27/03/2011 - 09:40

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII

Thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội

Sáng 26-3, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011.

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào 3 nhóm vấn đề chủ yếu. Đó là những vấn đề đặt ra trong việc xác định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, các giải pháp và trong tổ chức chỉ đạo thực hiện; những vấn đề cần lưu ý và đề xuất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và các giải pháp nêu ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ; về phương án sử dụng 3.500 tỉ đồng tái đầu tư cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng nay cơ bản nhất trí với Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Về chính sách tín dụng ưu đãi cho học sinh học nghề và sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) kiến nghị nghiên cứu điều chỉnh mức trần cho vay sát với nhu cầu chi phí học tập, ăn ở, sinh hoạt của học sinh, sinh viên (mức cho vay hiện nay là 900 nghìn đồng/tháng là chưa đủ để trang trải chi phí); tăng và bố trí nguồn vốn kịp thời cho các ngân hàng chính sách xã hội; Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng chính sách xã hội cải tiến đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường phối hợp giữa ngân hàng, nhà trường và địa phương để học sinh, sinh viên nhận được vốn vay trong thời gian sớm nhất. Về việc xây dựng nhà ở xã hội, ký túc xá cho sinh viên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đại biểu nhấn mạnh đây là chủ trương đúng đắn có tầm chiến lược, hợp lòng dân là một trong những nền tảng vững chắc cho bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội, đồng thời đề xuất Chính phủ xem đây là dự án, công trình trọng điểm quốc gia để kiến nghị Quốc hội cho bố trí thêm nguồn vốn để có thể hoàn thành tốt đẹp chương trình xây dựng ký túc xá cho sinh viên của Chính phủ.

Về việc triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho biết năm nay có 4% số xã tương đương với 400 xã đạt chỉ tiêu này. Nhưng trong thực tiễn đại biểu cho rằng rất khó thực hiện, vì bây giờ các địa phương mới quy hoạch và bước đầu xây dựng và đề nghị Chính phủ xem lại chỉ tiêu này có điều chỉnh, có đầu tư hợp lý để thực hiện tốt. Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đề xuất Việt Nam là nước nông nghiệp đang đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, hạt tiêu, điều, cà phê, v.v... nên cần phải có các chính sách ưu tiên để thúc đẩy phát triển để thu ngoại tệ, điều này phù hợp với Nghị quyết 26 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Đại biểu Phạm Thị Loan (TP Hà Nội) cho rằng nếu chỉ nhìn vào số liệu tăng trưởng không là chưa đủ, mà phải nhìn vào bức tranh thực chất của xã hội về chất lượng cuộc sống thực tế của người dân, về an sinh xã hội, về chất lượng phát triển của các doanh nghiệp. Đại biểu nhấn mạnh việc lạm phát cũng như việc tăng giá thời gian vừa qua ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, đặc biệt tình hình tăng trưởng của các doanh nghiệp. Đại biểu kiến nghị. Vấn đề về lãi suất ngân hàng và tín dụng, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải xem về chính sách tiền tệ và không hạn chế tín dụng để doanh nghiệp không gặp khó khăn.

Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) tán thành với giải pháp của Chính phủ thực hiện một bước điều chỉnh giá điện, xăng, dầu gắn với hỗ trợ đối với hộ nghèo; đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện tập trung một số biện pháp cụ thể như ưu tiên vốn tín dụng phục vụ trực tiếp cho sản xuất hàng hóa, sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất nông, lâm nghiệp, hải sản và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo khắc phục khó khăn, giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo vượt lên thoát nghèo.

Làm rõ thêm một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết Nghị quyết 11 yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và đặc biệt là kiểm soát hai chỉ tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2011 so với năm 2010 không vượt quá 20%, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán năm 2011 so với năm 2010 tăng khoảng 15-16%. Vấn đề về thị trường ngoại tệ, Thống đốc cho biết nhiều ý kiến cho rằng chúng ta quản lý mạnh mẽ trên thị trường tự do mà không mở ra kịp để đáp ứng nhu cầu hợp lý của nhân dân. Về mạng lưới được hoạt động thu đổi ngoại tệ, cũng như mua, bán ngoại tệ Thống đốc cho biết mạng lưới ngân hàng đã mở rộng đảm bảo phục vụ được cho dân. Về vấn đề vàng, Thống đốc cho biết có đề xuất với Chính phủ tiến tới sẽ ban hành Nghị định quản lý kinh doanh vàng, trong đó đưa ra lộ trình tiến tới quản lý chặt chẽ vàng miếng. Tuy nhiên, Thống đốc cũng cho biết trong Nghị quyết 11 nói rất rõ nội dung là tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Đây là một lộ trình chúng tôi sẽ xây dựng để hợp lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam- Thống đốc khẳng định.

Về biện pháp sắp tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhấn mạnh phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; sắp xếp lại hệ thống phân phối; kiên trì điều hành giá theo thị trường. Về giá xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục điều hành theo Nghị quyết 84 của Chính phủ và điều hành theo thị trường với tinh thần là nếu tình hình giá thế giới vẫn tiếp tục tăng thì vẫn phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước, giá thế giới giảm thì từng bước khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và xem xét giảm giá bán trong nước. Bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người lao động, cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp và lương thấp. Bộ trưởng đề nghị các địa phương, các bộ phối kết hợp tăng cường sản xuất kinh doanh lưu thông phân phối, chống hàng giả, hàng kém chất lượng và kiểm soát giá cả...

* Chiều cùng ngày, phiên thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội Khóa XII tiếp tục sôi nổi, với nhiều vị Bộ trưởng đăng đàn, trình bày quan điểm quản lý Nhà nước về những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực mình phụ trách.

NHÓM PV TTXVN

Chia sẻ bài viết