02/10/2011 - 08:28

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sẵn sàng ứng phó với bão số 6

- 8 người chết do lũ, 14 người bị thương do lốc xoáy 
- 170 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp 8 tỉnh ĐBSCL khắc phục hậu quả lũ
- Cần Thơ: Tập trung gia cố, ứng cứu khi có sự cố vỡ đê
- Sóc Trăng: Vỡ đê bao hàng trăm héc-ta cây trồng bị thiệt hại

Do tầm ảnh hương của bão số 5 khá rộng nên đã gây thiệt hại đáng kể cho các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long lên cao vượt đỉnh lũ lịch sử đã làm 8 người chết, trong đó có 5 trẻ em. Tính đến chiều 1-10, riêng tỉnh Quảng Ninh đã có 293 ngôi nhà bị tốc mái, 11 tàu thuyền bị chìm, 33 bè mảng, thuyền nhỏ vỡ và chìm, 11.618 ha lúa bị ngập, đổ; Hải Phòng có gần 10.000 ha lúa ngập, đổ... Vào 12 giờ ngày 30-9, tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã xảy ra một cơn lốc xoáy với cường độ mạnh gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Theo thống kê ban đầu, trận lốc xoáy đã làm 14 người bị thương, hơn 400 ngôi nhà bị tốc mái nặng, 150 ha cao su đang trong thời kỳ thu hoạch bị đổ gãy. Ngoài ra lốc xoáy cũng gây thiệt hại lớn đến cây hồ tiêu và các loại hoa màu khác, ước thiệt hại của đợt lốc xoáy này lên tới hàng trăm tỉ đồng. Chính quyền địa phương cùng người dân tập trung khắc phục hậu quả do lốc gây ra.

Lũ tại huyện đầu nguồn Tân Hưng của tỉnh Long An tiếp tục lên nhanh, hiện toàn huyện có 10 điểm trường bị ngập, 64 hộ ngập sâu phải di dời đến nơi an toàn. Ảnh: TTXVN 

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, trong 1-2 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục dao động ở mức đỉnh sau đó xuống dần nhưng vẫn ở mức rất cao. Đến ngày 5-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 4,8m (trên BĐ3: 0,3m), tại Châu Đốc xuống mức 4,2m (trên BĐ3: 0,2m), các trạm chính vùng ĐTM và TGLX ở mức BĐ2-BĐ3, trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa ở mức 2,4m - mức BĐ3.

Đến ngày 30-9, toàn tỉnh An Giang diện tích bị sạt lở là 13.537m2, đã di dời 137/483 hộ bị ảnh hưởng cần phải di dời; 7 nhà bị sập, gần 11.470 căn nhà bị ngập... Toàn tỉnh có 150 ha lúa vụ 3 và 1 ha màu bị ngập, trên 3.890ha lúa và trên 150 ha hoa màu bị mất trắng; 145 ao cá, 6 bè cá, 6 hộ nuôi lươn bị ngập với diện tích 16 ha, thiệt hại 10 tấn cá thịt và 1,8 triệu cá giống. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 66.000 ha lúa bị đe dọa. Nước lũ những ngày qua khiến trên 32 km đường tỉnh lộ, trên 80 km đường nông thôn bị ngập, gần 31 km đường nông thôn bị sạt lở.

Toàn tỉnh An Giang đã triển khai nhiều lực lượng (lực lượng vũ trang như Trung đoàn 892, Sư đoàn 330 - Quân khu 9, Tiểu đoàn 5 - Trung đoàn 2 của Bộ Công an, Tỉnh đội, Biên phòng, Công an tỉnh, Huyện đội, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên, phụ nữ, sinh viên Trường đại học An Giang, nông dân,...), sử dụng nhiều phương tiện và vật tư (cừ tràm, mê bồ, lưới B40, sắt, bao cát,...), với hơn 38.000 lượt người tham gia gia cố hơn 387 km đê, đập tạm, cống bọng. Ước kinh phí thực hiện gia cố đến nay khoảng 46 tỉ đồng. Do tình hình mực nước lũ tăng, nên phần lớn các tuyến đê trong tỉnh đều bị đe dọa nâng tổng số đê cần gia cố của tỉnh khoảng 1.000km.

Ngày 1-10-2011, đồng chí Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, UBND các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy đã đến khảo sát tình hình gia cố đê bao, hạn chế ngập lũ tại cồn Ấu, cồn Khương, cồn Sơn trên sông Hậu.

Mực nước triều cường cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2011 lên cao, vượt báo động 3 đã làm vỡ 2 đoạn đê bao tại cồn Ấu (quận Cái Răng) và cồn Khương (quận Ninh Kiều). Lực lượng xung kích các địa phương kịp thời ứng cứu, gia cố đê bao nên tình hình vỡ đê được khắc phục. Đoàn khảo sát đến kiểm tra ngay lúc triều cường mực nước trên sông Hậu lên rất cao, có khả năng tiếp tục vỡ đê trong những ngày tới, khi con nước triều cường lên cao vào giữa tháng 9 và tháng 10 âm lịch. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng yêu cầu địa phương tiếp tục huy động lực lượng gia cố thêm các đoạn đê bao bị vỡ và có nguy cơ bị vỡ tại các cồn này; tổ chức cho lực lượng dân phòng, bộ đội, công an... túc trực 24/24 giờ tại các cồn vào những ngày triều cường lên cao để ứng cứu kịp thời khi có sự cố vỡ đê xảy ra; trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, tránh tình trạng vỡ đê xảy ra nhưng thiếu phương tiện ứng cứu, gia cố; khi nước triều xuống thấp, các địa phương khẩn trương tôn cao đê bao nhằm ngăn ngừa nước lũ lên cao trong những ngày tới...

Mưa liên tục trong những ngày qua cùng với nước lũ đầu nguồn đổ về đã làm cho hàng trăm mét đê bao tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng bị vỡ, gây ngập úng nghiêm trọng. Theo ông Trần Bé Tư, Phó Chủ tịch UBND huyện, từ ngày 30-9-2011 đến nay toàn huyện Cù Lao Dung có 34 đoạn đê bao bị vỡ, với chiều dài gần 200m. Vỡ đê đã làm cho hàng trăm ha mía, cây ăn trái cùng hoa màu bị ngập và thiệt hại. Đặc biệt, nhiều nhà dân ở ven sông đã bị ngập gây khó khăn trong sinh hoạt, đi lại. Trước tình hình này, Ban phòng chống lụt bão huyện đã huy động các phương tiện cùng hàng trăm lực lượng để khắc phục sự cố. Nằm giữa bốn bề là sông Hậu mênh mông nước, Cù Lao Dung là nơi thường xuyên bị đe dọa bởi nước lũ và triều cường. Những năm qua, dù đã đầu tư cả trăm tỉ đồng để xây dựng hệ thống đê bao, nhưng năm nào người dân cũng phải sống chung với tình trạng vỡ đê, ngập úng do nước lũ và triều cường. Ông Nguyễn Thành Trung, một người dân ở thị trấn Cù Lao Dung bức xúc: “Không biết công trình đê bao ở đây xây dựng ra sao mà năm nào cũng vỡ đê. Năm nay, huyện cũng được đầu tư trên 6 tỉ đồng để gia cố đê bao, nhưng cuối cùng lại có hàng chục đoạn đê bao đã bị vỡ”.

Theo ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Sóc Trăng trước tình hình lũ dâng cao cùng các cơn bão đang dồn về huyện Cù Lao Dung và các cù lao ở huyện Kế Sách cần bồi trúc các đoạn đê, bờ bao để đảm bảo phòng chống triều cường và đỉnh lũ sắp tới.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh trước tình hình bão lũ đặc biệt lớn và nguy hiểm đang diễn ra, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản chỉ đạo Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các điểm trường tiểu học, THCS cho học sinh nghỉ học từ ngày 29-9 đến hết ngày 8-10.

Riêng các phường thuộc TP Cao Lãnh, nếu đảm bảo điều kiện an toàn cho học sinh thì vẫn duy trì việc học đối với học sinh THCS. Còn với điểm giữ trẻ nông thôn, trường mẫu giáo, nhà trẻ các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động nếu cơ sở, điểm trường đảm bảo an toàn cho trẻ; yêu cầu các bậc cha mẹ học sinh tổ chức đưa đón học sinh an toàn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão Nalgae đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào khu vực biển Đông và trở thành cơn bão thứ 6 hoạt động trên khu vực biển Đông. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội.

Hồi 16h ngày 1-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc; 120,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 16 giờ ngày 2-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 115,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 370km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 16h ngày 3-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp14, cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km.

TTXVN-NHÓM PV THỜI SỰ

170 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp 8 tỉnh ĐBSCL khắc phục hậu quả lũ

* TP Cần Thơ được hỗ trợ 15 tỉ đồng củng cố đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất, an toàn dân cư

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh thay mặt Thủ tướng vừa ký Quyết định số 1711/QĐ-TTg ngày 30-9-2011 trích 170 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2011 hỗ trợ 8 tỉnh vùng ĐBSCL đối phó với mưa lũ, củng cố đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn dân cư. Theo đó, mức phân bổ hỗ trợ cho các địa phương, gồm: An Giang 60 tỉ đồng, Đồng Tháp 25 tỉ đồng, Kiên Giang 20 tỉ đồng, các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ, mỗi địa phương 15 tỉ đồng; Long An và Vĩnh Long, mỗi tỉnh 10 tỉ đồng.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên chịu trách nhiệm quản lý, phân bổ và sử dụng số kinh phí được hỗ trợ, đồng thời chủ động sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để khắc phục thiên tai.

HỮU HIỆP

Chia sẻ bài viết