26/05/2015 - 20:05

TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ THỚI LAI

Tích cực gắn kết các địa phương đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo

Là cơ sở dạy nghề tham gia Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ (gọi tắt là Đề án ĐTN), Trường Trung cấp Nghề (TCN) Thới Lai tích cực gắn kết và hỗ trợ các địa phương, đảm bảo chất lượng và hiệu quả dạy nghề. Trường vừa khởi động kế hoạch dạy nghề năm 2015 qua việc kết hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Vĩnh Thạnh khai giảng 2 lớp nghề may công nghiệp ngắn hạn ở xã Vĩnh Trinh và xã Thạnh Quới…

 Phụ nữ xã Vĩnh Trinh tham gia học nghề may công nghiệp.

Từ sáng sớm, 35 lao động xã Vĩnh Trinh đăng ký học nghề may công nghiệp đã tập trung ở UBND xã để dự lễ khai giảng. Gương mặt ai cũng tươi rói, hớn hở, bày tỏ sự phấn khởi khi được học nghề yêu thích. Đa số chị em quanh năm làm mướn, làm thuê kiếm sống, việc làm, thu nhập không ổn định nên cuộc sống rất khó khăn. Một số chị quen việc nội trợ, bếp núc, ai mướn gì làm nấy, chủ yếu sống nhờ vào thu nhập của chồng từ nghề làm ruộng, thợ hồ… Chị Võ Thị Kim Yến, ở ấp Vĩnh Thành, vui vẻ nói: “Chồng tôi là giáo viên tiểu học, còn tôi chăm lo việc nội trợ và nuôi dạy 2 con nhỏ, chi tiêu trong gia đình gói ghém tiền lương hằng tháng của chồng. Được Chi hội phụ nữ ấp giới thiệu học nghề may, tôi rất mừng nên bàn với chồng thu xếp việc gia đình để đi học rồi đi làm, kiếm thêm thu nhập lo cho các con học hành”. Niềm vui này lan tỏa sang lớp nghề may công nghiệp ở xã Thạnh Quới làm không khí cũng rôm rả, hào hứng. Do đa số chị em ở các ấp vùng sâu, đi lại trở ngại, tốn kém nên lớp nghề được tổ chức tại nhà dân trong ấp Quy Lân 2. Việc tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm giúp chị em an tâm học nghề, có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái.

Theo Ban giám hiệu Trường TCN Thới Lai, trước ngày khai giảng, nhân viên kỹ thuật của trường đã chuyên chở và lắp đặt máy may công nghiệp ở 2 điểm dạy nghề, kiểm tra đường dây điện, vận hành máy may, đảm bảo an toàn lao động cho học viên. Trong 2 tháng, học viên được trang bị các kỹ thuật căn bản cắt may quần tây, áo sơ mi; thao tác sử dụng máy và các công đoạn may công nghiệp. Đồng thời, trường lồng ghép hướng dẫn an toàn lao động, kỷ luật lao động cũng như rèn tác phong công nghiệp. Kết thúc khóa học, chị em được cấp giấy chứng nhận học nghề ngắn hạn và giới thiệu làm công nhân Nhà máy may thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam đang xây dựng ở huyện Vĩnh Thạnh, chuẩn bị đưa vào hoạt động. Theo ông Đào Minh Lợi, Hiệu trưởng Trường TCN Thới Lai, đây là lực lượng lao động qua ĐTN cung ứng cho công ty may nên trường rất chú trọng nâng chất “sản phẩm” đầu ra, cũng là để quảng bá “thương hiệu”. Sắp tới, trường kết hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai mở lớp nghề may công nghiệp ngắn hạn cho 35 lao động các xã, thị trấn, bổ sung lực lượng lao động cho mô hình may gia công quần áo thể thao xuất khẩu.

Thời gian tới, nhà trường tiếp tục quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề gắn với GQVL, phù hợp nhu cầu lao động và doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ học viên về học nghề, việc làm, vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật...

Bài, ảnh: PHƯƠNG MAI

Chia sẻ bài viết