09/11/2016 - 20:53

Thuận lợi, thách thức trong xây dựng vị trí việc làm

Nền hành chính nhà nước được cấu thành bởi các yếu tố cơ bản như: thể chế hành chính, tổ chức bộ máy hành chính, nguồn nhân lực và nguồn lực vật chất. Để điều hành tốt nguồn nhân lực, việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức là rất quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn và phức tạp.

Thời gian qua, việc xây dựng vị trí việc làm tại một số đơn vị trên địa bàn TP Cần Thơ, bước đầu đã giúp lãnh đạo các đơn vị hiểu được tầm quan trọng của việc quản lý công chức, viên chức thông qua vị trí việc làm, cũng như mức độ khó khăn, phức tạp của quá trình xây dựng vị trí việc làm. Qua đó, có sự đầu tư thời gian, nhân lực để tổ chức thực hiện xây dựng vị trí việc làm ở đơn vị. Theo ông Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, quá trình xây dựng vị trí việc làm cũng đã hỗ trợ các đơn vị xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức thông qua việc đối chiếu, so sánh, tổng hợp vị trí việc làm của đơn vị với chức năng, nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở xác định vị trí việc làm, bước đầu xác định được biên chế công chức cần thiết trong đơn vị quản lý Nhà nước hay số lượng viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp. Xây dựng vị trí việc làm góp phần bố trí, sắp xếp phù hợp nhiệm vụ của từng công chức, viên chức với năng lực thực tế của cá nhân.

Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ thành phố, việc xây dựng vị trí việc làm tại một số đơn vị cũng đã phát sinh một số vấn đề cần giải quyết. Trên thực tế, hầu hết các đơn vị đều có bản phân công nhiệm vụ cụ thể tới công chức, viên chức. Tuy nhiên, việc phân công vẫn mang tính bình quân, đồng đều, chưa phân định rõ nhiệm vụ theo mức độ quan trọng, chưa thống nhất trong việc phân chia đối tượng quản lý theo ngành, lĩnh vực hay phân vùng quản lý theo địa bàn, lãnh thổ. Trình độ đào tạo, kiến thức, chuyên môn của một số công chức chưa phù hợp với yêu cầu về năng lực của vị trí việc làm. Nhiều trường hợp, yêu cầu năng lực đối với vị trí việc làm đòi hỏi cao hơn so với năng lực thực tế hiện có của công chức, viên chức đang đảm nhiệm vị trí đó. Ở mỗi vị trí việc làm, quá trình xác định thời gian cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, xác định tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đặc biệt là đối với các đơn vị quản lý hoặc các đơn vị sự nghiệp chưa hoàn thiện về định mức kinh tế kỹ thuật, định mức lao động. Do đó, thiếu cơ sở để xác định số người cần thiết tại mỗi vị trí việc làm - cơ sở để xác định biên chế của đơn vị.

Dự án Tăng cường tác động cải cách hành chính ở TP Cần Thơ đã tiếp nhận Sổ tay hướng dẫn phương pháp xác định vị trí việc làm từ dự án của tỉnh Bắc Giang. Trên cơ sở này, sau nhiều hoạt động thẩm định của chuyên gia, quyển sổ tay đã hoàn thiện với sự điều chỉnh cho phù hợp với TP Cần Thơ. Theo ông Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, Quyển sổ tay này giúp công chức phụ trách tổ chức về quy trình chi tiết, cụ thể theo từng bước; từ đó, đã hỗ trợ các cơ quan, tổ chức xây dựng và xác định vị trí việc làm một cách khách quan, thông qua việc đưa ra các hướng dẫn rõ ràng, thực tế, chi tiết, với các ví dụ minh họa cụ thể. Quyển sổ tay cũng được các sở, ban ngành, quận, huyện áp dụng trong việc thực hiện liệt kê danh mục vị trí việc làm khi các Bộ chuyên ngành ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ mới. Trên cơ sở này, Bộ Nội vụ đã phê duyệt cho TP Cần Thơ 305 vị trí việc làm với danh mục ngạch tối thiểu tương ứng. Theo đó, tổng số vị trí việc làm của thành phố được xác định là 305 vị trí. Cụ thể: Nhóm lãnh đạo, quản lý, điều hành là 47 vị trí; nhóm chuyên môn, nghiệp vụ là 243 vị trí (trong đó, cấp thành phố: 182 vị trí và cấp quận là 61 vị trí); nhóm hỗ trợ, phục vụ là 15 vị trí.

C.H

Chia sẻ bài viết