Dẫu biết việc phạt đánh đòn con cái là vi phạm quyền trẻ em nhưng cách dạy con theo kiểu "thương cho roi cho vọt" vẫn còn diễn ra ở không ít gia đình. Bên cạnh một số trường hợp do cha mẹ không kiềm chế được cơn nóng giận khi con phạm lỗi lớn, ngỗ ngược, thì với một số người, chuyện phạt đánh đòn trẻ gần như trở nên bình thường, với suy nghĩ khi bị đánh đòn đau, trẻ sẽ sợ và không dám tái phạm. Với nhiều trường hợp, cách dạy dỗ trên lại cho tác dụng ngược...
* Răn dạy bằng
roi
 |
Dạy con là một nghệ thuật. Ảnh: H. VÂN |
Không ít bậc phụ huynh cho rằng phải dùng đến roi thì con cái mới biết nghe lời. Tuy nhiên, trên thực tế, cách dạy dỗ cứng rắn trên khiến đứa trẻ trở nên lỳ đòn và ngang bướng hơn. Như trường hợp của Tuấn, 14 tuổi, con anh T., chị M. (ở huyện Phong Điền). Dù cha mẹ dạy dỗ nghiêm khắc, đánh đòn rất dữ nhưng Tuấn vẫn hay trốn học, thậm chí đem hết tiền đóng học phí để chơi game. Theo lời anh chị, từ nhỏ Tuấn đã rất hiếu động, ương bướng nên anh chị thường đánh đòn để "rèn" con. Ban đầu, Tuấn cũng tỏ vẻ sợ hãi, nhưng càng về sau Tuấn càng lỳ đòn, chẳng còn sợ cha mẹ la mắng. Chị M. tâm sự: "không hiểu sao bây giờ nó chẳng còn sợ ai nữa. Vợ chồng tôi la mắng bao nhiêu cũng không ăn thua, thậm chí, nó còn quậy phá hơn trước. Hễ tôi lơ là một tí thì nó trộm tiền, trốn đi chơi, có khi đi cả đêm không về
".
Gia đình chị Nga (ở quận Ninh Kiều) cũng khổ sở vì cô con gái nhỏ quá ương bướng. Gia cảnh neo đơn, một mình lo bươn chải mưu sinh nên hầu như chị không còn thời gian dành cho con gái. Cũng vì thế mà đứa con gái của chị thường tụ tập đi chơi lêu lổng với bạn bè, chẳng chịu học hành. Sợ con hư hỏng, mỗi khi Tú (con gái chị) phạm lỗi, chị Nga thường đánh đòn con thật đau. Ban đầu, Tú còn sợ sệt, nhưng dần về sau Tú cứ đứng gồng mình chịu trận đòn của mẹ, xong lại bỏ đi chơi như chẳng có gì xảy ra. Nhìn con gái, chị Nga chỉ biết lắc đầu thở dài.
Kiểu thương con của chị Hà (ở quận Ninh Kiều) cũng khiến nhiều người không khỏi ngao ngán. Bé Bo, con chị vốn rất biếng ăn. Vì lý do đó nên cứ hễ đến giờ cơm thì gia đình chị như xảy ra chiến tranh. Cứ đến bữa ăn, chị bưng chén cơm đầy, đút hết muỗng này đến muỗng khác, cố ép con ăn cho bằng hết. Hễ bé Bo ngậm cơm lâu không nuốt thì chị lại tát vào mặt con một cái rõ đau. Thậm chí khi con không ăn, khóc lóc và ói cơm ra ngoài thì chị lại vẫn tiếp tục ép con ăn. Theo chị, nếu như không ép buộc như thế thì trẻ sẽ không đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Chị nói: "Con cái nếu không dạy dỗ từ nhỏ thì lớn lên làm sao dạy dỗ gì được". Áp dụng phương pháp dạy con như thế, nên hễ con chị không nghe lời thì chị lại đánh đòn.
Anh P. T. T. (ở quận Ninh Kiều) nay đã ngoài 50 tuổi nhưng anh không bao giờ quên được những trận đòn của ông nội. Nhà nghèo, con cháu đông, mỗi khi các cháu xảy ra bất hòa, gây gổ, hoặc phạm lỗi lầm gì, ông nội của anh thường phân xử bằng đòn roi. Nhiều lúc có thứ gì đang cầm trong tay ông đều phang thẳng cánh. Lớn lên trong cách dạy dỗ đó nên cha của anh cũng thường phạt đánh đòn các con. Dù con cháu rất sợ nhưng nhiều năm sau, những trận đòn bất ngờ thi thoảng vẫn còn ám ảnh anh trong giấc ngủ.
* Làm bạn cùng con
Trên diễn đàn "Làm cha mẹ", khi thảo luận về chủ đề "Có nên đánh con không?", nhiều bà mẹ trẻ cũng tỏ ra phân vân. Bạn đọc có nick name "me chiyo" chia sẻ: "Sáng nào chị cũng bị stress vì con. Gọi không chịu dậy, không chịu đánh răng, trời lạnh mà không chịu mặc áo ấm, hết năn nỉ rồi lại gầm gừ thế mà không ăn thua gì. Tánh chị rất nóng mặc dù đã rất kiềm chế nhưng cuối cùng cũng phải đét mấy cái vào mông. Vẫn biết như vậy là phản giáo dục nhưng thật tình chị cũng không biết phải làm sao".
Theo một số nhà tâm lý nhiều kinh nghiệm, không nên hiểu cứng nhắc câu "thương cho roi cho vọt" nghĩa là "cứ đánh đòn con mới là thương con" mà cần hiểu lời khuyên trên theo hướng "hiện đại, tích cực hơn", với hàm ý nhắc nhở cha mẹ không nên nuông chiều con quá mức mà cần tìm ra phương pháp giáo dục trẻ một cách nghiêm túc, khoa học, phù hợp với tính cách, độ tuổi của trẻ. Trong thực tế, có nhiều phụ huynh không dùng đòn roi nhưng vẫn thể hiện được cái uy với con mình, thậm chí là đứa trẻ còn sợ và biết nghe lời hơn. Chị Trang (ở quận Ninh Kiều) chia sẻ: "Con tôi đã 10 tuổi rồi nhưng từ đó đến nay, tôi chưa bao giờ đánh con. Đúng là có nhiều lúc thấy con không nghe lời, mè nheo, quậy phá
khiến tôi giận lắm, chỉ muốn đánh vài roi cho chừa. Nhưng nghĩ lại, vì sợ ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ nên tôi quyết định không đánh con". Theo chị Trang, cách mà chị dạy con chính là "làm bạn" cùng con. Qua quá trình này, chị hiểu con cần gì và kịp thời uốn nắn, dạy dỗ con bằng những lời lẽ mềm mỏng.
Chị Nguyệt (ở quận Cái Răng) cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình: "Ngày trước, thấy con không nghe lời, tôi rất giận. Lúc đó, tôi đánh con mạnh tay lắm và kiểm soát con chặt chẽ hơn, thế nhưng kết quả vẫn không như mong muốn. Trước mặt tôi thì cháu vâng dạ nhưng khi đến trường, cháu nó lại bỏ tiết đi mướn truyện đọc". Về sau, thấy cách dùng đòn roi "không ổn", chị Nguyệt thay đổi phương pháp. Chị bắt đầu chú ý tìm hiểu nội dung những loại sách mà con mê đọc, những "nhân vật" mà con hâm mộ, trao đổi với con về những mặt tốt, xấu của nhân vật. Dần dà, cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con có nhiều điểm chung, gần gũi hơn. Những lúc con học tốt, chị thưởng cho con những cuốn truyện hay để động viên, khuyến khích con. Khi con phạm lỗi, chị dùng lời lẽ mềm mỏng phân tích để con nhận ra khuyết điểm. Nhờ thế mà con chị Nguyệt ngày càng trở nên ngoan ngoãn hơn. Còn anh P.T.T. (ở quận Ninh Kiều), rút kinh nghiệm từ những gì mình đã gánh chịu lúc nhỏ, khi lập gia đình, có 2 con trai, dù có nhiều lúc nóng giận nhưng anh luôn cố gắng kiềm chế không dùng roi vọt với con. Mỗi khi các con phạm lỗi, anh luôn chịu khó nghe con giải thích, tìm hiểu thật cặn kẽ nguyên nhân rồi phân tích phải trái cho con nghe. Anh rất chú trọng dạy con bằng cách nêu gương và từ những câu chuyện tốt hoặc không tốt của những người chung quanh để định hướng, giúp con có cách hành xử đúng đắn. Chính sự quan tâm, gần gũi, dạy dỗ, động viên kịp thời của cha mà hai con của anh đều ngoan và dành cho cha sự tin tưởng tuyệt đối. Bây giờ dù đã lớn nhưng cả hai vẫn thường tâm sự, hỏi ý kiến cha khi đứng trước những chuyện khó xử, những quyết định hệ trọng
Trong thực tế, nhiều phụ huynh dạy con nên người, luôn được các con yêu quý, nể trọng mà không cần dùng đến đòn roi. Theo nhiều nhà tâm lý, để tạo được mối quan hệ gần gũi, tin cậy với con cái, không có cách nào khác là cha mẹ phải dành nhiều thời gian cho con, thấu hiểu và đồng hành với từng bước phát triển của con. Khi cha mẹ thật sự gần gũi, tạo mối quan hệ "tin cậy" ở con cái, trẻ dễ dàng tâm sự, thổ lộ những băn khoăn, khúc mắc trong cuộc sống. Khi đó, cha mẹ vừa là thầy, vừa là bạn, giúp trẻ giải quyết mọi trở ngại, vướng mắc để ngày càng trưởng thành hơn.
Hạ Vy