04/11/2008 - 07:55

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII:

Thảo luận dự thảo Luật bồi thường nhà nước và đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch UBND xã

Sáng 3-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Bồi thường nhà nước.

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Luật Bồi thường nhà nước. Thực trạng pháp luật về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra và thực tiễn thi hành cho thấy pháp luật trong lĩnh vực này còn nhiều bất cập; chưa đầy đủ và đồng bộ, thiếu cụ thể, thiếu tính khả thi. Đồng thời, việc ban hành Luật bồi thường nhà nước cũng nhằm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Về phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong ba lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Nhà nước là: (1) quản lý hành chính nhà nước; (2) tố tụng và (3) thi hành án, đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cho rằng nếu phạm vi điều chỉnh của luật quá rộng thì luật khó có tính khả thi, vì vậy đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ. Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bao gồm cả các hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

Nội dung trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với thiệt hại do người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật gây ra, tờ trình của Chính phủ cho rằng trong điều kiện hiện nay, chưa nên quy định trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do người thi hành công vụ không thực hiện công vụ (không hành động). Đại biểu Phạm Thị Loan lại đề nghị cần phải quy định nội dung này trong dự thảo luật để tránh tình trạng quan liêu, vô trách nhiệm của người thi hành công vụ đối với người dân.

Về thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 29 và Điều 50 của dự thảo Luật thì trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường thì họ có thể yêu cầu Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trong hoạt động hành chính và thi hành án) hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (trong hoạt động tố tụng) xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường. Đại biểu Đặng Văn Khanh đề nghị phải quy định cụ thể nội dung này trong luật để bảo đảm mọi trường hợp đều xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan có liên quan.

Đại biểu Phạm Thị Loan cho rằng hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là căn cứ quan trọng để cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước thực hiện việc giải quyết bồi thường. Việc xác định thời hiệu yêu cầu bồi thường nhà nước là 2 năm, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ sẽ tạo điều kiện cho người bị thiệt hại bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì trong nhiều trường hợp, thời gian thực hiện việc xác định có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là rất dài.

Chiều 3-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Quốc hội (QH) làm việc tại hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày về hai dự án Luật: Lý lịch tư pháp (LLTP) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; nghe Bộ trưởng Bộ nội vụ Trần Văn Tuấn trình bày Tờ trình về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

Dự thảo Luật Lý lịch tư pháp gồm 7 chương 54 điều. Tờ trình của Chính phủ cũng nhấn mạnh yêu cầu hiện đại hóa hoạt động quản lý LLTP, dự kiến sau khi Luật được ban hành, việc tin học hóa sẽ được thực hiện hoàn toàn tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, còn ở cấp tỉnh thì tùy theo điều kiện sẽ thực hiện tin học hóa theo lộ trình đến năm 2015 hoặc đến năm 2020.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật lý lịch tư pháp vẫn còn băn khoăn về sự cần thiết ban hành Luật vào thời điểm hiện nay, vì cho rằng lĩnh vực này mới chỉ được điều chỉnh bằng thông tư. Vì vậy, cần cân nhắc, trước mắt có thể ban hành Nghị định của Chính phủ hoặc Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội, qua thực tiễn áp dụng sẽ tổng kết, nâng lên thành luật. Đối với việc xây dựng hệ thống thông tin hiện đại cho các Trung tâm LLTP (gồm 1 trung tâm quốc gia và 63 trung tâm cấp tỉnh), đòi hỏi phải đầu tư lớn về kinh phí cũng như xây dựng bộ máy, nhân lực và các cơ chế đồng bộ khác v.v..., nhưng cơ quan trình dự án Luật chưa có báo cáo cụ thể đánh giá về tác động cũng như nguồn lực để đáp ứng các yêu cầu trên. Mặt khác, dự án Luật được ban hành cũng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quy định cụ thể thủ tục cấp phiếu LLTP, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin và quản lý về LLTP. Song, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan như: Viện kiểm sát, Công an, Cơ quan thi hành án cấp tỉnh và cơ quan quản lý trại giam (Bộ Công an) trong việc cung cấp thông tin LLTP về án tích và quá trình thi hành án chưa được dự thảo Luật quy định cụ thể. Một số nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý thông tin LLTP, dự thảo Luật giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Công an quy định là chưa phù hợp...ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án Luật.

Theo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) của Chính phủ đề nghị: Sửa đổi 47 điều, bỏ 01 điều và bổ sung mới 16 điều, liên quan đến 12/23 chương của BLHS hiện hành, tập trung vào ba nội dung chính: Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của BLHS theo hướng nhân đạo hóa; Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của BLHS nhằm góp phần tháo gỡ một bước những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn và cập nhật những hành vi phạm tội mới phát sinh trong một số lĩnh vực; Sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của BLHS nhằm chuẩn bị các điều kiện pháp lý hình sự để thực hiện các nghĩa vụ quốc tế mà Nhà nước ta đã cam kết. Trong phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS lần này, Chính phủ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến một số vấn đề bức xúc nhất của thực tiễn, thể chế hóa chủ trương giảm án tử hình; phi hình sự hóa một số hành vi phạm tội; đồng thời, hình sự hóa một số hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế. So với quy định của BLHS hiện hành thì dự thảo Luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 17 điều luật, chiếm tỷ lệ khoảng 58,6%. Theo dự thảo Luật thì tỷ lệ các điều luật còn giữ lại hình phạt tử hình trên tổng số các điều luật quy định về các tội phạm cụ thể tại Phần các tội phạm của BLHS (trong đó có 263 điều luật cũ và 14 điều luật dự kiến bổ sung mới), chiếm 4,31%.

Bộ trưởng Bộ nội vụ Trần Văn Tuấn, thừa Ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã (UBND). Theo đó, việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường là nhằm có thêm kinh nghiệm thực tiễn cho việc nghiên cứu tổ chức lại chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, góp phần phân định rõ vị trí, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong hệ thống cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù của chính quyền mỗi cấp, song vẫn bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống hành chính nhà nước. Việc tổ chức thí điểm để nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã là bước đi cần thiết, phù hợp với xu thế mở rộng dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện cho nhân dân trực tiếp lựa chọn, giới thiệu và bầu người đại diện cho nhân dân điều hành công việc của cơ quan hành chính ở cấp cơ sở, tăng cường vai trò của nhân dân trong việc xây dựng và giám sát bộ máy nhà nước.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã cũng tán thành với Tờ trình và Đề án của Chính phủ, song còn băn khoăn về một số vấn đề như: Vì sao bỏ HĐND mà vẫn duy trì nguyên các cơ quan, tổ chức khác thuộc hệ thống chính trị tại cấp chính quyền đó; vì sao chỉ thí điểm bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên của UBND phường; vì sao chỉ thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường mà không thí điểm đối với thị xã, thành phố thuộc tỉnh; vì sao lại bỏ HĐND phường, là cấp cơ sở, trực tiếp trong quan hệ Nhà nước, công dân?...đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ thêm. Mặt khác, Tờ trình chưa chỉ rõ được nguyên nhân đích thực của những hạn chế trong tổ chức và hoạt động của HĐND.

Về việc thực hiện thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã, Ủy ban pháp luật của QH đề nghị chỉ nên thí điểm việc nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã. Trước mắt vẫn nên giữ tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND xã như quy định trong Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành cũng như trong các văn bản pháp luật có liên quan.

QUỲNH HOA - LƯU THỊ THOAN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết