15/07/2013 - 21:50

Tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch

Việc áp dụng rộng rãi máy gặt đập liên hợp vào khâu thu hoạch lúa góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm đáng kể thất thoát sau thu hoạch.

(CT)- Theo Bộ NN&PTNT, qua hơn 2 năm thực hiện Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản đã tạo bước tăng trưởng nhanh về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nhất là lĩnh vực canh tác, thu hoạch lúa. Riêng khu vực ĐBSCL, hiện đã có 10.000 máy gặt đập liên hợp, đảm bảo thu hoạch khoảng 60% diện tích lúa toàn vùng. Nhờ đó, tổn thất ở khâu gặt giảm từ 5-6% xuống còn 2%. Chi phí thuê máy gặt chỉ ở mức 2,1-2,5 triệu đồng/ha, giảm 0,5-0,9 triệu đồng/ha so với gặt tay. Hiện tại, tích lượng kho chứa lúa gạo của ĐBSCL khoảng 5,38 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiếp tục đầu tư xây mới các kho chứa lúa gạo khoảng 980.000 tấn, nâng tổng tích lượng kho chứa lúa gạo toàn vùng lên 6,36 triệu tấn (kho chứa gạo 4,77 triệu tấn và kho chứa lúa là 1,59 triệu tấn).

Bộ NN&PTNT cho biết đang chuẩn bị trình Thủ tướng điều chỉnh các Quyết định  về cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản. Theo đó, ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ nông dân đầu tư mua một số loại máy móc, thiết bị nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được như: máy gặt đập liên hợp, máy cấy, máy kéo công suất lớn, các thiết bị bảo quản sau thu hoạch… Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kho chứa lúa theo chỉ tiêu đã phân bổ. Đồng thời đề ra chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư cải tạo hệ thống kho chứa lúa gạo đã xuống cấp theo đúng quy trình công nghệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại địa phương…

Tin, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết