08/11/2017 - 13:53

Bà Ung Thị Bé, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ:

Thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh đoàn kết 

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung nông ở xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách (tỉnh Cần Thơ cũ). Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cũng như nhiều người dân địa phương, suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, gia đình tôi là cơ sở nuôi chứa cán bộ. Trong 10 anh, chị, em thì đã có 7 người tham gia cách mạng.

Nhiệm vụ bí mật

Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 17 tuổi, tôi bắt đầu tham gia làm giao liên cho các đồng chí Huyện ủy Kế Sách, làm Trưởng Ban cán sự phụ nữ ấp rồi Ủy viên Ban chấp hành Đoàn cơ sở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách). Năm 1960, tôi vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 1961, tôi được cơ quan Phụ nữ tỉnh Cần Thơ rút về làm cán bộ phong trào. Năm 1967, tôi về huyện với vai trò Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kế Sách. Đầu năm 1968, tôi tiếp tục được điều về tỉnh nhằm tăng cường cán bộ chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. 29 Tết, tôi được Tỉnh ủy Cần Thơ điều động nhận nhiệm vụ mới. Khi nhận mệnh lệnh, tôi bàn giao công việc rồi đi ngay. Lúc đó, trong lòng rất hồi hộp không biết sẽ nhận nhiệm vụ gì, vì tất cả đều bí mật. Sau đó, giao liên đưa tôi đến Chùa Cô ở Ngã Sáu, huyện Châu Thành. Đến đây, tôi gặp đồng chí Vũ Đình Liệu, lúc đó là Ủy viên Thường vụ Khu ủy Tây Nam bộ, Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, mới biết là chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công đánh vào Cần Thơ.

Ngay trong đêm, tôi cùng anh em băng đồng men theo các con rạch vào bên trong lộ Vòng Cung. Đến nửa đêm 30 Tết thì tôi đến rạch Ngã Cạy. Thấy anh em tập trung đông, bà con lo lắng lắm vì không biết mình thuộc cánh quân nào, chuẩn bị làm gì. Tôi cùng anh em đến từng nhà, gặp bà con giải thích, tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu hết ý nghĩa về cuộc tổng tiến công của ta. Nghe tin ấy, bà con rất phấn khởi, người gửi bánh tét, người mang mứt, thịt kho... chuẩn bị cho các ngày Tết đãi anh em.

Cùng với công tác vận động bà con làm hậu phương vững chắc cho bộ đội, tôi tham gia đào công sự, đồng thời được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội từ Ngã Cạy tiến về cầu Rạch Ngỗng, tiến vô nội thành. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tôi tranh thủ theo bà con đi chợ, quan sát tìm đường để dẫn anh em vào nội ô thành phố. Các cuộc hành quân nhiều lúc phải qua sông, lội bộ, băng qua những cánh đồng nhà dân thưa thớt, nhưng địch hoàn toàn không hay biết. Đúng là bí mật và bất ngờ đối với địch.

Bản anh hùng ca bất diệt

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân không chỉ diễn ra ác liệt ở nội thành, mà càng dữ dội ở ven thành phố. Địch phối hợp các lực lượng lục quân, không quân, lính thủy đánh bộ và các phương tiện máy bay, xe tăng, tàu chiến càn quét tuyến lộ Vòng Cung, quân và dân ta đã chiến đấu vô cùng oanh liệt. Địch đánh phá bừa bãi vào khu dân cư làm cho những vườn cây ăn trái xơ xác, nhà cửa của nhân dân bị đạn, bom cày xới tan hoang. Thế nhưng, bà con vẫn một lòng ủng hộ cách mạng. Vừa dứt tiếng bom đạn thì bà con đã túa ra tìm các anh bộ đội, chăm sóc thương binh. Nhiều người dân tình nguyện hái trái cây, làm heo, gà... đảm bảo cho bộ đội đủ lương thực. Cùng với nhiệm vụ dẫn bộ đội vào nội thành, lúc này tôi còn cùng đồng đội chuyển những chiến sĩ hy sinh, bị thương về tuyến sau. Mỗi khi nghe tiếng thương binh rên siết, lòng tôi đau như cắt và cũng chính điều đó như tiếp thêm cho tôi sức mạnh, nghị lực, vượt qua mọi gian nan để kịp đưa đồng đội về trạm thương binh gần nhất...

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 mãi mãi khắc sâu vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất diệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Dù trải qua nhiều mất mát, hy sinh nhưng ý nghĩa thắng lợi của Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 rất lớn. Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh của toàn dân đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

HOÀI THU (ghi)

Chia sẻ bài viết