01/12/2010 - 08:30

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp giáo sư Michael E. Porter, Trường Quản lý Kinh doanh Harvard

* Hoàn thành báo cáo đầu tiên về năng lực cạnh tranh của Việt Nam

Chiều 30-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp giáo sư Michael E. Porter, Trường Quản lý Kinh doanh Harvard đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc giáo sư Michael E. Porter sang tham dự Hội thảo công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 và có buổi thuyết trình tại Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang đánh giá quá trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010, đồng thời khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu là phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, Việt Nam rất hoan nghênh Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam nhằm cung cấp các số liệu, phân tích và có những đề xuất cụ thể góp phần bổ sung, hoàn thiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2020.

Trao đổi với giáo sư Michael E. Porter, Thủ tướng cho biết: trong giai đoạn 2001-2010 Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,2%, trong đó giai đoạn 2005-2010 đạt 7% và dự báo năm 2010 đạt 6,7%... Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kinh tế Việt Nam còn khá nhiều hạn chế yếu kém, trong đó nổi lên là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập để phát triển nhanh và bền vững. Do đó, Việt Nam đưa ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2020, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7-7,5%, gắn với đó là đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm phúc lợi xã hội. Để thực hiện Chiến lược, Việt Nam phải đưa nhanh sức cạnh tranh của nền kinh tế (nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh), trong đó Chính phủ Việt Nam đang điều hành theo hướng vừa kết hợp xử lý những vấn đề trước mắt, chú ý tới vấn đề trung và dài hạn một cách phù hợp nhằm đảm bảo hài hòa trong việc nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bày tỏ vui mừng về ý tưởng đã thành hiện thực kể từ khi giáo sư sang Việt Nam năm 2008 trao đổi để xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh, giáo sư Michael E. Porter cho biết: Báo cáo được xây dựng từ rất nhiều cơ quan trong và ngoài nước, trong đó có bổ sung nghiên cứu riêng phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó có nhiều khuyến nghị cụ thể có thể bổ sung cho Chiến lược phát triển của Việt Nam trong 10 năm tới. Giáo sư Michael E. Porter nhấn mạnh 2 điểm cơ bản trong nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam là cơ cấu tổ chức, cơ chế để triển khai tốt chính sách đã đề ra và thành lập Hội đồng về năng lực cạnh tranh quốc gia.

* Hội thảo công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 đã được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á tổ chức ngày 30-11, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, GS Michael E. Porter - Trường Quản lý Kinh doanh Harvard, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Quốc tế, Học viện Năng lực Cạnh tranh châu Á cùng nhiều quan khách trong nước và quốc tế đã tham dự.

Đánh giá cao những những nỗ lực của các bên trong việc hoàn thành báo cáo đầu tiên về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia là một chương trình dài hạn, không bao giờ ngừng và điều cần quan tâm là phải triển khai, giám sát chương trình hành động đó thế nào cho hiệu quả. Việc triển khai các chương trình, giải pháp cần có sự nỗ lực không chỉ của Chính phủ, của các bộ, ngành, các cấp mà còn là của cả doanh nghiệp và mọi người dân Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định sẽ sử dụng báo cáo này như một nền tảng cho việc xây dựng các kế hoạch và giải pháp trong 10 năm tới. Các bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa vào những chương trình hành động, kế hoạch chiến lược và quy hoạch từng ngành trong giai đoạn tới. Các đề xuất trong báo cáo sẽ được các bộ nghiên cứu trình lên Thủ tướng. Chính phủ luôn lắng nghe các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - Phó Thủ tướng nói.

Theo GS Michael E. Porter, ba nhóm vấn đề quan trọng nhất Việt Nam phải giải quyết là các mất cân đối kinh tế vĩ mô (mất cân đối về cán cân thương mại và tài khoản vãng lai, mất cân đối tiết kiệm - đầu tư, lạm phát và tỷ giá hối đoái); các nút thắt cổ chai về kinh tế vi mô (thiếu hụt kỹ năng lao động và hạ tầng; tỷ lệ giải ngân và tác động lan tỏa tích cực của khu vực FDI thấp, mối quan hệ giảm dần giữa đầu tư và tăng trưởng) cũng như những yếu tố nền tảng của năng lực cạnh tranh như hàm lượng giá trị gia tăng khu vực xuất khẩu thấp, lợi thế cạnh tranh về giá đang giảm dần, sản phẩm trong nước có năng suất thấp hơn so với các sản phẩm nhập khẩu...

Từ những phân tích trên, GS Michael E. Porter khuyến nghị Việt Nam cần một phương pháp tiếp cận đồng bộ và hiệu quả trong việc xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô. Giải quyết các nút thắt vi mô, phát triển các cụm ngành theo hướng tổ chức lại các chính sách, lấy cụm ngành làm trung tâm; tạo dựng nền tảng về giáo dục và kỹ năng lao động, cơ sở hạ tầng, quản trị doanh nghiệp nhà nước; thành lập Hội đồng Năng lực cạnh tranh quốc gia...

THIỆN THUẬT - THANH VÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết