02/03/2015 - 21:39

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2015

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh

Ngày 2-3, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2/2015, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2015 và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2015, các thành viên Chính phủ đều đánh giá, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 của Chính phủ và các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán cũng như các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện sau Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào; giá cả thị trường trong và sau Tết khá ổn định, không có hiện tượng sốt giá, chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng trước đó. Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt khá, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định. Vốn ODA và FDI thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ; tình hình thu hút FDI tiếp tục đạt được những tín hiệu tích cực, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động phát triển doanh nghiệp có những tín hiệu tích cực bước đầu. Khu vực dịch vụ phát triển khá, hoạt động du lịch, du Xuân diễn ra sôi nổi; công tác tổ chức lễ hội được quan tâm chỉ đạo, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 tăng so với tháng trước.

Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được chú trọng tăng cường…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, trong đầu tháng 2, các đợt rét đậm, rét hại đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy lúa tại các tỉnh phía Bắc. Tình hình tai nạn giao thông, mặc dù đã có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng số vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vào thời điểm trong và sau Tết vẫn còn cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn…

Tại phiên họp, ý kiến của các thành viên Chính phủ cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp; huy động các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vận tải; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân; các giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; việc mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông-thủy sản; các giải pháp nhằm tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra một số vấn đề nổi lên cần phải phân tích làm rõ bản chất tại sao kinh tế tăng trưởng trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động còn lớn. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước tiến, nhưng so với yêu cầu còn chậm; số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông còn cao; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; xuất hiện tình trạng người dân trong dịp Tết vì các nguyên nhân khác nhau bất chấp luật pháp để rồi "tự xử nhau"…

Về các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tinh thần chung là các Bộ, ngành, địa phương phải phấn đấu quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nỗ lực cao nhất để đạt và vượt kế hoạch đã đề ra cho năm 2015-một năm có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trước hết cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh bởi đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Đảm bảo cung ứng đủ lao động cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các thành viên Chính phủ trong năm nay phải tạo ra bước chuyển biến thực sự và mạnh mẽ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các Bộ, ngành phải đưa ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể cải cách để đơn giản hóa thủ tục và cắt giảm thời gian làm các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng,…đi cùng với đó là phải kiểm tra giám sát quá trình thực hiện. Đồng thời, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô; giữ ổn định về tỷ giá, lãi suất; theo dõi để tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng cũng chỉ đạo kiên quyết đấu tranh, tăng cường các biện pháp phòng chống hàng lậu, hàng giả gắn với đó phải quan tâm đến nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm hàng hóa trong nước, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy nhanh đầu tư, nhất là tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm trong những tháng mùa khô này; phải huy động các nguồn lực cho đầu tư, gồm huy động nguồn vốn từ trong nước, từ đất đai, từ nguồn vốn ngoài nước...

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung mạnh vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa gắn liền với niêm yết trên thị trường chứng khoán để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong kinh tế thị trường đầy đủ. Đồng thời quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu ngân hàng, những ngân hàng hoạt động yếu kém phải sắp xếp lại, cơ cấu lại gắn với xử lý hiệu quả vấn đề về nợ xấu, không sử dụng ngân sách trong xử lý nợ xấu; đảm bảo cuối năm 2015, nợ xấu giảm xuống dưới 3%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung mạnh vào thực hiện đột phát về thể chế. Giá xăng dầu, điện, than phải theo thị trường nhưng phải công khai, minh bạch, rõ ràng. Y tế, giáo dục cũng phải tính đúng, tính đủ và người nghèo, đối tượng chính sách phải được chăm lo, phải bảo đảm được công bằng xã hội.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục tập trung tuyên truyền, chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại trong các lễ hội, trong những hoạt động văn hóa. Chăm lo tốt hơn nữa sức khỏe cho nhân dân; nhân rộng các mô hình y học công nghệ cao, kỹ thuật cao; thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; quyết liệt hơn trong xử lý tình trạng quá tải bệnh viện cũng như thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân. Không ngừng củng cố tiềm lực an ninh, quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về một số dự án Luật: Phí, lệ phí; Khí tượng thủy văn.

Thiện Thuật (TTXVN)

Chia sẻ bài viết