các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước và các thông tin công khai khác. Ðược yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin về giá, chất lượng, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ và hóa đơn theo quy định của pháp luật. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giá theo quy định của Luật Giá, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định của pháp luật khác có liên quan.