12/01/2011 - 10:26

Thách thức ở phía trước...

Năm 2010, nhiều khó khăn đặt ra cho doanh nghiệp (DN) như: lạm phát, lãi suất ngân hàng ở mức cao, thị trường xuất khẩu khó khăn, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, kết thúc gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn của Chính phủ... Sang năm 2011, các chuyên gia kinh tế cho rằng khó khăn vẫn tiếp diễn, thị trường vốn cũng không mấy sáng sủa. Trong khi rào cản thương mại, kỹ thuật ngày càng dày, hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ hoặc cắt giảm theo lộ trình WTO, Hiệp định thương mại tự do...

Củng cố thị trường để vượt khó

Xưởng cơ khí của Công ty TNHH sản xuất - xây dựng và thương mại Tân Thuận Thành (KCN Trà Nóc). 

Trước những khó khăn, thách thức của năm 2011, nhiều DN chọn giải pháp ứng phó là củng cố thị trường hiện có, hạn chế đầu tư mới. Ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất- xây dựng và thương mại Tân Thuận Thành (Khu công nghiệp Trà Nóc- chuyên sản xuất ống cống, cọc bê tông dự ứng lực, gạch), bức xúc: “Khó khăn chồng chất, DN phải thu hẹp sản xuất, không đầu tư mới. Ngân hàng vẫn cho DN vay vốn lưu động, nhưng lãi suất quá cao, DN không kham nổi. Còn muốn vay vốn trung- dài hạn đầu tư thiết bị, nhà xưởng thì rất khó, bởi ngân hàng kiểm soát gắt gao, rất ít DN đạt những tiêu chí của ngân hàng. Trước đây, công ty bán sản phẩm gối đầu cho khách hàng thân thiết ở ĐBSCL đến cuối năm mới thu tiền, còn hiện tại không thể tiếp tục cách bán này, DN phải dành vốn đầu tư việc khác”. Theo ông Trường, năm 2010 tình hình khó khăn chung, doanh thu của công ty giảm 20% so với năm 2009. Trong khi đó, DN mua vật liệu sản xuất cống, cọc phải trả tiền mặt các nhà phân phối, nhập thép dự ứng lực làm cọc phải mua USD với giá cao, rất hiếm khi mua được USD bằng giá niêm yết của ngân hàng. Do vậy, DN chọn cách củng cố thị phần tại thị trường ĐBSCL chờ qua cơn khó.

Còn ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc), cho biết: “Rất nhiều thách thức đặt ra cho DN trong năm 2011, lạm phát, tăng lương tối thiểu làm mặt bằng lương tăng. Nếu trả lương thấp thì không tuyển được công nhân. Mặt khác, DN phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp khá cao, ngành may mặc chủ yếu là gia công hàng hóa, nếu đóng 25% thuế là bất hợp lý so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mại”. Năm 2011, nếu tăng giá điện, DN may mặc càng khó hơn, chi phí sản xuất tăng, dù giá gia công có tăng cũng không thể bù đắp nổi. Theo ông Gia, với thực tế này, DN chỉ còn cách tiết giảm tối đa chi phí để đảm bảo lợi nhuận, thu nhập cho người lao động và giữ chân những công nhân lành nghề.

Năm 2011, một số ngành nghề sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt với DN cùng ngành hàng có tiềm lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA), nói: “Năm 2011, giá cả tăng cao, lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức chưa đảm bảo lợi nhuận cho DN, thủ tục hành chính còn đang được đẩy mạnh cải cách, môi trường cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng và minh bạch. Cho nên, DN phải tìm cách chống đỡ để duy trì hoạt động”. Theo bà Mỹ Thuận, DN cần tổ chức lại bộ máy cho thật vững vàng và chuyên nghiệp, nội bộ có vững mạnh thì mới “chiến đấu” được với bên ngoài. DN cần liên kết và hợp tác để có thêm nguồn lực, khắc phục những điểm yếu của mình. Đồng thời, tạo thành một đối trọng đối với đối tác, hoạch định chiến lược kinh doanh linh hoạt để dễ dàng thay đổi theo biến động của thị trường.

Tìm hướng đi phù hợp

Năm 2011, thị trường tiền tệ được nhận định còn nhiều khó khăn, các ngân hàng đang “chạy đua” huy động vốn để thực hiện Nghị định 141 của Chính phủ về tăng vốn điều lệ tối thiểu lên 3.000 tỉ đồng. Với thực tại này, lãi suất cho vay rất khó giảm, dù hiện tại Ngân hàng nhà nước có văn bản yêu cầu các ngân hàng áp dụng lãi suất huy động cộng với các khoản khuyến mãi không vượt quá 14%. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ, khẳng định: “Các ngân hàng không thiếu vốn, nếu DN gặp trục trặc trong vay vốn, DN có thể phản ánh. Chi nhánh sẽ vào cuộc kiểm tra, tìm nguyên nhân xem DN không đáp ứng điều kiện hay là ngân hàng thiếu vốn thực sự. Đồng thời, chi nhánh sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra các ngân hàng trên địa bàn về hoạt động cho vay, huy động vốn nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”. Năm 2010, qua kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ phát hiện có 2 ngân hàng huy động vốn trên địa bàn thành phố, nhưng lại cho vay vốn ở địa phương khác. Theo ông Ngọc, chi nhánh đã nhắc nhở 2 ngân hàng trên và hiện ngân hàng này đã phát vay cho cá nhân, DN trên địa bàn Cần Thơ.

Theo ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty cổ phần May Meko, hiện các DN đã chủ động tìm thị trường, nhưng cần cơ chế cho vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho DN đổi ngoại tệ. Đặc thù của ngành may mặc là sử dụng nhiều lao động, chỉ làm gia công, nên cần tính mức thuế hợp lý hơn. Năm 2011, May Meko đã ký hợp đồng gia công hết năm, với khoảng 2 triệu sản phẩm, giá gia công cũng tăng 10% so với năm 2010. Tuy nhiên, mức giá này vẫn không đuổi kịp mặt bằng giá đầu vào trên thị trường hiện tại. May Meko đang đầu tư xây dựng xưởng mới, công ty vay USD chứ không dám vay VND vì lãi suất VND vượt quá sức chịu đựng của DN.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời điểm khó khăn, cần tái cấu trúc lại DN để hoạt động hiệu quả hơn. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký CBA, không nhất thiết phải sắp xếp lại toàn bộ DN mà chỉ ở bộ phận đang có vấn đề và liên kết với các bộ phận khác thành chuỗi xuyên suốt. Bà Mỹ Thuận cho rằng, CBA sẽ luôn đồng hành cùng hội viên với phương châm “liên kết để chia sẻ, hợp tác để thành công”. Năm 2011, CBA sẽ tổ chức tư vấn chuyên sâu hơn về tổ chức, quản lý DN. CBA đang tham gia cùng với Phòng thương mại châu Âu (Eurocham) trong dự án Mutrap III sẽ đề cập đến những bất cập trong kinh doanh và đề nghị đến các bộ ngành sửa đổi nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Ngoài ra, CBA cũng hỗ trợ cho “Chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu Việt Nam” (GCF) của Đan Mạch tiếp cận với hội viên CBA và DN TP Cần Thơ, tài trợ cho các sáng kiến đổi mới của DN tư nhân phát triển xuất khẩu.

Bài, ảnh: THU HÀ

Chia sẻ bài viết