09/01/2011 - 20:53

Thu nhập cao từ nấm bào ngư

Anh Lê Văn Út là một trong những hộ nông dân đi đầu về nghề trồng nấm bào ngư Nhật ở khu vực Thới Hưng, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Trên diện tích 300m2, anh đã mạnh dạn chuyển đổi từ nấm mèo sang mô hình trồng nấm bào ngư Nhật, cho thu nhập mỗi tháng gần chục triệu đồng.

Anh Lê Văn Út bắt đầu nghề trồng nấm mèo từ năm 1997, với 3 trại sản xuất nấm mèo và phôi nấm mèo, nhưng thu nhập không cao. Tháng 7-2009, anh Út được phường cử đi tập huấn về mô hình trồng nấm bào ngư Nhật. Nhận thấy đây là mô hình mới và có nhiều ưu điểm: dễ trồng, không cần nhiều diện tích đất... và đặc biệt, có thể thu hoạch hàng ngày, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nấm mèo. Từ đó, anh Út quyết định chuyển sang trồng nấm bào ngư Nhật. Anh mua 5.000 bịch phôi nấm bào ngư về trồng, giá 3.200 đồng/bịch. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí đầu tư, anh thu được lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng trong đợt trồng đầu tiên (trong vòng 7 tháng). Khi thấy được hiệu quả thiết thực từ mô hình trồng nấm bào ngư, anh quyết định mở rộng thêm 2 trại tương tự. Hiện tại, anh Út trồng 14.000 bịch phôi cho 3 trại, với tổng diện tích 300m2.

Anh Lê Văn Út và trại nấm bào ngư của gia đình. 

Vốn đầu tư trồng nấm bào ngư không nhiều, chỉ cần các vật liệu, như: trại (thường lợp lá, nền đất), máy tưới nước, đồng hồ đo độ ẩm... sử dụng trong thời gian dài. Thêm vào đó, mô hình này ít tốn công chăm sóc. Anh Út nói đùa: “Nếu vợ chồng là công chức, đi làm ngày 2 buổi cũng có thể trồng nấm bào ngư kiếm thêm thu nhập. Buổi sáng tranh thủ dậy sớm hái nấm “bỏ mối”. Trước mỗi lần đi làm, điều chỉnh hệ thống tưới nước tự động, để tưới nấm. Chiều đi làm về tiếp tục thu hoạch nấm”. Mỗi trại nấm có quy mô khoảng 6x12m, treo được khoảng 4.000 bịch phôi. Sau khi cấy meo, phôi nấm được treo thành hàng trong trại. Khoảng một tháng rưỡi, tơ chạy đầy thì có thể tưới nước - đón nấm. Thời gian thu hoạch nấm kéo dài từ 6-7 tháng, mỗi bịch phôi cho ra khoảng 0,3-0,7kg nấm. Nấm bào ngư muốn tăng trưởng tốt phải trồng nơi kín gió, cường độ ánh sáng vừa phải, độ ẩm không khí khoảng 75-85%.

Trung bình mỗi ngày gia đình anh Út thu hoạch 15kg nấm bào ngư, giá bán 22.000 đồng/kg (giá bao tiêu, giá trên thị trường 24.000-28.000 đồng/kg), thu được trên dưới 330.000 đồng/ngày. Ước tính mỗi tháng, gia đình anh Út thu nhập trên dưới 10 triệu đồng từ nấm bào ngư và có thể đạt hơn 150 triệu đồng/năm tùy thuộc vào công chăm sóc. Anh Út phấn khởi cho biết: Trồng nấm bào ngư thấy “mê” lắm. Ngày nào cũng có thu nhập, cuộc sống trong gia đình thoải mái hơn nhiều, không phải lo lắng về vấn đề chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng nấm, anh Lê Văn Út đã tự nghiên cứu cách tạo ra phôi nấm bào ngư. Xuất thân là nhà nông, không qua trường lớp đào tạo, nhưng bằng kinh nghiệm thực tế từ việc làm phôi giống nấm mèo trong nhiều năm và những kiến thức học được qua các lớp tập huấn, chỉ vài tháng sau khi trồng đợt nấm bào ngư đầu tiên, anh Út đã thành công trong việc tạo phôi nấm bào ngư và áp dụng rộng trên những trại nấm của mình. Sau đó, các hộ xung quanh cũng bắt đầu sử dụng nguồn giống do anh cung cấp. Việc này không chỉ giúp những hộ trồng nấm xung quanh có được nguồn cung giống tại chỗ, mà còn tạo được việc làm cho chị em phụ nữ nhàn rỗi trong những đợt tham gia vô bọc mạt cưa làm phôi (thu nhập khoảng 120.000 đồng/người/ngày), khi anh có đơn đặt hàng. Hiện tại, phôi nấm của anh Út không những được các hộ xung quanh tin dùng, nhiều hộ trồng nấm bào ngư các địa phương khác cũng tìm đến đặt hàng.

Anh Trần Văn Lập, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, cho biết: Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lê Văn Út là người hòa nhã, nhiệt tình, thân thiện với làng xóm, có tinh thần ham học hỏi. Năm 2010, anh Út đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi” cấp quận.

Mô hình trồng nấm bào ngư Nhật dù không mới, nhưng đơn giản, dễ làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình này không đòi hỏi diện tích đất nhiều, thích hợp với những vùng đất ven đô thị. Bên cạnh đó, phôi nấm được tạo ra từ mạt cưa góp phần bảo vệ môi trường. Hy vọng trong thời gian tới mô hình trồng nấm bào ngư sẽ phát triển hơn nữa, góp phần cải thiện đời sống của các nông hộ, tạo thêm nguồn thực phẩm sạch phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng.

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết