28/01/2011 - 13:55

Thực phẩm Tết với trẻ nhỏ

Hiện nay, số trẻ mắc bệnh về đường tiêu hóa tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ có chiều hướng gia tăng so với thời điểm trước. Bình quân mỗi ngày, bệnh viện điều trị nội trú khoảng hơn 40 trẻ tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa là cơ thể dung nạp cùng lúc quá nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng.

Tết đến, nhiều gia đình thường dự trữ nhiều thức ăn, bánh mứt, nước ngọt... Nhiều món ăn trong ngày Tết có hàm lượng chất đạm, chất béo cao. Hầu hết các món ăn đều có thành phần chính là đạm động vật như thịt heo, thịt bò, thịt gà, trong đó nhiều món ăn có chất béo nguồn gốc từ động vật, không có lợi cho sức khỏe. Các món ăn chứa nhiều muối như dưa chua, thực phẩm khô, pate, chả lụa... chứa nhiều natri và chất bảo quản. Các loại bánh kẹo, mứt chứa nhiều đường, phẩm màu... Nước ngọt, nước uống có ga gây ức chế dịch vị dạ dày, giảm sự tiết dịch tiêu hóa dễ gây đầy bụng, chán ăn. Dùng cùng lúc quá nhiều những loại thức ăn này có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nhất là ở trẻ nhỏ.

Những ngày Tết, chế độ sinh hoạt, ăn uống của người lớn cũng như trẻ nhỏ bị xáo trộn, không điều độ, không đúng giờ dễ dẫn đến hiện tượng rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, chức năng tiêu hóa và hệ miễn dịch còn non yếu nên không kịp thích nghi với những thay đổi đột ngột, khiến trẻ có thể gặp phải các triệu chứng như: nôn ói, đau bụng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, tiêu phân sống... Từ đó, trẻ bị mệt mỏi, ăn khó tiêu hóa hơn, hấp thu kém và biếng ăn, sợ ăn. Khi xảy ra hiện tượng này, cha mẹ không nên ép trẻ ăn, mà hãy tìm cách giúp bé ăn ngon miệng hơn như: cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp,... Cho trẻ ăn ít đi trong mỗi bữa ăn, chia làm nhiều bữa...

Xử trí khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa:

Một bệnh nhi đang được truyền dịch để điều trị rối loạn tiêu hóa tại Bệnh viện Nhi đồng. Ảnh: THU SƯƠNG 

- Khi trẻ bị táo bón: cha mẹ có thể xoa nhẹ bụng trẻ để kích thích trẻ đi tiêu, cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, các loại nước ép hoặc nước luộc củ cải đỏ cũng có tác dụng chống táo bón.

- Khi trẻ đi tiêu phân lỏng: trên 3 lần/ ngày thì được coi là tiêu chảy. Trẻ có thể sốt cao, bỏ ăn, nôn mửa nhiều kèm tiêu chảy, mất nước. Cần cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để bù lại lượng dịch đã mất do tiêu chảy và do nôn ói. Nếu trẻ còn bú sữa mẹ thì cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt. Cho trẻ uống thêm nhiều nước chín, nước khoáng, nước dừa tươi, nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua và dung dịch ORS. Dung dịch oresol pha xong chỉ sử dụng cho trẻ trong vòng 24 giờ, cho trẻ uống từng muỗng một. Nếu trẻ ói, ngưng khoảng 10 phút, sau đó cho trẻ uống lại nhưng chậm hơn. Tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp có nhiều đường, nước ép trái cây quá ngọt.

Trẻ bị tiêu chảy cấp:

Tuyệt đối không kiêng khem như không cho ăn, uống mà cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi. Chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần, đút chậm bằng muỗng vì trẻ dễ ói. Nên cho trẻ ăn các thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng. Trẻ đang bú mẹ nên cho bú nhiều lần trong ngày, mỗi lần bú nên cho trẻ bú lâu hơn, cả ngày lẫn đêm. Trẻ bú sữa bình: pha như bình thường, không nên pha loãng hơn...

Trường hợp bị tiêu chảy kéo dài, trẻ thường khó tiêu hóa các loại sữa khác ngoài sữa mẹ nên cần tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ hoặc thay thế bằng sữa đậu nành, sữa chua. Thay thế một nửa lượng sữa này bằng thức ăn mềm, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng. Có thể đổi các loại sữa đang dùng bằng sữa đậu nành hay sữa chua khi có ý kiến của bác sĩ và chỉ dùng loại sữa này trong vòng 2 tuần. Sau khi khỏi bệnh thì dùng trở lại loại sữa đã dùng trước khi bị tiêu chảy.

Khi trẻ xuất hiện các biểu hiện của chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, không nên tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy, cầm ói cho trẻ uống. Tự ý mua thuốc cho trẻ uống không giảm được tình trạng tiêu chảy mà còn làm nặng nề hơn vì kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi khiến cho bé bị loạn khuẩn. Các thuốc cầm tiêu chảy, cầm ói khiến cơ thể không thể bài xuất chất độc ra ngoài, làm cho sự nhiễm độc có thể bị tăng nặng.

Phòng rối loạn tiêu hóa trong những ngày Tết:

- Chọn lựa thực phẩm: chọn các loại thực phẩm tươi, sạch, không dập nát, thối rữa, có dưỡng chất có lợi cho sức khỏe như rau, củ, quả tươi, thịt, cá tươi,... Tránh mua dồn nhiều thức ăn trữ lại trong nhà vì thực phẩm dễ biến chất, hư hỏng khi để lâu. Nên mua các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên mua những thực phẩm bán ngoài hè phố, không được che đậy tốt, không đảm bảo vệ sinh.

- Chế biến, sử dụng: hạn chế chất béo trong chế biến thức ăn, đặc biệt là đối với người lớn tuổi. Hạn chế cho trẻ ăn các món chứa nhiều chất béo như: thịt mỡ, cá mỡ, bánh mì bơ, lạp xưởng, các món chiên xào. Tăng rau xanh, trái cây, thực phẩm có nhiều chất xơ trong ngày Tết để cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều năng lượng, đạm, béo. Giảm sử dụng các chất bột, đường bằng cách giảm cơm, xôi, bánh mì mà thay nhóm này bằng bún, miến,... ít năng lượng hơn. Không nên cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo, kem, uống nước ngọt mà nên cho trẻ uống nước trái cây tươi. Cho bé ăn thức ăn tươi, dễ tiêu hóa, tránh ăn những món được nấu lại nhiều lần, thức ăn chế biến sẵn. Trong những ngày Tết, cố gắng cho trẻ ăn đủ 3 bữa ăn chính, ăn đúng giờ, duy trì đúng giờ ăn, ngủ hằng ngày của trẻ.

BS. LƯU THỊ NHẤT PHƯƠNG
(Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết