02/04/2012 - 08:52

Thạc sĩ... nông dân!

Nhiều người gọi anh như thế, vì anh đã tốt nghiệp cao học ngành Trồng trọt nhung có nước da rám nắng, tính cách thân thiện và đặc biệt anh đam mê cây lúa, đồng ruộng như một nông dân chính hiệu... Anh tên Trần Hữu Phúc, đang công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Anh là một trong 7 gương mặt thanh niên xuất sắc của TP Cần Thơ được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng tại TP Vũng Tàu vào cuối năm 2011.

Ước mơ từ đồng ruộng

Sinh ra và lớn lên ở huyện Cờ Đỏ, vùng đất lúa của TP Cần Thơ nên từ nhỏ, anh Phúc đã thấu hiểu nỗi gian khó của nông dân trong hành trình làm ra hạt gạo. Biết nhiều gia đình, trong đó có người thân của mình, dù một nắng hai sương với đồng ruộng nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, cậu bé Phúc đã tự nhủ: “Sau này lớn lên, sẽ làm điều gì đó để giúp nông dân quê mình bớt khổ”. Ước mơ ấy theo Phúc lớn dần cùng năm tháng. Khi chuẩn bị hồ sơ thi đại học, Phúc nghĩ ngay đến ngành trồng trọt, nhưng mẹ anh lại bảo: “Con à, nghề nông nghèo lắm. Con thấy nhà mình cũng như nhiều nhà khác ở đây, làm ruộng mấy chục năm chưa khá nổi, con chọn ngành khác đi, có tương lai hơn!”. Nhưng chính vì lý do đó, Phúc lại càng quyết tâm chọn ngành trồng trọt, kiên trì theo đuổi ước mơ.

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp đại học, Phúc vào công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ. Nơi đây, anh có điều kiện tiếp tục học tập, nghiên cứu chuyên sâu về cây lúa, giúp anh thêm cơ hội thực hiện những gì mình mong ước.

Say mê chuyển giao khoa học kỹ thuật

Anh Phúc đang chăm sóc những tổ hợp lai mới đang trong quá trình khảo nghiệm. 

Nhận thấy công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) rất có ý nghĩa nhưng chỉ tập trung cho nông dân thì chưa đủ nên anh Phúc đã xin ý kiến lãnh đạo Viện, đồng nghiệp đi trước, tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án, tổ chức chuyển giao KHKT cho thanh niên nông thôn. Theo anh Phúc, thanh niên là những người chủ tương lai, có vai trò quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu không đầu tư cho thanh niên, nền nông nghiệp tương lai sẽ có nguy cơ tụt hậu, mất đi tính kế thừa. Nhờ năng nổ, chịu khó, anh Phúc đã tập hợp đoàn viên, thanh niên trong Viện cùng gầy dựng phong trào chuyển giao KHKT phát triển sâu rộng trong thanh niên nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Được sự tín nhiệm của thầy cô, đồng nghiệp, năm 2005, anh Phúc nhận nhiệm vụ chủ nhiệm Câu lạc bộ Chuyển giao lúa giống và chuyển giao tiến bộ KHKT của Đoàn Viện.

Hàng năm, anh Phúc làm “chủ xị” tổ chức từ 5-10 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hàng trăm thanh niên, nông dân. Nâng số lượng lúa giống chuyển giao cho người dân từ khoảng 50 tấn/năm, lên khoảng 100 tấn/năm. Qua những lớp tập huấn, anh Phúc và đồng nghiệp hướng dẫn thanh niên, nông dân tiết giảm 15-20% chi phí trên đồng ruộng bằng các biện pháp: sử dụng những giống lúa ít nhiễm sâu bệnh, giảm mật độ sạ, bón phân hiệu quả, sử dụng thuốc theo phương pháp 4 đúng,... Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa. Thế nhưng, do người dân đã quen với tập quán canh tác cũ, nên quá trình thuyết phục người dân áp dụng kỹ thuật canh tác mới là chuyện không dễ. Anh Phúc kể: “Tôi nhớ hoài lần trình diễn mô hình sản xuất lúa giống bằng phương pháp cấy lúa một tép ở tỉnh Vĩnh Long để thuyết phục người dân cấy lúa một tép, giảm lượng lúa giống và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn đạt năng suất cao. Được người dân cho “mượn” đất để trình diễn mô hình, cả nhóm nghiên cứu của tôi khấp khởi trong lòng. Thế nhưng, sau khi cấy lúa xong, nắng lên, gia chủ thấy những cây lúa non bị héo rũ dưới ruộng thì ai nấy đều “xót” nên phiền hà, trách móc mấy anh kỹ sư rồi... đuổi đi. Lần đó, tôi và đồng nghiệp phải nhờ cán bộ UBND xã tới thuyết phục, gia đình mới nguôi ngoai dần, cho phép mô hình được tiếp tục. Đến cuối vụ lúa, cánh đồng trình diễn bội thu, nhìn những bông lúa mẩy, chắc, sáng đẹp, gia chủ và người dân trong xã ai cũng trầm trồ, phấn khởi, làm cả nhóm cũng an tâm và tự tin hơn”.

Với mong muốn những kiến thức tập huấn được áp dụng đúng cách, hiệu quả nên sau khi tập huấn, anh Phúc và các đoàn viên của Viện vẫn giữ mối liên hệ với thanh niên địa phương để tiếp tục hỗ trợ khi cần thiết. Nhiều nơi, một số thanh niên sau khi được tập huấn, áp dụng sản xuất đúng cách, canh tác tốt, cải thiện đời sống, đã quyết tâm gắn bó với cây lúa và trở thành những thành viên tích cực trong chuyển giao KHKT tại địa phương.

Tích cực nghiên cứu, lai tạo giống lúa vượt trội

Từ năm 2002-2009, anh Phúc là đoàn viên tiên phong, góp sức vào công trình lai tạo thành công 2 giống lúa MTL499 và MTL500 của Viện, được công nhận là giống lúa quốc gia năm 2010. Trong khoảng thời gian đó, anh Phúc được phân về nhóm chọn giống cực ngắn ngày. Điều này càng thôi thúc anh Phúc đặt ra tiêu chí cho bản thân, phải sớm lai tạo thành công giống lúa mới, chất lượng để giúp nông dân và không phụ lòng thầy cô, đồng nghiệp. Năm 2005, anh Phúc đồng phụ trách chính công trình lai tạo giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, ý tưởng do anh và một đồng nghiệp cùng phối hợp đưa ra. Sau gần 5 năm kiên trì nghiên cứu, khảo nghiệm nhiều tổ hợp lai khác nhau và nhờ sự đóng góp của các thầy cô, đồng nghiệp, anh Phúc đã tìm ra tổ hợp lai đạt yêu cầu, lai tạo từ 3 giống lúa: IR56279-C2-99-3-2-3-2, VD10 và Jasmine. Giống lúa mới với tên gọi MTL560, đã tạo ra sự đột phá nhờ thừa hưởng ưu điểm thời gian sinh trưởng ngắn (80-85 ngày), khả năng kháng sâu bệnh tốt của IR56279; ưu điểm gạo trong, năng suất cao (6-8 tấn/ha) của VD10 và ưu điểm bông to, tỷ lệ hạt chắc cao của Jasmine. Trực tiếp theo dõi trong suốt quá trình từ khởi xướng đến tìm nguồn gen bố mẹ thích hợp, khảo nghiệm ngoài đồng ruộng nên anh Phúc đã không khỏi xúc động, mừng rỡ khi tìm được “đứa con” quý. Sau thành công này, anh Phúc vẫn chưa chịu dừng lại. Anh cho biết: “Điều tôi tâm đắc nhất ở giống lúa MTL560 là có thời gian sinh trưởng ngắn nhất hiện nay; gạo trong đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; thích hợp với nhiều vùng đất khác nhau và giảm 20-30% lượng phân đạm, tiết kiệm đáng kể chi phí canh tác cho nông dân. Nhưng tiếc là tôi vẫn chưa tìm được gen để hạt gạo thừa hưởng hương thơm của giống lúa Jasmine. Tôi đang tiếp tục nghiên cứu để giống lúa này được hoàn hảo hơn”.

Khoảng một tháng nay, anh Phúc dành hầu hết thời gian để đi thăm ruộng, trực tiếp kiểm tra quá trình thu hoạch lúa trồng thử nghiệm tại một số tỉnh lân cận nên nước da của anh lại càng thêm “mặn mòi”. Tôi hỏi anh: “Có khi nào anh chán đi thăm ruộng không?”, anh cười, nói: “Nếu chán, chắc tôi không theo ngành này được. Mỗi lần đi thăm ruộng, tôi xem như đi thăm một công trình đẹp, còn mỗi bông lúa là một bông hoa, cần được chăm sóc, nâng niu để có màu sắc rực rỡ nhất. Chỉ có điều, vì phải đi công tác xa thường xuyên nên việc chăm sóc con cái, nhà cửa hầu như đều nhờ vào một tay vợ tôi cáng đáng”. Chị Thúy, vợ anh Phúc học cùng ngành nên dễ thông cảm và chia sẻ khó khăn với anh. Trong thời gian anh nghiên cứu, lai tạo giống mới, chị Thúy cũng là người thường xuyên ủng hộ, trao đổi, đóng góp ý kiến cùng anh. Nhờ có “hậu phương” vững chắc mà anh Phúc yên tâm công tác.

Luôn gương mẫu, nỗ lực, phấn đấu liên tục, đóng góp sức trẻ xây dựng nền nông nghiệp ngày càng phát triển, năm 2010 anh Phúc vinh dự nhận Huy hiệu Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Không thỏa mãn với thành tích trên, anh Phúc luôn cố gắng xây dựng hình ảnh người cán bộ Đoàn tích cực, năng động, tập hợp những đoàn viên thanh niên khác cùng nghiên cứu, học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện đạo đức để đóng góp công sức xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là thực hiện nhiều sáng kiến cải thiện đáng kể đời sống nông dân.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết