29/01/2020 - 14:25

Tín hiệu vui 

Mùa xuân Canh Tý này đánh dấu chặng đường 10 năm TP Cần Thơ triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020” (Đề án ĐTN) theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với những nỗ lực không ngừng, Đề án ĐTN đã trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, tạo việc làm cho lao động. Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết hiệu quả việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội…

Nghề đan lục bình giúp phụ nữ dân tộc Khmer huyện Cờ Đỏ từng bước vươn lên, làm chủ cuộc sống. 

Những ngày giáp Tết, lượng du khách tham quan Chợ nổi Cái Răng gia tăng, tàu, ghe liên tục ghé bến. Quầy nước trên sông “Điểm hẹn” của gia đình Nguyễn Anh Khoa, sinh viên năm 2 ngành Văn học, Trường Đại học Cần Thơ, học viên lớp pha chế thức uống phường Lê Bình, quận Cái Răng, đông khách ghé thưởng thức món trà sữa. Hơn 3 năm nay, gia đình Khoa đăng ký kinh doanh ăn uống trên Chợ nổi, thu hút thực khách do thức ăn ngon, giá hợp lý, phục vụ chu đáo. Anh Khoa phấn khởi kể: “Nắm bắt thị hiếu thực khách trẻ rất chuộng trà sữa, đúng dịp phường mở lớp nghề pha chế thức uống nên tôi đăng ký học. Việc kinh doanh khá thuận lợi, tôi phát huy hiệu quả nghề được học”.

Theo ông Nguyễn Thành Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Nhã Thành, 10 năm qua, Trung tâm đảm trách 58 lớp nghề, với gần 2.000 lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 70-85%. Trong đó, có 13 lớp nghề pha chế thức uống, cho 455 lao động 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng. Ngoài mô hình Quầy nước trên sông chợ nổi Cái Răng, Trung tâm phối hợp Quận đoàn Ninh Kiều hỗ trợ đoàn viên thanh niên các phường mở quán giải khát, vừa tạo việc làm, thêm thu nhập, vừa khơi gợi khát khao khởi nghiệp của tuổi trẻ.

Hơn tháng qua, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quốc Noãn Nguyễn Ngọc Nà, ấp Trường Bình, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, luôn đôn đốc chị em tập trung hoàn thành các mặt hàng quà lưu niệm kịp gởi các khu du lịch bày bán dịp Tết. “Khoe” các loại giỏ thời trang bằng dây nhựa nhiều kiểu dáng, màu sắc, anh Nà phấn khởi: “Các mặt hàng quà lưu niệm bằng tre, trúc và giỏ thời trang dây nhựa rất đắt hàng. Hiện tôi chuẩn bị đợt sản phẩm “đón đầu” phục vụ du khách dịp Tết”.

HTX Quốc Noãn thành lập năm 2013 và đến nay phối hợp dạy 16 lớp nghề đan đát, với trên 500 lao động. Lúc đầu, lao động đan cần xé các cỡ bán cho thương lái, bỏ mối các chợ; sau đó, tận dụng ruột tre, trúc làm thêm bội trồng hoa kiểng. Vài năm gần đây, được Trung tâm Khuyến công, Sở Công thương, hỗ trợ mở lớp tập huấn ngắn hạn nâng cao tay nghề, HTX hướng dẫn một số lao động khéo tay, tỉ mỉ làm thêm các mặt hàng quà lưu niệm, giỏ thời trang… Anh Nà vui vẻ nói: “HTX có trên 40 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ. Nhờ Đề án ĐTN, lao động trong xã được học nghề đan đát từ cơ bản đến nâng cao, làm ra các sản phẩm phục vụ du khách trong và ngoài nước”.

Càng gần Tết, bà con khu vực Tràng Thọ B, phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt càng tất bật thu hoạch rau các loại. Từ sáng sớm, bà con tập trung cân và bó rau, chờ thương lái đến thu mua. Vừa làm, bà con vừa rôm rả bàn chuyện mua sắm Tết, du xuân. Chị Nguyễn Thị Cẩm Thu, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn, phấn khởi cho biết: “Bà con kết hợp kinh nghiệm với kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng rau an toàn. Năm nay, hầu hết bà con ăn Tết “xôm tụ” với vụ mùa “bội thu”.

Các mặt hàng quà lưu niệm bằng tre, trúc, giỏ thời trang bằng dây nhựa được HTX Quốc Noãn trưng bày tại các lễ hội dịp lễ, Tết và được khách hàng ưa chuộng.

Năm 2017, 35 lao động khu vực được học nghề trồng rau an toàn. Sau đó, thành lập tổ hợp tác có 16 thành viên. Các thành viên được vay vốn Chương trình giải quyết việc làm (20 triệu đồng/người) để đầu tư trồng rau. Chị Thu Sương, thành viên tổ hợp tác tiếp lời: “Tôi trồng 1 công bắp cải, bán quanh năm, thu nhập cũng khá và đang tập trung trồng cải làm dưa, bán dịp cận Tết. Nhờ vận dụng kỹ thuật mới nên tôi nhẹ công chăm sóc, bón phân hữu cơ nên rau  đạt năng suất cao, nhất là đảm bảo rau sạch cho người tiêu dùng”.

Diện tích đất trồng rau khá lớn, chị Cẩm Thu được Cửa hàng Nông sản xanh Cần Thơ đầu tư nhà lưới 220 triệu đồng trồng 2 công rau, cải để cung cấp hằng ngày cho cửa hàng. Với tiến độ sản xuất và tiêu thụ ổn định, chị Thu thu nhập bình quân 40 triệu đồng/tháng. Mới đây, gia đình chị Thu được cấp chứng nhận thương hiệu “Rau an toàn Cẩm Thu”.

*

*         *

10 năm qua, thành phố tổ chức trên 1.200 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho trên 41.000 lao động. Có 45 đơn vị đào tạo 72 nghề với 292 giáo viên. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo giai đoạn 2010-2015: 73,61%; giai đoạn 2016-2018: 82,58% và năm 2019: 92%.  Năm 2020, thành phố phấn đấu ÐTN sơ cấp 5.000 lao động, 82% lao động có việc làm sau đào tạo. Tỷ lệ lao động qua ÐTN toàn thành phố tăng khá nhanh: năm 2010: 42,2%, năm 2015: 50,7%, năm 2018: 56,5%, mục tiêu đến năm 2020: 59,5%.

Từ 2 mô hình điểm xây dựng tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai năm 2010 là nghề trồng lúa giống do Trung tâm Dịch vụ và chuyển giao Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ đào tạo và nghề may công nghiệp do Trường Trung cấp Nghề Thới Lai đảm trách, đến nay, toàn thành phố có 45 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Đối với nghề may gia dụng, may công nghiệp, các địa phương chủ động ký kết dạy nghề và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp: Nhà máy may Vinatex (huyện Vĩnh Thạnh), Công ty Biti’s, Công ty TNHH Tư vấn dịch vụ thương mại sản xuất Đại Thành Huy (quận Bình Thủy), Công ty may xuất khẩu Phước Thới (quận Ô Môn), Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ (quận Cái Răng)... Bên cạnh đó, các quận, huyện quan tâm dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông nhàn, như: Tổ hợp tác đan lục bình thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ); Tổ liên kết chằm nón xã Trường Thắng (huyện Thới Lai), phường Phước Thới (quận Ô Môn); Tổ hợp tác đan sọt trồng hoa kiểng xã Tân Thới (huyện Phong Điền); Tổ hợp tác đan dây nhựa tại các phường, xã...

Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, nhận định, 10 năm qua, các chính sách, hoạt động Đề án ĐTN được triển khai kịp thời, hiệu quả. Các cấp chính quyền địa phương phối hợp điều tra, khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động; linh hoạt lồng ghép ĐTN với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Các đơn vị đào tạo thường xuyên cập nhật, chỉnh sửa chương trình, giáo trình phù hợp trình độ và nhu cầu học viên; tích cực liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu nhu cầu nhân lực để hướng nghiệp cho lao động; đầu tư đồng bộ, kịp thời cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; nâng chất cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu. Bên cạnh phương pháp truyền thống, lao động được đào tạo lý thuyết gắn với thực hành, sử dụng, vận hành các loại máy móc, thiết bị dạy nghề… 

BÀI, ẢNH: PHƯƠNG MAI

Chia sẻ bài viết