26/06/2014 - 20:35

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo như thế nào?

Tái cơ cấu ngành lúa gạo đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với các địa phương vùng ĐBSCL nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển cây lúa bền vững. Tuy nhiên, hiện nay không ít người còn băn khoăn không biết phải tái cơ cấu như thế nào và các bên có liên quan phải làm gì? Tại hội thảo “Tái cơ cấu ngành lúa gạo tại ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chủ trì tổ chức, các chuyên gia và nhà quản lý đã tập trung phân tích nhằm đề xuất các công việc và giải pháp cụ thể cần thực hiện.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn

 Nông dân trồng lúa tại ĐBSCL vẫn còn thường xuyên gặp cảnh “trúng mùa, rớt giá”.

Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp có trên 3,8 triệu ha. Với các điều kiện tự nhiên và đất đai thuận lợi, thời gian qua nông dân trong vùng đã đẩy mạnh thâm canh, tăng sản xuất lúa, đưa diện tích sản xuất lúa toàn vùng hằng năm đạt trên 4 triệu ha. Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu nên năng suất, sản lượng và lượng gạo xuất khẩu của vùng không ngừng được gia tăng. Từ đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và giúp mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể. Tuy nhiên, với việc thâm canh tăng vụ và gia tăng nhanh về sản lượng, nhất là các loại gạo ở phân khúc thị trường cấp trung và thấp vốn ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo đã và đang gây nhiều áp lực lên giá xuất khẩu gạo của nước ta, cũng như đầu ra cho sản phẩm lúa gạo nói chung. Trong khi đó, nền sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế như: chi phí sản xuất đầu vào tăng, sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên có liên quan trong chuỗi giá trị để giúp nâng cao chất lượng, giá trị và thương hiệu sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm từ cây lúa và phát triển bền vững…Đặc biệt, đời sống của phần lớn các hộ dân trồng lúa vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhấn mạnh: “Cần tổ chức lại sản xuất để có giá trị gia tăng cao hơn, đưa thu nhập của người làm nông nghiệp cao hơn, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị và tái cơ cấu gắn liền với xây dựng nông thôn mới”. Theo đồng chí Nguyễn Quốc Việt, chỉ trong hai thập niên gần đây, sản lượng lúa của vùng đã phát triển từ 9 triệu tấn năm 1990, đến năm 2013 đạt gần 25 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu gạo của vùng năm 2013 đạt gần 2,36 tỉ USD, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước và từ đầu năm 2014 đến nay đạt 2,5 triệu tấn, đạt giá trị gần 1 tỉ USD. Trong những năm qua, các bộ ngành Trung ương và địa phương đã tìm nhiều biện pháp, mô hình phát triển nhằm đổi mới và tổ chức sản xuất trong nông nghiệp nông thôn. Trong vùng ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp, điển hình trong sản xuất lúa là mô hình cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết phát triển theo từng năm, diện tích sản xuất theo mô hình này năm 2011 chỉ có khoảng 7.200 ha, thì đến năm 2013 ước đạt trên 100.000 ha. Song, diện tích triển khai mô hình cánh đồng lớn vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp. Tình trạng sản xuất còn manh mún, công nghiệp chế biến chậm phát triển nên mặt hàng gạo xuất khẩu đạt giá trị gia tăng thấp. Trong những năm qua, tình hình thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp còn rất hạn chế, chiếm khoảng 10% trong tổng vốn đầu tư cả nước. Với hệ thống sản xuất lúa và thu mua tiêu thụ lúa như hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn luôn thua kém gạo Thái Lan, không thương hiệu, chất lượng không ổn định. Nông dân trồng lúa luôn chịu rủi ro, thiệt thòi. Việt Nam luôn đứng trong nhóm 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cung cấp gạo xuất khẩu đứng đầu cả nước, nhưng thu nhập hằng năm từ trồng lúa của hộ nông dân 4 người khoảng từ 15 triệu đồng/ha, khoảng 300.000 đồng/người/tháng. Hiện nay, số hộ có từ 1 ha đất trở lên tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ lệ rất thấp, đồng nghĩa với mức thu nhập sẽ thấp hơn mức quy định hộ nghèo trong khu vực nông thôn của nước ta.

Tái cơ cấu thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng, để tái cơ cấu ngành lúa gạo tại ĐBSCL, các cơ quan quản lý nhà nước và các bên có liên quan cần tập trung thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp. Đó là nhóm giải pháp về xây dựng chiến lược xuất khẩu; nhóm giải pháp về cải tiến chuỗi giá trị ngành lúa gạo; nhóm giải pháp về tổ chức nông dân lại để xóa bỏ tình trạng sản xuất mạnh mún và tạo các điều kiện để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn; nhóm giải pháp về chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ lúa gạo; nhóm giải pháp về thực hiện quy hoạch sản xuất lúa gạo của vùng và chuyển đổi bớt một số diện tích đất lúa sang các cây trồng khác hiệu quả hơn. Ngoài ra, trong tái cơ cấu ngành lúa gạo tại ĐBSCL cần đặt rõ các mục tiêu về nâng cao lợi nhuận, thu nhập cho nông dân và phải hướng đến sản xuất bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Ông Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân Viện công nghệ sau thu hoạch miền Nam cũng cho rằng, cần phải thực hiện các công việc và nhóm giải pháp cụ thể để tái cơ cấu lại ngành lúa gạo, với mục đích cuối cùng là giúp nền sản xuất phát triển bền vững và nâng cao thu nhập của tất cả các bên có liên quan trong chuỗi ngành hàng, nhất là nông dân. Trong đó, cần chú ý thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để bán được giá cao và quan tâm làm tốt các khâu bảo quản, chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch. Đồng thời, chú ý đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo và khai thác tốt các nguồn phụ phẩm từ lúa gạo để tạo thêm giá trị gia tăng.

Hiện nay, thị trường xuất khẩu đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa nhiều nước xuất khẩu gạo, trong khi nhiều nước nhập khẩu gạo đang tăng cuờng năng lực sản xuất trong nước để hạn chế nhập khẩu. Linh hoạt chuyển bớt một số diện tích đất lúa sang các loại cây trồng khác để giúp việc sản xuất có hiệu quả hơn và giảm áp lực về đầu ra cho hạt lúa là giải pháp rất quan trọng. Mặt khác, cần hướng nền sản xuất lúa gạo trong nước đến một phân khúc thị trường giúp mang lại giá trị cao hơn và ít rủi ro hơn so với phân khúc thị trường cấp thấp. Tiến sĩ Jong Ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, đưa ra dự báo: “Đến năm 2022, thương mại gạo thế giới chỉ đạt 45 triệu tấn, tức tăng khoảng 4 triệu tấn so với hiện nay, nhưng sản xuất lúa gạo thế giới sẽ tăng đến 30 triệu tấn và đạt mức 530 triệu tấn. Trong đó, sản xuất gạo tăng nhưng chủ yếu đối với phân khúc chất lượng thấp do việc mở rộng diện tích sản xuất ở những thị trường mới nổi như Myanmar, Pakistan, Campuchia…”. Theo tiến sĩ Jong Ha Bae,Việt Nam cần chuyển hướng sản xuất, tăng xuất khẩu sang những thị trường có giá trị cao, do còn có nhiều thị trường mới tiềm năng và nhu cầu các loại gạo phân khúc cấp cao, nhất là gạo thơm, gạo đồ hay gạo Jabonica có xu hướng tăng. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Cây lương thực, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết, từ năm 2007 đến nay, năng suất và sản lượng lúa nước ta đã tăng khá ổn định, đảm bảo tốt nguồn hàng cho xuất khẩu và an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, năm 2013, sản lượng lúa gạo vùng ĐBSCL đạt gần 25 triệu tấn, cao hơn nhiều so với nhu cầu đặt ra đến 2015 là 20,8 triệu tấn và trong giai đoạn 2020-2030 là 21 triệu tấn. Đây là cơ sở để chúng ta có thể mạnh dạn chuyển bớt một phần diện tích lúa sang trồng bắp và một số loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, muốn chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa hiệu quả cần phải dựa vào việc khai thác các lợi thế của các tiểu vùng sinh thái và có các giải pháp cụ thể về việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều chuyên gia cảnh báo, đây là điều mà chúng ta đang còn thiếu và yếu, nhất là khi việc quy hoạch sản xuất và gắn kết giữa các địa phương trong vùng còn “lỏng lẻo”.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết