08/06/2014 - 21:52

ÁP DỤNG THÔNG TƯ 22

Thị trường kinh doanh vàng nữ trang lúng túng

Sau gần 1 tuần Thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ (Thông tư 22) thực thi, thị trường vàng nữ trang đang bị tác động mạnh …

Thông tư 22 được xem là bước đi tiếp trong lộ trình quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3-4-2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, được kỳ vọng thiết lập lại trật tự trong thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ vốn bị thả nổi lâu nay. Theo đó, vàng trang sức mỹ nghệ được quy định là vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Nếu hàm lượng vàng lớn hơn 999 phần nghìn (tính theo khối lượng), sản phẩm đó được coi là vàng tinh khiết. Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng, với 17 hạng dao động từ 8 Kara (độ tinh khiết không nhỏ hơn 33,3%) đến 24 Kara (99,9%). Thông tư cũng quy định chi tiết tiêu chuẩn đối với sản phẩm nữ trang vàng có sử dụng thêm các kim loại khác trong quá trình gia công, chế tác… Vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định. Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các nội dung cơ bản như thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối, yêu cầu kỹ thuật và phải ghi ký hiệu để phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ.

Gần 1 tuần nay, các tiệm kinh doanh vàng luôn ở tình trạng ế ẩm.

Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, để các đơn vị kinh doanh vàng nữ trang nắm được Thông tư 22, Chi cục đã gởi văn bản toàn bộ nội dung Thông tư 22 cho các cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên thị trường TP Cần Thơ và tiếp nhận, giải đáp những thắc mắc khi có yêu cầu. Dự kiến vào quý IV sẽ tổ chức thanh, kiểm tra thị trường.

Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở kinh doanh vàng nữ trang còn lúng túng, chưa hiểu rõ về Thông tư 22. Bà Trần Kim Liên, Chủ tiệm vàng Tiến Liên, đường Lý Thường Kiệt, quận Ninh Kiều, cho biết: "Mấy ngày nay, tình hình kinh doanh giảm sút mạnh. Người bán như chúng tôi đến giờ vẫn chưa "thông" hết những qui định của thông tư nên rất lúng túng, không dám sản xuất thêm sản phẩm ra thị trường. Với số ít khách hàng đến tìm hiểu mua vàng cũng tỏ ra lo lắng về chất lượng, cách gọi tuổi vàng theo qui định mới, còn các đơn vị kinh doanh như chúng tôi cũng còn khá lúng túng trong việc xác định tuổi vàng, đó là mua những loại máy móc nào cho phù hợp, đơn vị cung ứng hàng nào đạt chất lượng…". Đây cũng là tình hình chung của hầu hết các điểm kinh doanh vàng nữ trang trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo quan sát của chúng tôi, tại các tuyến đường tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh vàng như: đường Võ Văn Tần, khu vực Trung tâm thương mại Cái Khế, đường Ngô Quyền… vào những giờ cao điểm, các cửa hàng gần như chỉ có nhân viên, một số ít khách hàng đến nhưng chỉ để dò hỏi hoặc bán nữ trang.

Nhiều năm qua thị trường gần như không có chuẩn chung nào cho sản phẩm vàng nữ trang. Bên cạnh đó, hầu hết các tiệm vàng đều lấy hàng từ người bán sỉ (chành) hoặc tự gia công. Do vậy, tuổi vàng của các sản phẩm là do các chủ tiệm tự đưa ra. Qui định của Thông tư 22 là giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thước đo giá trị này giúp người tiêu dùng tránh phải mất tiền với những món hàng nữ trang bị "ăn gian" tuổi. Trên thị trường vàng nữ trang, người tiêu dùng thường dùng sản phẩm vàng 24k và 18k, 14K. Nhưng, thực tế không nhiều cửa hàng đảm bảo được sản phẩm của mình đủ tuổi. Chẳng hạn, thời gian qua, vàng lưu hành trên thị trường chủ yếu là vàng 18K, tương đương 7,5 tuổi nhưng bị "ăn gian" còn 7 tuổi, thậm chí 6,8 tuổi; vàng 14K, tương đương 5,85 tuổi, cũng bị giảm còn 5,5 tuổi. Các sản phẩm "hàng chợ" có ký hiệu ST (6,8 tuổi) nhưng thực chất cũng bị bớt xén trong quá trình chế tác nữ trang nên chỉ còn khoảng 6,1 tuổi. Để khỏi "mất giá", người tiêu dùng chỉ biết là "mua đâu bán đó", tức hàng mua ở cửa hàng nào thì bán lại ngay cửa hàng đó. Chị Nguyễn Thị Kim Cương, nhà ở đường 30 tháng 4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho rằng: "Trước kia, nếu muốn bán món nữ trang nào, tôi phải ra đúng cửa hàng đã mua để khỏi mất giá bởi nhiều lần tôi bán ở cửa hàng khác, sau khi cân đo, hầu hết những món hàng đều được cho là không đủ tuổi như lúc mua nên bị mất giá rất nhiều. Mặc dù tôi chưa hiểu hết nội dung của Thông tư 22 về quản lý vàng nhưng nghe nói là mục đích để bảo vệ người tiêu dùng nên tôi rất ủng hộ".

Việc chấn chỉnh để thị trường vàng nữ trang minh bạch hơn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là việc làm cần thiết. Hy vọng, thị trường nữ trang thời gian tới sẽ không còn cảnh "nhập nhằng" tuổi vàng. Ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục phó Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, khẳng định: Sẽ không có chuyện doanh nghiệp phải nấu lại vàng nữ trang, mà chỉ cần xác định tuổi vàng và bán theo đúng giá của tuổi vàng thật. Thực hiện theo Thông tư 22, vàng nữ trang phải được công bố đúng tuổi khi bán ra thị trường. Thông tư 22 không triệt tiêu hoạt động của thợ chế tác vàng tại các làng nghề truyền thống, mà chỉ yêu cầu người bán công bố tuổi vàng thế nào thì bán đúng loại vàng đó.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Theo quy định tại Thông tư 22, vàng trang sức, mỹ nghệ phải phù hợp và đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Sản phẩm phải có đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường. Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Thông tư 22 cũng quy định  vàng nữ trang phải được bán đúng tuổi gần như là 100%. Theo đó vàng 18k theo đúng quy chuẩn thì hàm lượng vàng không được thấp hơn 75%; vàng 24k hàm lượng vàng không được thấp hơn 99,9%. Mức sai số cho phép cũng chỉ từ 0,1-0,3%.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy theo từng hành vi sẽ có mức phạt cụ thể được quy định như sau:

Về việc sử dụng phương tiện đo quy định tại Điều 10: Mức tối thiểu là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng, mức phạt tối đa là 100.000.000 đồng, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể.

Về chất lượng quy định tại Điều 17, Điều 20: Mức phạt tối thiểu là 2.000.000 đồng, mức tối đa đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể.

Doanh nghiệp vi phạm hành chính nếu đã xử phạt một lần mà không khắc phục vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chia sẻ bài viết