29/07/2011 - 09:27

Tìm tiếng nói chung để cứu sông Mê Công

Sông Mê Công êm đềm. Ảnh: HOÀNG LAN

Dòng chảy tự do của sông Mê Công đang đứng trước hiểm họa trở thành một dải các hồ chứa liên hoàn do 12 con đập thủy điện bắc ngang dòng chính được đề xuất xây dựng tại khu vực hạ lưu. Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng là nơi sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất về nhiều mặt nếu những dự án đập thủy điện này được triển khai.

Trước hiểm họa đó, ngày 28-7-2011, tại TP Cần Thơ, Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Trường Đại học Cần Thơ) đồng phối hợp tổ chức đối thoại: “Thách thức của việc phát triển đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đến sinh thái ĐBSCL”. Cuộc đối thoại nhằm trao đổi thông tin và thảo luận về các hoạt động cần thực hiện để giữ lấy dòng chảy chính tự do của sông Mê Công, đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp cho cư dân ĐBSCL hôm nay và mai sau.

Thách thức từ các dự án đập thủy điện

Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mê Công là một trong mười con sông lớn nhất thế giới, có chiều dài hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) với tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỉ m3.

Lưu vực sông Mê Công là nơi sinh sống của trên 60 triệu người. Ngoài nguồn tài nguyên nước dồi dào, lưu vực sông này còn có nhiều tiềm năng thủy điện, nguồn lợi thủy sản, thảm thực vật và là khu vực có mức độ đa dạng sinh học rất cao. Không chỉ là nơi sản xuất ra lượng lúa gạo đủ nuôi sống 300 triệu người mỗi năm, nơi đây còn có trên 1.300 loài cá sinh sống, nguồn cung cấp thủy sản quan trọng không chỉ cho hàng chục triệu cư dân ven sông mà còn cho nhiều nơi trên thế giới. Thế nhưng, sự sống của dòng Mê Công và mấy chục triệu cư dân ven hạ lưu vực sông này đang bị đe dọa.

Đến nay, có 12 dự án đề xuất xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Trong đó có 10 dự án của Lào, 2 dự án của Campuchia. Đó là chưa kể ở thượng lưu vực dòng chính sông Mê Công hiện có 4 đập thủy điện đã xây xong và khoảng 8 dự án đập khác đang đề xuất xây, hầu hết là của Trung Quốc. Qua khảo sát, phân tích của nhiều cơ quan khoa học như: Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An; Nhóm tư vấn quốc gia trong Nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính sông Mê Công, Tổ chức VRN... trình bày tại buổi đối thoại, nếu việc xây các đập ngăn nước làm thủy điện này được thực hiện, các rủi ro, thiệt hại đối với ĐBSCL là nghiêm trọng và khó lường.

ĐBSCL có thể chìm xuống biển!

Theo tính toán, nếu tất cả 12 dự án thủy điện dòng chính được xây dựng, lượng điện nhập khẩu từ đây đáp ứng chưa đến 5% tổng nhu cầu điện của Việt Nam vào năm 2025. Trong khi đó, việc khai thác sử dụng tiềm năng thủy điện khu vực thượng lưu sẽ có ảnh hưởng đến tài nguyên nước, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, giao thông thủy, môi trường sinh thái, tác động lớn đến sinh kế của người dân vùng hạ lưu sông Mê Công, nhất là đối với ĐBSCL. Các đập thủy điện hồ chứa trên dòng chính ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia khi được xây dựng làm sông Mê Công cạn nước vì 55% chiều dài dòng chính ở hạ lưu vực (khoảng 1750 km) sẽ biến thành hàng loạt hồ chứa nước. Khi đó, ĐBSCL ở cuối nguồn phải gánh hậu quả nặng nề nhất.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Nhóm tư vấn quốc gia trong Nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện dòng chính sông Mê Công, thủy sản là một trong những ngành bị thiệt hại lớn nhất vì các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công sẽ trở thành những bức tường thành khổng lồ ngăn cản cá di cư để sinh sản được. Theo tính toán, mỗi năm ĐBSCL có thể bị tổn thất từ 240.000 – 480.000 tấn cá trắng, thiệt hại khoảng 0,5 - 1 tỉ USD. Cá trắng còn là nguồn thức ăn cho cá đen (chiếm đến 65%) nên khi lượng cá trắng suy giảm thì cá đen cũng cạn kiệt. Khi đó, hàng triệu người dân nghèo vốn mưu sinh nhờ nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ven sông sẽ lâm vào tình cảnh điêu đứng. Theo tính toán của một số nhà khoa học, nếu các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công được xây dựng, chỉ tính riêng trong 2 lĩnh vực sản xuất lương thực và thủy sản, mỗi năm ĐBSCL có thể chịu tổn thất hơn 2 tỉ USD, tương đương với kinh phí xây dựng 7 cây cầu Cần Thơ.

Ngoài tổn thất kinh tế, các đập thủy điện cũng đe dọa đến tính đa dạng sinh học của sông Mê Công. Lượng phù sa hàng năm từ sông Mê Công tải về hạ lưu từ 160-165 triệu tấn sẽ giảm chỉ còn 42 triệu tấn khi các đập nước trên thượng nguồn được xây dựng. Khi phù sa suy giảm, hậu quả là năng suất lúa và nhiều loại cây trồng ở ĐBSCL sẽ giảm mạnh, mất dinh dưỡng làm đất bị chai; gia tăng tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; làm ngưng quá trình kiến tạo đồng bằng từ phù sa vốn đã diễn ra hàng ngàn năm qua, ĐBSCL sẽ bị sụt lún và chìm nhanh xuống dưới mực nước biển cùng với tác động của nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Bài học này từng xảy ra với đồng bằng Mississippi của Mỹ: khi sông Mississippi bị ngăn đập làm thủy điện, đồng bằng Mississippi chìm xuống biển chỉ trong 20 – 30 năm.

Ngoài ra, còn phải kể đến những thiệt hại sản lượng thủy sản ven biển sẽ giảm do mất đi nguồn dinh dưỡng từ sông Mê Công đưa ra qua chín cửa sông; năng lượng dòng chảy giảm do bị ngăn chặn bởi các đập thủy điện thượng nguồn cũng làm giảm khả năng rửa trôi và tự làm sạch của dòng sông khiến tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước gia tăng; quy trình lũ bị thay đổi; kiệt nước ngọt và gia tăng xâm nhập mặn sâu vào mùa khô, làm đảo lộn hệ thống canh tác toàn vùng ĐBSCL...

TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) nhận định: “Các thiệt hại về nhiều mặt ở ĐBSCL do việc xây các đập thủy điện trên dòng chính và ảnh hưởng biến đổi khí hậu là vĩnh viễn và không phục hồi được. Khi đó, ĐBSCL sẽ không còn là vùng đồng bằng trù phú mà trở thành hoang mạc.

Cần sự hợp tác và chia sẻ

Lịch sử đã chứng minh, ĐBSCL là khu vực canh tác nông nghiệp rộng lớn và trù phú nhất Việt Nam nhờ các ưu thế về đất, tài nguyên nước và khí hậu. Nay những ưu thế đó đang mất dần. TS Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An nhận định: “Hàng năm, vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 7 triệu tấn gạo, hơn 1 triệu tấn cá da trơn thành phẩm cho xuất khẩu, 3- 4 triệu tấn tôm, cá. Nguồn gạo, thủy sản từ ĐBSCL cung ứng cho rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chứ không riêng cho 18 triệu dân trong vùng. Vì thế, cứu lấy dòng Mê Công, cứu lấy ĐBSCL trước những hiểm họa do việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công không thể xem là chuyện riêng hay lợi ích riêng của Việt Nam hay của ĐBSCL”.

Sự đối thoại, chia sẻ để tìm giải pháp thích hợp nhằm gìn giữ dòng Mê Công chảy tự nhiên như bao đời nay không chỉ là trách nhiệm chung của 6 quốc gia trong lưu vực sông Mê Công mà còn là của cả cộng đồng quốc tế. Ông Tim Hamlin, Phụ trách Chương trình Đông Nam Á- Trung tâm Stimson (Hoa Kỳ), đưa ra một đề xuất: “Bên cạnh nỗ lực của các cơ quan nhà nước, cần hướng tới một mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự toàn khu vực như thành lập Liên minh bảo vệ sông Mê Công để tăng cường khả năng hợp tác và sức mạnh để bảo vệ con sông này”.

Với các con sông quốc tế và cả sông Mê Công, tài nguyên nước cũng là tài sản chung của các quốc gia và cùng nhau chia sẻ lợi ích theo những nguyên tắc được luật pháp quốc tế tôn trọng. Với quan điểm đó, TS Đào Trọng Tứ, thành viên Ban Tư vấn VRN, kiến nghị: “Các Chính phủ có thể kêu gọi các đối tác phát triển quốc tế cùng giúp Lào - Campuchia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời cần tìm kiếm các giải pháp phát triển thay thế việc xây dựng các đập trên dòng chính thông qua các chương trình hợp tác phát triển bền vững vùng Mê Công như: du lịch Mê Công xanh, hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực, tiếp cận cảng biển, đào tạo nguồn nhân lực...”.

Hợp tác, chia sẻ lợi ích bao giờ cũng bền vững và nhân văn hơn là tranh giành, chiếm đoạt lợi ích.

GIA HƯNG

Chia sẻ bài viết