01/08/2011 - 21:26

TP CẦN THƠ

Tập trung ổn định sản xuất và tiêu dùng

Tháng 7 – 2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP Cần Thơ vừa được Cục Thống kê thành phố công bố tăng 1,13% so với tháng trước và tăng 13,3% so với tháng 12 năm 2010. Ngày 29-7, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 năm 2011 do UBND TP Cần Thơ tổ chức, theo nhận định của Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Cần Thơ, tình hình kinh tế của thành phố tiếp tục duy trì phát triển ổn định; hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng khá so cùng kỳ... Đây là tín hiệu khả quan để các cấp, các ngành hữu quan của thành phố nỗ lực tập trung ổn định sản xuất và tiêu dùng, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch trong các tháng còn lại của năm 2011.

CPI VỀ MỐC TĂNG TRÊN 1%

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, tháng 7-2011, với chỉ số giá tăng 2,06%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống dẫn đầu trong tổng số 11 nhóm hàng đưa vào “rổ hàng hóa” tính CPI. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất có chỉ số giá tăng hơn 1%. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tăng giá của nhóm hàng này do nhóm hàng thực phẩm trong tháng tăng mạnh (tăng ở mức 3,17%), chủ yếu do giá các loại thịt tăng, nhất là heo tăng rất mạnh và đứng ở mức rất cao. Theo ghi nhận của Cục Thống kê TP Cần Thơ, so với tháng trước, giá các loại thịt heo trong tháng 7 tăng đến 7,1% (thịt heo đùi trung bình trên dưới 100.000 đồng/kg, thịt sườn từ 120.000-130.000 đồng/kg), thịt gia cầm 1,68% (trong đó, thịt gà tăng khoảng 1,57%; thịt gia cầm khác tăng 1,87%). Trong tháng 7, các loại trứng trên thị trường được ghi nhận tăng 10,39% (giá trứng vịt từ 32.000 – 35.000 đồng/10 trứng, tăng 10.000 đồng/10 trứng) và giá các loại trứng trên thị trường được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới... Tác động tăng đến chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 7 còn có nguyên nhân do giá các loại rau trên thị trường tăng 2,95% so với tháng trước. Cụ thể: bắp cải tăng 8,28%, cà chua tăng 3,04%, rau muống tăng 4,49%...

Dù tăng dưới 1% nhưng nhóm thuốc và dịch vụ y tế trong tháng 7 được ghi nhận tăng 0,89% so với tháng trước. Trong đó, đáng ghi nhận là giá thuốc các loại tăng 2,26% và giá dụng cụ y tế tăng 1%. Theo nhận định của các ngành hữu quan, chỉ số của nhóm này có nhiều biến động tăng do áp lực chủ yếu từ Bộ Y tế ban hành bảng giá dịch vụ y tế trong thời gian tới. Các nhóm hàng còn lại như: đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính viễn thông; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số tăng từ 0,01 – 0,62%.

 Tháng 7-2011, giá thực phẩm, rau, củ... ở TP Cần Thơ tăng và đứng ở mức cao.

Với đà tăng của các nhóm hàng được đưa vào “rổ hàng hóa” tính CPI, trong tháng 7, CPI của thành phố tăng 1,13% so với tháng trước. Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, do vẫn còn ảnh hưởng của giá thực phẩm tăng và đứng ở mức cao, vật tư đầu vào như: xăng, dầu, gas, lãi suất ngân hàng... có nhiều biến động, CPI tháng 8-2011 có nhiều khả năng tăng khoảng 0,8-1% so với tháng 7.

KINH TẾ DUY TRÌ ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

Ông Lê Kế Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP Cần Thơ, nhận định: Kinh tế thành phố trong 7 tháng đầu năm 2011 còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: Tỷ giá USD, giá vàng biến động bất thường, giá điện, xăng dầu, nguyên vật liệu tăng. Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao đã gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và các hộ sản xuất kinh doanh trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, làm giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN. Sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn; chưa hình thành được hệ thống tổ chức sản xuất giống, chất lượng, số lượng đảm bảo cho nhu cầu sản xuất. Trong khi đó, giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát làm người sản xuất không yên tâm đẩy mạnh sản xuất...

Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tháng 7 và cả 7 tháng năm 2011, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì phát triển ổn định. Trong đó, so cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,5%; tổng mức bán ra hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 20,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng 20,8%; xuất khẩu hàng hóa tăng 19,4%... Đến cuối tháng 7-2011, các địa phương trong thành phố đã thu hoạch trên khoảng 80.000/81.563 ha lúa hè thu, năng suất ước đạt 51 tạ/ha. Theo ông Nguyễn Khải Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, giá lúa trên thị trường đang diễn biến theo chiều hướng có lợi, đảm bảo cho nông dân có lãi trên 30%. Hiện nay, toàn thành phố xuống giống được trên 52.700 ha lúa thu đông, tăng gần 20.000 ha so với cùng kỳ. Hiện ngành nông nghiệp thành phố đang tăng cường kiểm tra, đôn đốc cán bộ kỹ thuật tích cực thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến mật số rầy nâu, dự báo kịp thời và hướng dẫn nông dân các giải pháp kỹ thuật để quản lý rầy nâu có hiệu quả theo hướng bền vững, an toàn với môi trường. Đến ngày 20-7-2011, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 4.247,048 tỉ đồng, đạt 59,9% dự toán HĐND thành phố giao. Tổng vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và cá nhân trên địa bàn thành phố ước đến cuối tháng 7 đạt 26.950 tỉ đồng, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 6,2% so cuối năm 2010. Nguồn vốn huy động đáp ứng 68,9% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn...

ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ đã xây dựng và triển khai Kế hoạch Bình ổn giá cả thị trường năm 2011 và dịp Tết Nguyên đán 2012. Kế hoạch này bắt đầu khởi động từ ngày 15-7-2011 đến 30-4-2012. Theo đó, UBND thành phố hỗ trợ vay không lãi suất cho 7 DN triển khai khoảng 40 điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thành phố... Thời gian tới, ngành công thương thành phố tiếp tục chủ động phối hợp cùng các ngành hữu quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; chống hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại... nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá. Cũng theo ông Hừng, thời gian tới, ngành công thương tiếp tục khảo sát tình hình sản xuất của các DN nhằm tháo gỡ khăn hoặc đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, giúp DN đẩy mạnh sản xuất.

Hiện nay, giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường tăng do tình trạng khan hiếm nguồn cung trên thị trường, nhất là thực phẩm tươi sống. Ông Nguyễn Khải Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Để góp phần đảm bảo nguồn cung thực phẩm tươi sống cho người dân trên địa bàn thành phố, thời gian tới, ngành nông nghiệp tăng cường khuyến khích các hộ dân trên địa bàn phát triển mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm; khuyến khích các cơ sở sản xuất giống nhằm ngăn chặn tình trạng sốt giá; tăng cường kiểm tra các cơ sở bán thức ăn, thuốc thú y về giá cả và chất lượng...

Tại phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 7 năm 2011, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn yêu cầu: Thời gian tới, các sở, ban, ngành và các địa phương cần tập trung vào các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chống buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, gian lận về giá; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về gian lận thương mại, tăng giá quá mức... Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng sản xuất những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết