11/03/2013 - 22:20

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN

Tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách việc làm, dạy nghề và quan hệ lao động, đảm bảo an sinh xã hội

(CT)- Ngày 11-3-2013, tại TP Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền chủ trì Hội nghị rà soát các chính sách việc làm, dạy nghề và quan hệ lao động với lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phía Nam.

Theo các báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2012, các tỉnh, thành phía  Nam đã tạo việc làm cho 853 ngàn người, chiếm 56% tổng số người được tạo việc làm cả nước; trong đó, ĐBSCL tạo việc làm cho khoảng 314 ngàn người. Các hoạt động giao dịch việc làm phong phú, đa dạng, thúc đẩy phát triển thị trường lao động trong và ngoài nước; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện khá tốt chính sách tiền lương ở các doanh nghiệp, quan hệ lao động được cải thiện; các quy định về hợp đồng lao động, xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động được thực hiện tốt. Toàn khu vực phía Nam có 39 trường cao đẳng nghề, 83 trường trung cấp nghề, 265 trung tâm dạy nghề. Trong năm, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh trên 528 ngàn người, chiếm 35,4% tổng số người học nghề cả nước; cơ cấu ngành nghề đào tạo phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương; đáp ứng nhu cầu đa dạng trình độ nhân lực kỹ thuật. Dạy nghề cho 155 ngàn lao động nông thôn, triển khai và nhân rộng nhiều mô hình dạy nghề gắn với việc làm hiệu quả. Đồng thời, các địa phương quan tâm kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, nâng cao chất lượng dạy nghề…

Đại biểu các tỉnh, thành đã trình bày các khó khăn, bất cập trong triển khai các chính sách việc làm, dạy nghề, quan hệ lao động, trong đó, tập trung khó khăn về: giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động; vận động đưa người đi xuất khẩu lao động, thiếu liên kết trong cung - cầu lao động; chính sách giải quyết bảo hiểm thất nghiệp. Đối với Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dạy nghề chưa gắn với tạo việc làm, chưa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp cũng như thu hút doanh nghiệp tham gia dạy nghề. Mức hỗ trợ học nghề thấp, chưa tạo điều kiện vay vốn để phát triển ngành nghề; chưa bố trí cán bộ phụ trách dạy nghề… Trong quan hệ lao động, từng lúc, từng nơi thiếu giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện pháp luật lao động của chủ sử dụng lao động đối với người lao động. Qua đó, các đại biểu kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét triển khai các chính sách phù hợp, giúp địa phương thực hiện hiệu quả các công tác trên… 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phía Nam, trong chủ động thực hiện các chính sách, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và phục vụ xuất khẩu lao động kỹ thuật, có thu nhập cao; tăng cường kết nối cung - cầu lao động giữa miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đảm bảo hiệu quả giải quyết việc làm của khu vực. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục, làm chuyển biến nhận thức của lao động nông thôn về học nghề, cung ứng đội ngũ lao động lành nghề, theo yêu cầu doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong quan hệ lao động, hài hòa trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và người lao động, đảm bảo quyền lợi người lao động. Thời gian tới, các văn bản luật và hướng dẫn thực có liên quan được ban hành sẽ là cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện tốt hơn các chính sách. 

ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết