26/10/2015 - 21:46

Thúc đẩy liên kết vùng từ công tác quy hoạch

Lâu nay, vấn đề liên kết vùng được các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước khẳng định là rất cần thiết nhằm phát huy thế mạnh chung và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế riêng của từng địa phương. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt liên kết vùng, trước hết đòi hỏi cần có quy hoạch phát triển chung của vùng. Đó cũng chính là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại hội thảo "Luật Quy hoạch-cơ hội và thách thức trong quy hoạch tích hợp vùng" vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại TP Cần Thơ.

Công tác quy hoạch còn hạn chế

Thời gian qua, công tác quy hoạch đã có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch cũng còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém làm khó khăn trong việc điều hành phát triển kinh tế- xã hội. Quy hoạch được lập quá nhiều, chất lượng nhiều quy hoạch thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện nên thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn lực đất nước. Theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy hoạch quá nhiều, nhưng chất lượng quy hoạch thấp, không hiệu quả diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương. Từ "quy hoạch" thường xuyên bị lạm dụng, nhiều ngành, lĩnh vực chỉ cần xây dựng các đề án, chương trình phát triển hoặc tiêu chí để quản lý và đưa ra các dự báo, định hướng, chính sách phát triển cũng được lập thành quy hoạch dẫn đến quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ, phải điều chỉnh trong thời gian ngắn sau khi ban hành, gây lãng phí nguồn lực. "Nhiều sản phẩm phải do thị trường quyết định (dựa vào quy luật cung-cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh), nhưng lại được các cấp, các ngành tổ chức lập quy hoạch như: quy hoạch nuôi, chế biến cá tra đến năm 2020, quy hoạch phát triển tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030… Trong thực tế, không ít loại quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một "giấy phép con" trong thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động về đầu tư, sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân"- ông Vũ Quang Các nói.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hiện các quy hoạch còn thiếu gắn kết, không thống nhất và chồng chéo, mâu thuẫn, nên chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ nhà nước để điều hành phát triển kinh tế- xã hội. Sự thiếu gắn kết giữa các quy hoạch thể hiện rõ khi xử lý các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng. Trên cùng một lãnh thổ, nhiều quy hoạch có sự trùng lắp về nội dung và cấp phê duyệt dẫn đến khó khăn khi tổ chức triển khai thực hiện và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Một số ngành, lĩnh vực bị chia cắt, phân khúc để quy hoạch dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo khi thực hiện. Nhiều quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội mang tính chính trị, chỉ chú trọng xác định những chỉ tiêu, định hướng phát triển, chưa chú trọng việc tổ chức không gian lãnh thổ. Quy hoạch xây dựng vùng chủ yếu thiên về tính kỹ thuật, thiếu cơ sở để xác định động lực cho phát triển, xem nhẹ việc gắn kết ngành và lãnh thổ. Quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, tính kết nối kém. Quy hoạch sử dụng đất chưa thực sự gắn kết được yếu tố không gian, thiếu sự gắn kết các quy hoạch khác nên thực chất mới chỉ là phép cộng quỹ đất dành cho các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, an ninh quốc phòng, xây dựng, đô thị…Trong khi đó, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức quy hoạch tại nhiều nơi còn bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành.

Thu hoạch lúa vụ 3 (lúa hè thu 2015) tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Từ thực tế trên đòi hỏi phải đổi mới công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch theo các phương pháp mới, nhất là quy hoạch theo kiểu tích hợp mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Luật Quy hoạch, với mục tiêu điều chỉnh thống nhất các quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước để quy hoạch thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành được thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Cơ hội thúc đẩy liên kết vùng

Theo Dự thảo Luật Quy hoạch, hệ thống các quy hoạch ở nước ta gồm: quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch ngành quốc gia (không lập quy hoạch sản phẩm vì không còn phù hợp nguyên lý cơ bản nền kinh tế thị trường, chỉ lập riêng đối với một số ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên cấp quốc gia và tùy theo từng thời kỳ…); quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh sẽ thống nhất. Trong đó, quy hoạch vùng là quy hoạch tích hợp, được lập trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, được xem là tiền đề quan trọng thúc đẩy liên kết vùng. Phạm vi và nội dung quy hoạch vùng xác định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường có tính liên tỉnh và chỉ có ở vùng. Xác định những công trình sử dụng chung của vùng; xử lý những vấn đề dẫn đến xung đột lợi ích giữa các địa phương trong vùng, những vấn đề phải có sự phối hợp của các địa phương mới phát huy lợi thế vùng.

Việc xây dựng tốt quy hoạch phát triển chung của vùng không chỉ thúc đẩy sự liên kết, phát huy các lợi thế của vùng mà còn giúp các địa phương giải quyết tốt các vấn đề về môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu… Theo các chuyên gia, đầu tư tốt cho công tác quy hoạch sẽ tránh được tình trạng đầu tư lãng phí. Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, dẫn chứng: cách chống lũ và chống ngập theo kiểu mạnh các tỉnh, thành tự lập các quy hoạch riêng và tiến hành xây dựng các ô đê bao và công trình hạ tầng riêng lẻ như thời gian qua tại ĐBSCL tốn rất nhiều chi phí đầu tư. Tuy nhiên, các địa phương vùng ĐBSCL vẫn chưa thể giải quyết tốt được vấn đề ngập lụt dù toàn vùng có hơn 37.600 km đê chống lũ, với hơn 10.500 ô đê bao. Nguyên nhân do khi bao ô chống lũ chỗ này, nước sẽ tràn về chỗ khác gây ngập lụt trầm trọng hơn, trong khi nhiều quy hoạch chống lũ tại các địa phương chưa lường trước sự tăng bất thường của mực nước lũ, kết hợp tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng tăng và hiện tượng sụt lún đất. Do vậy, cần phải có quy hoạch chống lũ và chống ngập tổng thể cho toàn vùng, với tầm nhìn dài hạn và các giải pháp đầu tư bài bản, đồng bộ, tránh lãng phí trong đầu tư.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, thời gian qua, ĐBSCL đảm nhiệm tốt vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, vùng ĐBSCL đang gặp phải hạn chế trong phát triển và phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể như: hạ tầng kỹ thuật đã yếu lại chồng chéo trong đầu tư và quản lý ảnh hưởng lớn đến hạ tầng kinh tế- xã hội. Thiếu sự liên kết giữa 13 tỉnh, thành trong vùng. Tình hình lũ lụt ngày càng diễn biến bất thường, hạn hán xảy ra ngày càng khắc nghiệt, mặn xâm nhập sâu hơn, cháy rừng, xói lở bờ sông và biển ngày càng nghiêm trọng… Từ thực tế đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu định cư, Ủy viên Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: "Quy hoạch chiến lược vùng tích hợp để liên kết phát triển 13 tỉnh trong vùng ĐBSCL là chủ trương đúng trong bối cảnh mới". Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Luật Quy hoạch nếu được thông qua sẽ là luật khung, có tính "dẫn dắt" nhằm giúp công tác quy hoạch trong tương lai. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp các bên có liên quan, sớm hoàn thiện dự thảo luật trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết