31/05/2012 - 08:37

KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Thảo luận về dự án Luật Xuất bản, dự án Luật Quảng cáo và dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính

(TTXVN)- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, sáng 30-5, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật xuất bản (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Theo đó, dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) vẫn được giữ nguyên về bố cục tổng thể của Luật Xuất bản hiện hành theo kết cấu 5 chương với 50 điều (tăng 4 điều so với Luật Xuất bản hiện hành).

Cũng trong buổi sáng, các đại biểu cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quảng cáo.

Thảo luận về dự thảo Luật Quảng cáo, các đại biểu đều cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự cần thiết phải ban hành dự thảo Luật Quảng cáo.

Nhiều đại biểu tán thành với dự thảo Luật, quy định giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo.

Xung quanh nội dung hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm hành vi hiện nay một số doanh nghiệp đang lạm dụng các vấn đề về nhân đạo vào hoạt động quảng cáo các sản phẩm của mình. Một số đại biểu đề nghị cần bổ sung cấm các quảng cáo có “hình ảnh và lời nói” thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; bổ sung quy định cấm quảng cáo các trò chơi mang tính cờ bạc...

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình; về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, màn hình chuyên quảng cáo; quảng cáo trên các phương tiện giao thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt...

Chiều cùng ngày, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ hai; chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, dự thảo hiện có một số nội dung còn ý kiến khác nhau về: Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; về tình tiết giảm nhẹ; những hành vi bị nghiêm cấm; các biện pháp xử lý hành chính... và một số quy định khác.

Thảo luận về mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính, nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng mức phạt tiền tối đa là cần thiết nhưng cần được cân nhắc kỹ để vừa đảm bảo tính răn đe vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và mức thu nhập của người dân. Thực tiễn cho thấy bên cạnh việc tăng mức phạt còn cần chú trọng áp dụng đồng bộ các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả hoặc bồi thường toàn bộ thiệt hại do vi phạm gây ra.

Liên quan đến vấn đề bỏ quy định đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh và quy định hình thức phạt bổ sung đối với người bán dâm, nhiều ý kiến đồng tình với các lý do hành vi vi phạm của người bán dâm không gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải bị hạn chế tự do. Thực tiễn cho thấy, mại dâm là vấn đề xã hội, cần được giải quyết chủ yếu bằng các giải pháp kinh tế - xã hội thông qua các hình thức hỗ trợ lao động hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm thì mới đạt hiệu quả.

Bên cạnh những nội dung trên, các đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề quy định việc xử phạt đối với một số trường hợp không lập biên bản; thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quản lý tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt của các chức danh; xử lý phương tiện vi phạm...

Chia sẻ bài viết