Ngày 29-11, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên thường kỳ tháng 11-2012 thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và những giải pháp của tháng cuối năm nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Một trong những trọng tâm của Phiên họp là tập trung thảo luận các giải pháp tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất
tạo tiền đề cho phát triển năm 2013, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân đón Tết Nguyên đán an toàn, vui tươi, tiết kiệm.
Thảo luận chung về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng qua của năm 2012 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội... được phát huy và đạt kết quả. Theo đó, về giá cả và lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,47% so với tháng trước. Như vậy, tốc độ tăng CPI tiếp tục giảm mạnh từ mức 2,2% trong tháng 9 (cao nhất kể từ đầu năm) xuống còn 0,85% trong tháng 10 và 0,47% trong tháng 11. Đây là kết quả của việc thực hiện kịp thời các biện pháp ổn định giá cả thị trường, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.
Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cán cân tổng thể, tăng dự trữ ngoại tệ Nhà nước. Tính chung 11 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 104 tỉ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 103,98 tỉ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. 11 tháng đầu năm đã cân bằng xuất nhập khẩu.
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế: Sản xuất công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực qua từng tháng, chỉ số tồn kho giảm dần và thấp hơn nhiều so với đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng vẫn phát triển ổn định, đạt kết quả tốt. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá, khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng đầu năm ước đạt trên 6 triệu lượt khách, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2011.
An sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Trong 11 tháng qua của năm 2012, cả nước tạo việc làm cho trên 1,39 triệu lao động, đạt 86,9% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 72,5 nghìn người, đạt 85% kế hoạch năm. Các cấp, các ngành tiếp tục triển khai tích cực và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như: triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bão, lũ, hạn hán, giảm thiểu thiệt hại về người và của; khẩn trương phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; hỗ trợ cứu đói và trợ cấp xã hội; đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm; quan tâm đến gia đình chính sách, người có công, người nghèo, lao động mất việc làm...
Các thành viên Chính phủ đều cho rằng, trong thời gian tới, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng có thể sẽ tăng cao do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nhất là nhu cầu về lương thực, thực phẩm, song phải giữ cho được chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2012 theo mục tiêu đã đề ra (khoảng 8%), việc thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm 2012 không chỉ cho năm 2012 mà còn cho năm 2013 và các năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và một số thành viên Chính phủ đề xuất, cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm; bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm; xử lý nghiêm và công khai các hành vi đầu cơ trục lợi, găm hàng, đẩy giá lên cao trong dịp Tết Nguyên đán. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống, xử lý tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm nhất là tình trạng nhập lậu trâu, bò mang mầm mống dịch bệnh ở khu vực biên giới Tây Nam.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2012 tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng; các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ đã báo cáo trước Trung ương, Quốc hội có khả năng thực hiện được. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, khó khăn thách thức trước mắt còn rất lớn. Vì vậy, cần tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì được mức tăng trưởng hợp lý
phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2012, tạo đà cho năm bản lề 2013. Cùng với đó, là tích cực, khẩn trương chuẩn bị kế hoạch, nhiệm vụ của năm 2013 ngay từ bây giờ trong đó hết sức lưu ý tới nhiệm vụ kiểm soát giá cả, lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội của năm 2013; đảm bảo cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2013 là sâu sát, cụ thể.
Chỉ đạo những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; không chủ quan, lơ là trước yêu cầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát chặt chẽ giá cả của các mặt hàng thiết yếu như thuốc chữa bệnh, sữa, xăng dầu, thực phẩm
Tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất theo chiều hướng giảm dần của lạm phát, cho đây là việc làm thiết thực, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa là để kích thích kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát các khoản thu, quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước, đồng thời giữ được mức bội chi NSNN như đã được thông qua.Tập trung mạnh vào xử lý nợ xấu, hàng tồn kho mà trực tiếp là thị trường bất động sản. Chú ý thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ứng trước của năm 2013, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn FDI, ODA; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, bảo đảm hiệu quả trong đầu tư công.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, ngay từ bây giờ phải xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho Tết nguyên đán, trong đó lưu ý tới tới thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chương trình Tết cho người nghèo; kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ; triển khai hiệu quả các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trong dịp cuối năm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó phải chấm dứt cho được tình trạng nhập gia súc, gia cầm lậu. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thực hiện tốt việc cung cấp thông tin báo chí, tạo đồng thuận hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
THIỆN THUẬT (TTXVN)