|
Hữu Duy, Mỹ Huyền và Đức Huy (từ trái qua), trong giờ học nhóm. |
Tiết kiệm nước tưới tiêu, diện tích đất và thời gian chăm sóc là những tiện ích của mô hình "Vườn rau đô thị tự tưới từ sản phẩm nhựa phế thải" của 3 học sinh Trường THPT Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ). Mô hình này đã đạt giải Nhì lĩnh vực vật liệu và công nghệ trong cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia (khu vực phía Nam), do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 3-2013.
Nhắc về giải thưởng, nhóm bạn trẻ: Nguyễn Thị Mỹ Huyền, Trần Hữu Duy (lớp 11A3) và Võ Đặng Đức Huy (lớp 11A1) rất phấn khởi về kết quả đạt được. Ngay từ khởi động cuộc thi, nhóm khiêm tốn đề ra mục tiêu giao lưu, trau dồi kiến thức với các đơn vị bạn. Thế nhưng, mô hình "Vườn rau đô thị tự tưới từ sản phẩm nhựa phế thải" của nhóm học sinh Trường THPT Thốt Nốt đã chinh phục Ban Giám khảo bởi tính sáng tạo, có giá trị thực tiễn cao và phương pháp thực hiện cũng khá đơn giản. Đó cũng là sự cổ vũ lớn lao cho 3 bạn trẻ tiếp tục thực hiện những sáng kiến, mô hình học tập hiệu quả, thiết thực.
Giới thiệu chi tiết về quá trình hoạt động của mô hình, Võ Đặng Đức Huy, học sinh lớp 11A1, chia sẻ: "Nhờ sự hướng dẫn của thầy cô, cách đây một năm, chúng em đã thực nghiệm mô hình này để trồng cà chua, rau muống, nhưng ở qui mô nhỏ. Đến nay, chúng em thực hiện với qui mô lớn hơn để thử sức mình và cũng để tham gia cuộc thi". Theo Đức Huy, xuất phát từ thực tế diện tích đất xung quanh nhà chật hẹp, không thể trồng rau theo mô hình truyền thống, vì vậy mô hình "Vườn rau" khá tiện lợi bởi không cần nhiều diện tích đất. Bên cạnh đó, nguyên vật liệu sử dụng từ các chai nhựa phế thải cũng góp phần bảo vệ môi trường sống. Để thực hiện mô hình, 3 bạn trẻ lân la tìm kiếm chai nhựa phế thải với kích cỡ phù hợp, an toàn, chọn các loại rau để trồng và phân công nhau theo dõi, ghi chép quá trình sinh trưởng của các loại rau trong suốt một tháng. Bằng cách ứng dụng hiện tượng mao dẫn và cân bằng áp suất thủy tĩnh trong vật lý, các em sử dụng ống nhựa lớn (được khoét lỗ và nối với nguồn nước bằng cuộn vải) để dẫn nước tưới tiêu hàng ngày cho rau mà không mất thời gian tưới tiêu bằng phương pháp thủ công truyền thống. Thực tế, với 5 hàng và 35 chai nhựa, nhóm đã trồng thử nghiệm thành công nhiều loại rau quả, như: cà chua, cà tím, cải xà lách, rau muống. Sau khi trồng từ 3-4 tuần thì thu hoạch, mà không cần thay nước. "Mô hình có khả năng trồng rau theo tầng, làm tăng diện tích trồng trọt gấp nhiều lần trên cùng một diện tích sàn. Ưu điểm này rất thích hợp cho không gian sống đô thị" - Đức Huy chia sẻ.
Gần 3 tháng thực hiện mô hình cũng là ngần ấy thời gian Trần Hữu Duy - học sinh lớp 11A3, tỉ mỉ quan sát, đo chỉ số nước, theo dõi quá trình phát triển của cây, từ đó có phương pháp chăm sóc phù hợp. Đây là cơ hội để bạn trẻ này áp dụng kiến thức học từ trong lớp ứng dụng vào thực tế. Hữu Duy tâm sự: "Đây là mô hình sáng tạo đầu tiên em thực hiện, nên bên cạnh tích lũy nhiều kiến thức thì quá trình thực hiện mô hình giúp em có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về các hiện tượng vật lý, sinh học". Nếu mô hình được thực hiện, sẽ góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân xung quanh.
Trao đổi với chúng tôi, các thành viên của nhóm cho rằng cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật đã tạo điều kiện để các bạn giao lưu, học hỏi nhiều mô hình hay của các thí sinh đến từ nhiều tỉnh, thành phía nam, đồng thời rèn luyện kỹ năng thuyết trình, xử lý tình huống. Vì vậy, sau cuộc thi, các bạn sẽ phấn đấu học tập tốt và nếu có điều kiện sẽ tiếp tục thực hiện thêm nhiều mô hình hay và hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: DÂN AN