18/02/2021 - 18:30

Thường trực Chính phủ họp trực tuyến về Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế 

(CT) - Chiều 18-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ về Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Tại điểm cầu TP Cần Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đề án được xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do đó, Đề án tập trung vào nghiên cứu chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế có liên quan đến mục tiêu phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và bám sát nội dung theo Nghị quyết số 10-NQ/TW. Đề án đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển KTTN nêu trong Nghị quyết số 10-NQ/TW và Nghị quyết số 98/NQ-CP. Đề án đưa ra 5 nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ theo các chức năng cơ bản của quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đề án cần làm rõ tên gọi là đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển KTTN ở Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW; tập trung vào vấn đề trọng tâm là phát triển KTTN gắn với định hướng phát triển kinh tế đất nước. Đề án này cần quán triệt các quan điểm lớn, các đột phá lớn về KTTN, xem KTTN là bộ phận quan trọng, là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam, không thể tách rời những chiến lược, phương hướng, nhiệm vụ của nền kinh tế đất nước. Về mục tiêu yêu cầu, phát triển KTTN phù hợp với tình hình quốc tế và trong nước, trong trạng thái bình thường mới, phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN của Việt Nam. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận ý kiến của Thường trực Chính phủ, lãnh đạo các bộ, các địa phương để hoàn thiện Đề án, trong đó tập trung vào 5 nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ cụ thể đã nêu. Đồng thời, thống nhất đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ đưa các nội dung của Đề án vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng để các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là phân cấp tháo gỡ khó khăn cho KTTN nói chung, xác định vị thế quan trọng của KTTN, tạo mọi điều kiện cho các thành phần KTTN yên tâm đầu tư, làm ăn, sản xuất, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. 

 MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết