24/08/2020 - 09:24

Tạo việc làm để người khiếm thị tự tin sống tốt 

Nhiều năm qua, Hội Người mù TP Cần Thơ nỗ lực xây dựng các mô hình nghề phù hợp, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho hội viên. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng, nhiều hội viên người mù bỏ qua mặc cảm, phấn đấu lao động, tự làm chủ cuộc sống. Qua đó, thiết thực góp phần hỗ trợ công tác đảm bảo an sinh xã hội.

Vợ chồng anh Suôn bó chổi tại cơ sở bó chổi của Hội Người mù TP Cần Thơ.

Vợ chồng anh Suôn bó chổi tại cơ sở bó chổi của Hội Người mù TP Cần Thơ.

Khi chúng tôi đến nhà vào giữa trưa, vợ chồng anh Suôn và người em trai tên Nhu, đều là hội viên Hội Người mù, đang tích cực bó chổi. Đôi tay thoăn thoắt, nhịp nhàng trong từng thao tác chọn lựa bông cỏ, buộc tép, vô chổi, vô cán và bện đầu chổi bằng dây chì. Tính trung bình, mỗi ngày, 3 người có thể làm hoàn thành khoảng 60 cây chổi. Mỗi cây chổi hoàn thành các anh chị kiếm được 2.300 đồng tiền công. Anh Suôn quê ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cùng với 2 em ruột cũng là người khiếm thị đã gắn bó với Hội Người mù TP Cần Thơ từ năm 2001 đến nay. Được sự giúp đỡ của Hội, các anh được học và làm qua nhiều nghề: vót tăm, làm nhang, đan thảm vải, đan lục bình,… Mới mấy tháng nay, anh Suôn lập gia đình, rủ thêm bà xã đến cơ sở cùng học và làm nghề bó chổi. Vợ anh Suôn, chị Trần Thị Hồng A, quê ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Tôi học nghề chỉ trong 2 ngày là làm được. Trước khi biết đến anh Suôn và nghề bó chổi, tôi hoàn toàn sống phụ thuộc vào gia đình. Giờ có nghề, có thể tự lao động, kiếm thu nhập cùng ông xã, tôi rất vui và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn”. Tuy nhiên, nghề bó chổi hiện tại cũng làm theo mùa, thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 12 là kết thúc. Vì vậy, các anh thường phải về quê tìm việc làm khác ngoài thời gian này.

Hội Người mù TP Cần Thơ hiện có 2.598 hội viên, trong đó, có 606/1.100 hội viên trong độ tuổi lao động có việc làm và thu nhập ổn định, còn lại 435 hội viên có việc làm nhưng thu nhập không ổn định và 59 người không có việc làm. Bên cạnh hỗ trợ vốn vay từ kênh Trung ương Hội và ngân hàng chính sách xã hội địa phương, lâu nay, Hội đặc biệt quan tâm công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên. Hội duy trì cơ sở bó chổi và nỗ lực phát triển cơ sở massage tại Thành hội. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục rà soát, động viên và lập danh sách hội viên có nhu cầu học chữ Braille, học nghề để hỗ trợ kịp thời. Trong đó, Hội đặc biệt quan tâm đào tạo nghề kỹ thuật viên massage. Ngoài ra, các cấp Hội tranh thủ liên hệ, kết nối thêm nhiều kênh tiêu thụ sản phẩm chổi bông cỏ do hội viên sản xuất, giúp hội viên ổn định thu nhập.

Ông Hoàng Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Người mù TP Cần Thơ, cho biết: “Trong các mô hình nghề cho hội viên người mù, có thể nói, mô hình cơ sở massage đang đem lại hiệu quả rất tốt. Đặc biệt là một số cơ sở do tư nhân thành lập và quản lý, chỉ tuyển dụng các kỹ thuật viên người khiếm thị đã góp phần giúp nhiều người khiếm thị có thu nhập, cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Cả thành phố hiện có 8 cơ sở massage lớn nhỏ có kỹ thuật viên khiếm thị, tạo việc làm cho 65 hội viên khiếm thị. Bên cạnh đó, cơ sở bó chổi của Thành hội cũng dần được nhiều cơ quan, doanh nghiệp biết đến, ủng hộ. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở cung cấp 300 cây chổi cho Công ty Vệ sinh Bảo Quang. Và mỗi đầu năm học, nhiều đơn vị trường học đặt mua tổng số khoảng 3.000 cây chổi. Tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, cơ sở đã bán ra khoảng 1.500 cây chổi. Chúng tôi rất trân trọng sự quan tâm, tin tưởng và ủng hộ của cộng đồng, xã hội”.

Chị Nương, chủ Cơ sở massage Hoa Khai ở số 182, đường Phan Đình Phùng, cho biết: Hiện nay, cơ sở đang có 7 kỹ thuật viên, tất cả đều là người khiếm thị, được tạo điều kiện về ăn, nghỉ ngay tại cơ sở để các anh chị yên tâm làm việc. Trong các kỹ thuật viên, anh Trần Anh Tú, ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy đã làm ở cơ sở được 4 năm nay, không phải là người khiếm thị bẩm sinh. Trước đây anh bị mù do chấn thương đầu trong một vụ tai nạn giao thông, phải chuyển sang nghề bán vé số mưu sinh. Tình cờ anh biết đến Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi ở thành phố Hồ Chí Minh có dạy nghề massage, anh tự tìm đến học nghề và đã có thời gian 6 năm liên tục gắn bó với nghề này. Bên cạnh thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày từ nghề massage, anh Tú tranh thủ nhận thêm vé số để đi bán vào sáng sớm, lúc cơ sở chưa mở cửa. Nhờ vậy, anh có thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ. Còn vợ chồng anh Thạch Tài, quê ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng thì gắn bó với cơ sở 5 năm nay, ngay từ khi cơ sở mới thành lập. Anh nói: “Nhiều năm trong nghề, chúng tôi thấy nghề massage rất phù hợp với người khiếm thị. Nhờ nghề này mà chúng tôi tự lập, không trở thành gánh nặng cho gia đình và vượt qua được mặc cảm khuyết tật”. Anh Tài phấn khởi cho biết, anh hiện có hơn chục khách hàng là mối quen, hễ đến cơ sở massage là gọi điện hẹn trước. Nhờ sự tin tưởng và ủng hộ của khách, cho anh thêm niềm vui và sự lạc quan trong cuộc sống.

Ông Hoàng Quyết Thắng khẳng định: “Nhiều hội viên người mù rất siêng năng, chăm chỉ, ham học hỏi và khát khao tự làm chủ cuộc sống. Vì vậy, có được sự quan tâm, hỗ trợ từ cộng đồng, sự ủng hộ phát triển mô hình nghề nghiệp phù hợp, người khiếm thị hoàn toàn có thể sống tốt”. Lời của ông Hoàng Quyết Thắng làm chúng tôi nhớ đến mong ước giản dị và thật thà của vợ chồng anh Suôn: “Chúng tôi ráng làm chổi thật đẹp, thật chắc để mong sao ngày càng có nhiều khách hàng ủng hộ”. Còn các kỹ thuật viên massage ở Cơ sở massage Hoa Khai thì bày tỏ mong muốn dịch bệnh COVID-19 sớm qua, để hoạt động kinh doanh, dịch vụ trở lại bình thường, để các anh chị có thu nhập ổn định, đủ trang trải cuộc sống.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Chia sẻ bài viết