10/05/2018 - 20:56

Tập trung nâng cao quản lý, xử lý chất thải rắn 

Với sự gia tăng dân số cơ học, kéo theo lượng rác thải ra môi trường cũng không ngừng tăng lên, gây không ít áp lực cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Cần Thơ. Bên cạnh việc triển khai thu gom, phân loại rác tại nguồn, thành phố sẽ phát triển các công nghệ xử lý rác hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần chỉnh trang đô thị và xây dựng thành phố ngày càng văn minh, sáng - xanh - sạch đẹp.

Còn khó khăn

 Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, hiện nay thành phố đã xây dựng 3 khu xử lý chất thải rắn và 1 khu xử lý chất thải rắn đang trong quá trình xây dựng. Cụ thể: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn quận Ô Môn ở phường Phước Thới; Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Cờ Đỏ ở xã Đông Thắng; Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt. Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai ở xã Trường Xuân đang trong quá trình xây dựng, diện tích khoảng 20ha với công suất thiết kế 400 tấn/ngày và có sử dụng công nghệ đốt phát điện.

Đoàn viên thanh niên ra quân dọn dẹp rác thải trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP Cần Thơ và các quận, huyện, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn thành phố khoảng 650 tấn/ngày. Thành phần rác thải sinh hoạt chủ yếu là rác dễ phân hủy chiếm tỷ lệ 83,6%, nhựa cao su chiếm 8,7%, các loại còn lại chiếm khoảng 7,4%, thấp nhất là rác độc hại chiếm 0,3%. Lượng chất thải này chủ yếu được xử lý tại các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn, gồm: khu xử lý chất thải rắn quận Ô Môn (công suất thiết kế 500 tấn/ngày, công suất thực tế khoảng 250 tấn/ngày); khu xử lý chất thải rắn huyện Cờ Đỏ (công suất thiết kế 100 tấn/ngày, công suất thực tế khoảng 75 tấn/ngày) và khu xử lý chất thải rắn quận Thốt Nốt (công suất thiết kế 80 tấn/ngày, công suất thực tế khoảng 40 tấn/ngày). Đối với công tác thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, các doanh nghiệp trên địa bàn tự liên hệ các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải phát sinh tại cơ sở. Riêng chất thải nguy hại, Sở TN&MT thành phố đã cấp sổ quản lý cho 796 chủ nguồn thải. Lượng chất thải phát sinh hằng năm trung bình khoảng 1.700 tấn/năm; trong đó: lượng được vận chuyển, xử lý trung bình khoảng 1.500 tấn/năm, còn lại được các chủ nguồn thải tự xử lý.

Với sự nỗ lực của thành phố, thời gian qua, việc xử lý chất thải rắn trên địa bàn đã đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chuyên môn, TP Cần Thơ gặp không ít khó khăn trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, trước hết là chất thải rắn sinh hoạt thông thường chưa được thu gom phân loại tại nguồn. Công nghệ chôn lấp rác từng bước chuyển đổi sang công nghệ đốt, nhưng thành phố còn khá lúng túng trong việc kiểm soát chất lượng khí thải. Hiện nay, thành phố chưa có nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải y tế nguy hại. Phương án xử lý hiện nay, các đơn vị xả thải ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý tại các khu xử lý ngoài thành phố. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho quản lý chất thải rắn còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu do thiếu ngân sách.

Hướng đến công nghệ hiện đại, tiên tiến

Từ các vấn đề tồn tại trên, TP Cần Thơ đang tìm kiếm các giải pháp xử lý bằng các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như bảo vệ môi trường. Theo đó, Sở Xây dựng thực hiện thí điểm thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phường Trà Nóc thuộc quận Bình Thủy, phường Lê Bình thuộc quận Cái Răng và toàn địa bàn quận Ninh Kiều. Qua đó, đạt được kết quả bước đầu và đang tiến hành triển khai mở rộng trên toàn địa bàn các quận: Bình Thủy, Cái Răng... phấn đấu từ năm 2019 trở về sau hoàn thành cơ bản việc xử lý chất thải rắn phát sinh hằng ngày không bằng hình thức chôn lấp.

Những biện pháp tận dụng, tái chế rác từ nhựa không những mang lại giá trị kinh tế, còn mang lại nhiều lợi ích nền tảng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Thành phố đang phối hợp cùng Công ty TNHH MTV UpCycling Việt Nam thành viên của Công ty Upp! UpCycling Plastic Hà Lan nghiên cứu dự án Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế tại TP Cần Thơ. Dự kiến đến giữa năm 2019 sẽ xây dựng, lắp đặt hệ thống thu gom rác thải nhựa tại rạch Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Đây là giải pháp mới góp phần thu gom rác trôi nổi trên sông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành phố. Đốt rác phát điện là công nghệ được áp dụng khá phổ biến tại các nước phát triển, đã đem lại những hiệu quả nhất định trong việc xử lý rác, giảm ô nhiễm môi trường với khả năng xử lý lượng rác lớn một cách triệt để. Trên cơ sở đó, thành phố mạnh dạn đầu tư công nghệ này tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai sẽ hoàn thành vào tháng 6-2018.

Để công tác quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố hiệu quả và bền vững, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, kiến nghị: Bộ, ngành Trung ương xem xét, giới thiệu mô hình, công nghệ xử lý chất thải rắn và mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn có thể nghiên cứu, áp dụng tại các đô thị Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ trực tiếp hoặc hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tài trợ, vốn ưu đãi của các tổ chức để TP Cần Thơ phát triển lĩnh vực xử lý chất thải rắn trong điều kiện ngân sách còn hạn chế. Về phía thành phố chủ động đẩy mạnh, đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và người dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng. Bên cạnh tăng ngân sách đầu tư, thành phố quan tâm hợp tác quốc tế và đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quản lý và xử lý chất thải rắn. Trong đó, chú trọng thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên để thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn, nhất là đối với chất thải rắn sinh hoạt, nguy hại…

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, nhấn mạnh: TP Cần Thơ luôn chú trọng tìm kiếm các giải pháp quản lý, xử lý chất thải. Việc tìm kiếm ra các giải pháp mới, hữu hiệu, phù hợp với tình hình thực tế về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố là nội dung cần sự quan tâm không chỉ của chính quyền địa phương, còn cần sự tham gia đóng góp ý tưởng của các chuyên gia, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Qua đó, nhằm giải quyết những khó khăn, tồn tại, những vấn đề còn lúng túng trong công tác quản lý, xử lý chất thải rắn hiện nay của thành phố…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết