* Chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều cần thiết của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
Sáng 18-9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ tổng kết bước 1 việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của QH về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.
Báo cáo của Chính phủ cho rằng, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua đã đạt được mục tiêu đề ra; tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành của UBND đồng thời phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính. Chính phủ đề xuất QH hai phương án, trên cơ sở kết quả bước 1 đạt được, đề nghị QH xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 để thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên phạm vi cả nước từ tháng 5-2011. Chính phủ cũng đề xuất QH phương án mở rộng thêm phạm vi thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố bảo đảm đại diện cho các vùng, miền của cả nước.
Ủy ban Pháp luật - cơ quan được Ủy ban Thường vụ QH giao thẩm tra Báo cáo của Chính phủ cho rằng: thời gian thí điểm vừa qua (từ 4-2009 đến 9-2010) là quá ngắn nên việc đánh giá kết quả thí điểm chưa toàn diện, khách quan, chưa lường hết được những vấn đề phức tạp, vướng mắc có thể phát sinh. Theo Ủy ban Pháp luật, chỉ có thể khẳng định tại các địa phương thí điểm, bộ máy chính quyền cơ sở cơ bản vẫn vận hành tốt, góp phần bảo đảm hoạt động của bộ máy Nhà nước được thông suốt và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương. Việc Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, ủy viên UBND huyện, quận, phường, người đứng đầu được chọn cho cấp phó... đã tạo điều kiện cho sự điều hành tập trung của cơ quan hành chính cấp trên với cấp dưới và thuận lợi hơn cho việc điều động, luân chuyển cán bộ.
Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ những vướng mắc trong việc tổ chức thí điểm bỏ HĐND ở huyện, quận, phường thời gian qua như: Việc lúng túng trong tìm kiếm phương thức bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân để thay thế cho vai trò của HĐND trước đây. Chưa có cơ chế giám sát, kiểm tra hữu hiệu để thay thế chức năng giám sát của HĐND đối với hoạt động của UBND và các cơ quan tư pháp, nhất là giám sát việc chi tiêu ngân sách Nhà nước ở địa phương. Việc giao cho HĐND cấp tỉnh giám sát đối với hoạt động của UBND, TAND, VKSND huyện, quận ở những địa phương thực hiện thí điểm đã nảy sinh những bất hợp lý và chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Cơ quan thẩm tra cũng muốn làm rõ bản chất của vấn đề vì sao HĐND hoạt động hình thức và tìm ra sự khác biệt của chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn thông qua hoạt động thí điểm này. Trên tinh thần đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục thực hiện thí điểm tuy nhiên, chỉ nên tiến hành tại 10 tỉnh, thành phố, không cần mở rộng như đề xuất của Chính phủ.
Đa số các ý kiến thảo luận tại phiên họp đều tán thành với ý kiến đánh giá của Ủy ban Pháp luật, cho rằng cần tiếp tục tổ chức thí điểm thêm một thời gian nữa để tổng kết vai trò và tổ chức của HĐND, UBND và các cơ quan, tổ chức khác ở huyện, quận, phường để cải tiến, sắp xếp, tổ chức lại cơ quan chính quyền địa phương các cấp hành chính ở nước ta. Các ý kiến cũng cho rằng chỉ nên tiếp tục thí điểm trong phạm vi 10 tỉnh thành như trước đây, không cần thiết phải mở rộng thêm 20 tỉnh, thành phố như đề xuất của Chính phủ. Có ý kiến đề xuất cần lấy ý kiến tham khảo của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học về vấn đề này để có cái nhìn tổng quát và đầy đủ hơn.
* Chiều 18-9, góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật. Theo đó, chỉ tập trung vào sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 trong cùng một ngày.
Quy định về Hội đồng bầu cử ở Trung ương được sửa đổi theo hướng bên cạnh một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, tổ chức này còn có các nhiệm vụ, quyền hạn chung đối với cả bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND. Số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được sửa đổi thống nhất với quy định của Luật Bầu cử đại biểu HĐND là từ 300 - 4000 cử tri, bảo đảm cho việc bỏ phiếu của cử tri cũng như việc thành lập các khu vực bỏ phiếu đồng thời không gây quá tải về công việc đối với các tổ bầu cử. Để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, Điều 46 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội được sửa đổi theo hướng số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử đó được bầu 3 đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là 2 người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng, do Hội đồng bầu cử quyết định. Các quy định khác về thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu, mẫu biên bản bầu cử, trình tự thủ tục trong ngày bỏ phiếu; thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử; thời hạn niêm yết danh sách cử tri, giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri... cũng được sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu.
Phát biểu kết thúc phiên họp thứ 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: sau một tuần làm việc rất tích cực, khẩn trương, UBTVQH đã hoàn thành toàn bộ dự kiến chương trình ban đầu.
NHÓM PV TTXVN