28/05/2016 - 17:17

TẬP TRUNG TIẾP SỨC CHO DOANH NGHIỆP

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 5-2016 tiếp tục tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 2,28% so với tháng 5-2015. Điều này làm mối lo ngại lạm phát tăng trở lại và chi phí sản xuất tăng cao càng rõ rệt hơn trong bối cảnh Chính phủ đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp thêm khó khăn

Lũy kế 5 tháng đầu năm, CPI cả nước đã tăng 1,88%. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số giá lương thực, thực phẩm đã tăng lần lượt 0,68% và 0,38% so với tháng trước và tăng lần lượt 3,19% và 2,29% so với tháng 12-2015. Nhóm giao thông cũng được ghi nhận tăng mạnh nhất với mức tăng 2,39% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu tăng 2 lần trong tháng 5. Gần đây nhất là vào ngày 20-5, giá xăng Ron 92 tăng 243 đồng/lít, lên mức tối đa 15.829 đồng/lít, các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng từ 192-290 đồng/lít, tùy mặt hàng. Trước đó, ngày 5-5, giá các mặt hàng xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng rất mạnh. Cụ thể, xăng Ron 92 tăng 650 đồng/lít, dầu các loại tăng từ 623-936 đồng/lít. Đặc biệt trong tháng 5, CPI ghi nhận sự tăng giá đồng loạt của 11 nhóm mặt hàng so với tháng trước. Điều này cộng với những diễn biến của thị trường trong nước và thế giới cho thấy khả năng giá cả tiêu dùng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, chỉ dấu cho khả năng lạm phát trở lại. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (theo thước đo CPI loại trừ lương thực thực phẩm, năng lượng và nhóm hàng do nhà nước quản lý gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) bình quân 5 tháng đầu năm ở mức 1,78% so với cùng kỳ 2015.

 Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty TNHH Sản xuất thươngmại Tân Hưng (quận Ninh Kiều). Ảnh: MINH HUYỀN

Nếu lạm phát tăng trở lại, ngoài chi phí sản xuất tăng, doanh nghiệp còn phải đối mặt nguy cơ lãi suất tăng làm tăng chi phí vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền Việt Nam đồng. Cuộc đua lãi suất huy động đôi lúc có chựng lại nhưng chủ yếu là do các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo kỳ hạn, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn ở mức cao so với mặt bằng lãi suất năm 2015. Đặc biệt sự tham gia vào cuộc đua lãi suất vừa qua có nhiều ngân hàng thương mại lớn. Vietinbank và BIDV công bố mức lãi suất huy động ở mức khá cao so với một số ngân hàng thương mại khác. Cụ thể: BIDV có lãi suất huy động các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng lần lượt là: 4,8%/năm, 5,5%/năm, 6%/năm và 6,9%/năm. Vietinbank cũng không kém cạnh với lãi suất các kỳ hạn tương ứng là: 4,8%/năm, 5,5%/năm, 5,8%/năm và 6,8%/năm. Đối với huy động vốn bằng USD, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định lãi suất huy động USD là 0%, nên từ đầu năm các ngân hàng thương mại đã thu hút nguồn vốn này bằng cách tặng thêm lãi suất thưởng cho khách hàng rút vốn USD bán cho ngân hàng và gửi vốn lại bằng VND. Tuy nhiên, vừa qua cũng có tình trạng ngân hàng lách luật, chi trả lãi suất huy động USD cho khách hàng và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng này.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 6-5, lãi suất huy động bằng VND tương đối ổn định. Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức từ 6,4-7,2%/năm.

Tập trung hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4-2016, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay. Đồng thời tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khoa học công nghệ… gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 4, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng tốt vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Một số ngân hàng thương mại cổ phần (như Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội, Ngân hàng Tiên Phong) giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%/năm đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa 10%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn thuộc lĩnh vực này. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm, trung và dài hạn từ 9,3-10,5%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn và từ 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn USD phổ biến ở mức 2,8-5,2%/năm, trung và dài hạn ở mức 5,3-6,2%/năm.

Quyết tâm của Chính phủ trong việc trợ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng được thể hiện qua sự kiện ra mắt Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng vào ngày 22-4. Mục đích hoạt động của quỹ là giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn quốc nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Từ năm 2016, Quỹ ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay đối tượng hỗ trợ của Quỹ với mức lãi suất ưu đãi 5,5%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 7%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn.

Mới đây nhất, ngày 16-5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm túc các nội dung về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để thương mại hóa sản phẩm của doanh nghiệp… Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, chặt chẽ, duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng. Chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng và chương trình bình ổn giá trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…

LINH CHI

Chia sẻ bài viết