20/09/2016 - 20:30

Qua giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố:

Thu hút đầu tư được đổi mới nhưng vẫn còn nhiều hạn chế

Thời gian qua, TP Cần Thơ có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Tuy vậy, qua giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố vào ngày 12-9-2016, cho thấy việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và các hoạt động thu hút đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố còn những hạn chế nhất định, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của thành phố...

Qua giám sát cho thấy những năm gần đây, công tác xúc tiến đầu tư được UBND thành phố chỉ đạo đổi mới cả về nội dung và phương thức thực hiện. Thành phố cũng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để thu hút đầu tư vào thành phố. Tại cuộc giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố về việc thu hút vốn đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố mới đây, ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho biết, từ cuối năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn thành phố có 401 dự án đầu tư các lĩnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ, khu dân cư và tái định cư, với tổng số vốn đầu tư khoảng 91.936 tỉ đồng. Trong đó, có 69 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 24.816 tỉ đồng và 332 dự án đầu tư trong nước, với vốn đầu tư 67.988,9 tỉ đồng. Đa số các dự án thuộc các khu vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng. Các đối tác đến làm ăn tại Cần Thơ chủ yếu là đến từ các nước và vùng lãnh thổ, như: Hàn Quốc, Singapore, Hongkong, Thái Lan, Đài Loan,… và một số nước có nền kinh tế, công nghệ phát triển như: Hoa Kỳ, Pháp, Đức... Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, nhận định: "Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố chiếm 25,8% trên tổng vốn đầu tư trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài của TP Cần Thơ chỉ xếp hàng thứ 4 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long".

Lãnh đạo HĐND thành phố tham gia phát biểu ý kiến tại buổi giám sát.

Một trong những điểm đoàn giám sát ghi nhận được là công tác giải quyết thủ tục hành chính trên lĩnh vực thu hút đầu tư thông qua cơ chế một cửa liên thông, một cửa tại chỗ được thực hiện nghiêm túc. Thời gian hoàn thành các thủ tục được rút ngắn so với quy định, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, cho biết từ cuối năm 2015 đến giữa năm 2016, các khu công nghiệp Cần Thơ đã thu hút được 46 dự án với tổng vốn đầu tư là 392,241 triệu USD. Theo ông Hùng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố trong thời gian tới dự kiến có nhiều khả quan hơn. Trong đó, nhờ Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc mà nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã biết và quan tâm đến Cần Thơ nói chung và các khu công nghiệp Cần Thơ nói riêng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác thu hút đầu tư của thành phố…

Tuy nhiên, theo ông Ngô Thành Nhơn, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch thành phố, việc thu hút vốn đầu tư các dự án vào thành phố trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể như: Các thông tin về các dự án mời gọi đầu tư còn chung chung, chưa có các dự án tiền khả thi; nhiều dự án mời gọi đầu tư chưa đầy đủ thông tin chi tiết để cung cấp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp… Để công tác thu hút vốn đầu tư dự án thành phố đạt hiệu quả cao, theo ông Ngô Thành Nhơn, thành phố nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về thu hút đầu tư trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Các đơn vị đề xuất dự án mời gọi đầu tư cần thường xuyên chủ động cập nhật, rà soát, bổ sung thông tin về dự án… Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố, cho rằng: "Việc mời gọi, thu hút đầu tư phải có chọn lọc nhằm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Quan trọng hơn là trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp phải cam kết đảm bảo môi trường".

Qua giám sát, các thành viên đoàn giám sát cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến việc thu hút vốn đầu tư các dự án vào thành phố còn hạn chế như: công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn; giá thuê đất trong khu công nghiệp còn cao so với mặt bằng chung của các tỉnh lân cận; cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng môi trường đã có sự thay đổi, điều chỉnh, nhưng còn nhiều bất cập; cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư… Bà Đặng Thị Anh Đào, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan cần sớm hoàn thiện các phương án kêu gọi đầu tư để tham mưu cho cấp thẩm quyền phê duyệt, ban hành. Đồng thời, lập phương án khả thi các dự án đầu tư của thành phố để mời gọi các doanh nghiệp tham gia hợp tác đầu tư… Qua đó, nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bài, ảnh: Thanh Thư

Chia sẻ bài viết