25/01/2008 - 23:12

TP Cần Thơ

Thiếu trầm trọng phương tiện chuyển người bị tai nạn đi cấp cứu

Trước đây, khi tai nạn xảy ra (đặc biệt là tai nạn giao thông) phương tiện chở người bị thương đến bệnh viện thường là xe lôi. Nhưng từ khi phương tiện này bị cấm lưu hành, việc cấp cứu người bị nạn rất khó khăn trong khi xe cứu thương của bệnh viện chưa đáp ứng kịp. Để cấp cứu người bị thương, người ta phải trưng dụng từ xe honda, xe chuyên dụng của cảnh sát giao thông, xe tải và thậm chí là cả xe ben chở cát đá...

Chuyển người bị thương bằng đủ các loại xe

Bà Nguyễn Thị Huệ - mẹ của Ngô Thị Kiều Mơ, bị tai nạn giao thông đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Ngày 31-12-2007, trên đường đi ăn sáng cùng bạn trai bằng xe gắn máy thì Mơ bị xe bồn quẹt trúng. Khi tai nạn xảy ra, Mơ bị thương ở chân phải và máu ra rất nhiều. Bạn Mơ dùng áo gió bó chân bị thương lại rồi bế Mơ lên xe honda ôm chạy vô bệnh viện”. Tuy chỗ bị nạn chỉ cách Trạm y tế phường Trà Nóc có mấy trăm mét nhưng máu Mơ chảy nhiều quá, người thanh niên này quýnh lên bồng thẳng cô vô bệnh viện mà không qua sơ cứu tại trạm hay gọi xe cấp cứu. Bà Nguyễn Thị Huệ nói: “Nó có biết số điện thoại bệnh viện đâu mà gọi. Mà gọi cũng sợ lâu, nhanh nhất là gọi xe ôm”.

Bác sĩ Trần Thanh Luân, Phó khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Mơ may mắn không bị gãy xương. Nếu gãy xương mà chuyển viện bằng xe honda ôm rất nguy hiểm cho tính mạng. Nhưng dù bị ở phần mềm mà vết thương không được sơ cứu, đi đoạn đường khá dài (từ Trà Nóc đến bệnh viện hơn 10km) làm cho Mơ bị đau thêm, mất rất nhiều máu (đã truyền 6 bịch máu), ảnh hưởng đến quá trình điều trị phải kéo dài và tốn kém”. Cũng theo bác sĩ Trần Thanh Luân, chuyển nạn nhân bằng xe gắn máy phải chở ba người, nạn nhân ngồi (hoặc nằm giữa). Thậm chí có trường hợp người bị tai nạn, ngồi giữa, chân thả tòn teng xuống đường rất nguy hiểm cho người điều khiển xe, người ngồi sau và cho cả nạn nhân bị tai nạn. Phần lớn chấn thương chỉ vì chuyển bằng xe honda mà từ bệnh nhẹ thành nặng. Nhiều trường hợp chấn thương không được cố định từ đầu, ngồi ngắc nghẻo trên xe môtô làm cho xương trật thêm, sốc chấn thương, tuột huyết áp... rất nguy hiểm cho tính mạng. Các bác sĩ ở khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng cho biết: Trước khi có lệnh cấm xe lôi, xe ba gác, 90% người bị nạn được chuyển đến bệnh viện bằng xe lôi, nhưng hiện nay phổ biến nhất là xe môtô.

Nếu được sơ cứu ban đầu và chuyển viện đúng cách thì Ngô Thị Kiều Mơ đã được xuất viện sớm hơn.  

Mặc dù biết chuyển người bị thương bằng xe gắn máy rất nguy hiểm, nhưng một số người thân của nạn nhân bị tai nạn cho biết họ không còn cách nào khác, chẳng lẽ “vác người bị thương chạy bộ vào bệnh viện”.

Ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Minh Vũ, phụ trách khoa Cấp cứu tổng hợp, cho biết: “Hiện bệnh viện có 4 xe cấp cứu dùng để chuyển bệnh và cấp cứu trong nội ô thành phố (bán kính 10km). Khi nhận được điện thoại, trong vòng 15-20 phút là bệnh viện điều xe cứu thương tới nơi để cấp cứu cho bệnh nhân. Hiện nay, đa số người dân không biết số điện thoại của bệnh viện để gọi cấp cứu, một phần cũng do người dân nóng ruột nên tự chở người bị nạn vào bệnh viện bằng xe gắn máy. Chính vì thế không ít nạn nhân tử thương hoặc nằm liệt suốt đời chỉ vì sơ cứu, chuyển nạn nhân không đúng cách”.

Ngoài ra, khi đến hiện trường vụ tai nạn, nếu còn nạn nhân, lực lượng cảnh sát giao thông cũng nhanh chóng gọi xe cấp cứu, trưng dụng xe lưu thông trên đường hoặc nhờ sự trợ giúp của Cảnh sát trật tự cơ động 113, thậm chí sử dụng cả xe chuyên dụng của lực lượng để đưa người bị thương đi cấp cứu. Nhưng trên thực tế có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra cùng một thời điểm, những phương tiện này không kịp thời đảm bảo và chủ động trong cấp cứu điều trị.

Trước đây, nhiều bác tài xe lôi trở thành người chở nạn nhân đi cấp cứu. Ông Lâm Thanh Hoàng, một bác tài xe ôm ở Trung tâm thương mại Cái Khế, trước kia chạy xe lôi cũng chở một trường hợp bị tai nạn giao thông vào bệnh viện. Nhưng từ khi có lệnh cấm, ông Lâm thấy người bị tai nạn cũng không dám chở. Mới đây, khi chứng kiến vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại đường 30-4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, ông Lâm và nhiều người khác gọi xe taxi chở người bị tai nạn, nhưng họ đã bị tài xế taxi từ chối với lý do chở người bị tai nạn giao thông có máu làm dơ xe. Ông gọi Cảnh sát cơ động 113, lực lượng này đã yêu cầu tài xế xe ben chở cát gạch đá chở người bị nạn đi cấp cứu.

Cần thành lập ngay các trạm cấp cứu trên đường ?

Việc chuyển nạn nhân tối ưu nhất vẫn là xe cứu thương, xe bốn bánh. Hiện nay số điện thoại cấp cứu 115 do Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ quản lý. Khi có điện thoại, xe cứu thương cùng các y bác sĩ sẽ lên đường. Trong trường hợp tai nạn ở xa, bệnh viện sẽ điện thoại cho các bệnh viện quận, huyện chi viện. Hiện nay, ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ có 4 chiếc xe, còn Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ chỉ có 2 chiếc xe. Trong khi đó, những chiếc xe này còn phục vụ cho công tác chuyển bệnh lên tuyến trên, chi viện cho bệnh viện quận, huyện và cho cấp cứu. Vì thế, số lượng xe không đủ cho cấp cứu ngoại viện. Nhiều lúc cần cấp cứu ngoại viện gấp cho bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ phải mượn xe của các bệnh viện khác. Một trong số hai chiếc xe của bệnh viện này là xe 12 chỗ cải tạo lại quá cũ, chỉ để đi gần. Bác sĩ Lê Văn Đạt, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Bệnh viện cần 4 chiếc xe mới đủ. Bực nhất là xe đã thiếu mà chúng tôi phải đối phó với những cuộc điện thoại giả”. Như vậy hiện nay số xe, nhân sự phục vụ cho cấp cứu ngoại viện ở các bệnh viện cũng chưa đủ. Công tác phổ biến kiến thức về sơ cứu ban đầu, số điện thoại cấp cứu chưa tới người dân.

Thượng úy Văn Giang Nam, Đội phó đội Cảnh sát giao thông, Công an quận Ninh Kiều, cho biết: “Khi khám nghiệm hiện trường những vụ tai nạn giao thông, nếu còn nạn nhân ở đó, chúng tôi có bộ phận sơ cấp cứu ban đầu để cầm máu và cố định vết thương cho nạn nhân, sau đó mới tìm phương tiện để chở nạn nhân đi. Trước kia, sử dụng chủ yếu là xe lôi để chở nạn nhân đi cấp cứu. Từ khi cấm phương tiện này, có nhiều tai nạn xảy ra cấp cứu không được kịp thời. Chúng tôi cho rằng cần nhanh chóng thành lập ngay các Trạm cấp cứu trên đường để đảm bảo sơ cứu nạn nhân và chuyển đến bệnh viện gần nhất. Đồng thời tăng cường tuyên truyền đến tận người dân ý thức tham gia cứu người (đặc biệt là các tài xế xe ôtô, taxi), các số điện thoại cấp cứu ở các bệnh viện, bằng mọi cách để đưa người bị thương tới bệnh viện trong thời gian nhanh nhất”.

HOÀNG - HOA

Chia sẻ bài viết