05/06/2023 - 22:12

Thanh niên mê phục chế cổ vật 

Bài, ảnh: ĐẠI DƯƠNG

Bằng đam mê, anh Nguyễn Khắc Duy (34 tuổi, ở khóm 2, phường 4, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã tự mày mò, nghiên cứu kỹ thuật phục chế đồ cổ. Sau nhiều năm, anh đã thành nghệ nhân phục chế đồ cổ trẻ tuổi nhất hiện nay tại miền châu thổ Cửu Long.

Anh Duy bên món cổ vật của khách nhờ phục chế.

Anh Duy bên món cổ vật của khách nhờ phục chế.

Theo anh Duy, đồ cổ không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang giá trị tinh thần rất lớn với nhiều người. Như bình tích, chén, tô, bình bông được ông bà tổ tiên để lại… có tuổi đời trăm năm, tự thân nó đã có một giá trị thời gian không gì thay thế được. Vì vậy, khi không may những món cổ vật này bị bể hay sứt mẻ, sẽ là sự tiếc nuối lớn với người sở hữu. Từ suy nghĩ đó mà anh không ngừng mày mò, học hỏi, nghiên cứu để các cổ vật trường tồn với thời gian.

Hôm chúng tôi đến thăm, căn nhà nằm trong hẻm 12, phường 4, TP Sa Đéc, của anh Duy đang chứa rất nhiều cổ vật, từ đồ đá, sành đến đồ đất. Anh Duy kể, vì cha mẹ anh làm nghề mua bán đồ cổ nên anh sớm tiếp xúc với nhiều cổ vật. Hiện cổ vật không còn nhiều nhưng lại hư hỏng theo thời gian nên rất tiếc. “Ban đầu tôi làm thử với những món cổ vật có sẵn trong nhà. Khi tay nghề được nâng lên, tôi bắt đầu nhận làm cho khách. Nghề này không chỉ khéo tay, tỉ mỉ, mà còn phải kiên trì và có mắt thẩm mỹ” - anh Duy kể.

Theo anh Duy, trước khi phục chế một món đồ cổ, đầu tiên anh dùng loại keo chuyên dụng đắp lại phần khuyết, rạn trên món đồ. Sau đó gò, tạo hình sao cho giống hình dáng ban đầu. Tiếp theo dùng giấy nhám chà lên bề mặt làm mất những chỗ gồ ghề. Cuối cùng là công đoạn pha màu, trang trí lại chỗ khuyết vừa mới hoàn thiện và phủ lên một lớp sơn bóng. “Tuy đơn giản nhưng mỗi công đoạn lại đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, kỹ thuật khác nhau… và mất rất nhiều thời gian nên phải đam mê mới làm được. Vì vậy, mỗi lần thành công mang đến cho mình một niềm vui khác nhau. Khi mình hoàn thành món cổ vật được y như hiện trạng ban đầu, khách thích thú, tạo cho mình thêm động lực để theo nghề” - anh Duy tâm sự.

Anh Duy cho biết tùy vào giá trị và độ khó của từng sản phẩm mà thời gian phục chế khác nhau, có món chỉ 1 ngày đã hoàn thành nhưng có món phải làm hơn tuần mới xong, tiền công cũng căn cứ vào đó mà người thuê trả cho anh từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng cho mỗi sản phẩm. “Tôi theo nghề này vì đam mê và tự hào khi công việc của mình đã mang lại niềm vui cho chủ sở hữu cổ vật. Qua đó, góp phần lưu giữ lại các giá trị văn hóa xưa của ông cha ta để lại” - anh Duy bộc bạch.

Với nhiều người, những món đồ cổ xưa không chỉ quý về giá trị mà đôi khi là kỷ niệm, là ký ức. Cũng vì lẽ đó mà những món đồ tưởng chừng như đã không thể sử dụng được nhưng qua bàn tay của anh Duy, như sống lại. Bà Quảng Thị Thu Thảo (mẹ anh Duy) cho biết: “Duy chịu khó mày mò, học hỏi. Và rất mừng vì sản phẩm Duy làm ra được mọi người đón nhận, góp phần giữ gìn văn hóa của ông bà ta để lại”.

Ông Nguyễn Quang Sáng, ở phường 2, TP Sa Đéc, cho biết: “Tôi có một bộ ấm trà của ông bà để lại đến nay đã trên trăm năm. Không may một lần mang ra vệ sinh, bị va chạm nên một phần của nắp bình bị mẻ góc. Chính vì giá trị thời gian, cũng như kỷ vật của ông bà để lại nên tôi rất tiếc. Nhưng qua tay cháu Duy, món đồ này đã được phục chế lại y như mới nên tôi rất vui”.

Chia sẻ bài viết