03/07/2008 - 20:42

Thừa kế trong trường hợp vợ chồng đã chia tài sản?

Do bất đồng quan điểm trong việc làm ăn nên vợ chồng tôi đã thỏa thuận phân chia tài sản chung. Việc phân chia tài sản được lập thành văn bản và có công chứng hẳn hoi. Từ nhiều năm nay, vợ chồng tôi đã sống ly thân, tiền ai người đó xài, không chung đụng gì về tài sản. Giờ đây, chồng tôi chẳng may qua đời, vậy tôi có quyền được hưởng di sản thừa kế của ông ấy không? Nếu có thì tỷ lệ được chia là bao nhiêu?

THÙY DUNG (Cần Thơ)

Thắc mắc của bạn đọc Thùy Dung được luật sư Ngô Công Minh (cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý TP Cần Thơ) giải đáp như sau:

Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung. Việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết (khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân Gia đình).

Như vậy, trường hợp vợ chồng chị đã lập văn bản chia tài sản chung được cơ quan công chứng chứng nhận để xác định phần tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người được pháp luật công nhận việc thỏa thuận đó; nếu như việc chia tài sản chung của vợ chồng chị nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận (khoản 2 Điều 29 Luật Hôn nhân Gia đình).

Trường hợp vợ chồng chị đã ly thân mà chưa ly hôn thì quan hệ hôn nhân vẫn còn tồn tại được pháp luật công nhận và bảo vệ hôn nhân đó. Do vậy, khi chồng chị qua đời, người vợ có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế (khoản 1 Điều 31 Luật Hôn nhân Gia đình) mà theo pháp luật về thừa kế tài sản đã được chia sở hữu riêng, phần tài sản của chồng chị trong tài sản chung với người khác trở thành di sản thừa kế (Điều 634 Bộ luật Dân sự) sẽ được phân chia cho người thừa kế theo pháp luật, trong đó có phần của chị nếu như chồng chị không để lại di chúc cho người khác.

Theo quy định pháp luật dân sự về thừa kế tại Điều 676, người thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

+ Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau (khoản 2 Điều 676 Bộ luật Dân sự).

+ Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối hưởng di sản (khoản 3 điều 676 Bộ luật Dân sự).

Trong trường hợp của chị, nếu như vợ chồng chị không có con chung, con nuôi, chồng chị không có con riêng và cha mẹ ruột của chồng chị đã chết trước chồng chị thì toàn bộ di sản do chồng chị chết để lại, chị là người được hưởng trọn vẹn di sản đó.

THÙY TRANG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết