04/06/2009 - 09:15

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Tập trung kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế

Ngày 3-6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5.

Chính phủ dành thời gian tập trung thảo luận tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2009, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày. Các ý kiến đều thống nhất với đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng: Trong 5 tháng, tình hình kinh tế- xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng lên liên tục trong 4 tháng qua (từ tháng 2 đến tháng 5-2009); tiêu thụ hàng hóa tiếp tục tăng cao; xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực có xu hướng tăng trở lại. An ninh xã hội được bảo đảm... Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả khả quan nêu trên, kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn; giải ngân các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn FDI,... đạt thấp. Các dịch bệnh nguy hiểm như tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, nhất là cúm A (H1N1) đang diễn biến phức tạp.

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu trong chỉ đạo điều hành của các Bộ, ngành, địa phương từ nay đến cuối năm tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể sau: Các Bộ, ngành chức năng phải nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế trong nước và ngoài nước, dự báo kịp thời các biến động của kinh tế thế giới và trong nước để đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp, giữ vững các cân đối lớn. Các bộ, ngành, địa phương tập trung hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đã ban hành, nhất là các chính sách ngăn chặn suy giảm kinh tế như thúc đẩy sản xuất kinh doanh; kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu; chính sách tài chính, tiền tệ, giải quyết việc làm... Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu. Tổ chức tốt thị trường nội địa để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng trong nước. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục vay vốn kích cầu, bao gồm: cho vay vốn lao động, vốn đầu tư phát triển, các thủ tục về hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng nhà nước, ODA, FDI. Tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm bớt dịch bệnh hại lúa, cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác phòng, chống lụt bão trong mùa hè tới; chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch ứng phó với tình hình thiên tai có thể xảy ra. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tiêu chảy cấp, cúm A (H1N1)...

Kết luận về một số nhiệm vụ trong tâm kinh tế- xã hội từ nay đến cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thị trường tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo việc chi tiêu ngân sách, theo dõi chỉ đạo tốt hoạt động ổn định và hiệu quả của thị trường chứng khoán...

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo ngăn chặn suy giảm kinh tế gắn liền với khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với chỉ đạo hỗ trợ nông dân lãi suất ưu đãi để mua máy móc, công cụ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Công thương tổ chức tốt mua lúa gạo hàng hóa của nông dân, đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Mặt khác, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là hỗ trợ, giải quyết việc làm mới cho người mất việc làm, giúp đỡ hộ nghèo ở 61 huyện nghèo, nhà ở xã hội cho học sinh, sinh viên, hộ nghèo, công nhân các khu công nghiệp,...

QUANG LIÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết