27/10/2015 - 20:12

Tạo hiệu ứng lan tỏa trong xây dựng nông thôn mới

Tính đến thời điểm này, TP Cần Thơ có 8/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hầu hết là các xã điểm của thành phố và của huyện. Tuy nhiên, hành trình đạt được danh hiệu xã nông thôn mới, tùy vào tình hình thực tế địa phương, mỗi xã chọn hướng đi và khâu đột phá riêng. Có thể nói, đây là những mô hình điểm, đóng vai trò dẫn dắt để các xã còn lại của thành phố học tập, rút kinh nghiệm.

Đóng vai trò dẫn dắt

Diện mạo xã nông thôn mới Thạnh Lợi hôm nay. 

Theo ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, bắt tay vào xây dựng xã văn hóa và xã nông thôn mới, Thạnh Lợi xác định việc hoàn thành các chỉ tiêu xã văn hóa cũng đồng thời với quyết tâm xây dựng thành công xã nông thôn mới. Do vậy, mức độ đạt của các chỉ tiêu về văn hóa và tiêu chí về nông thôn mới khá ổn định và có tính bền vững. Cụ thể, Thạnh Lợi vận dụng linh hoạt, sáng tạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM)", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Đền ơn đáp nghĩa - uống nước nhớ nguồn"... Nhờ đó, xã không những đạt được các chỉ tiêu về văn hóa nổi bật mà các tiêu chí về nông thôn mới cũng đạt tỷ lệ cao. Cụ thể, tiêu chí về giao thông nông thôn, toàn địa bàn có 54 km đã trải nhựa, bê tông hóa hoàn toàn. Hằng năm, xã thực hiện xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết đạt 100% chỉ tiêu; 100% nhà ở dân cư có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh và không có nhà sàn trên kênh rạch; 94,89% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Nếu năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo ở xã là 0,81% thì đến nay chỉ còn 9 hộ, chỉ chiếm 0,44% tổng số hộ.

Tại Trung An - xã điểm XDNTM của thành phố, ngành chức năng chọn phát triển sản xuất làm khâu đột phá. Ông Lâm Hồng Sững, Phó Chủ tịch UBND xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Với lợi thế đất đai màu mỡ, chủ động được nguồn nước tưới, nông dân giàu kinh nghiệm, thời gian qua chúng tôi tổ chức thực hiện các mô hình đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi quy mô vừa và nhỏ. Một số mô hình thành công có thể kể đến như: mô hình sản xuất lúa giống tại Hợp tác xã Nông nghiệp Trung An, Câu lạc bộ Hoa kiểng ở ấp Thạnh Lợi 2, "Cánh đồng lớn" ở ấp Thạnh Lộc 2, nuôi ếch quy mô 5.000-10.000 con/hộ...". Ngoài ra, Ban Xóa đói giảm nghèo của xã còn xây dựng kế hoạch phối hợp với các hội, đoàn thể hướng dẫn, hỗ trợ vốn để các hộ nghèo mua bán, sản xuất, dạy nghề, giới thiệu việc làm... Nhờ đó, số hộ nghèo của xã đến nay chỉ còn 62 hộ, chiếm 2,56%; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,55 triệu đồng/người/năm so với chuẩn nông thôn mới là 29 triệu đồng/người/năm.

Là xã "về đích" thứ 2 của huyện Phong Điền, Giai Xuân tạo điểm nhấn với công tác vận động quần chúng cùng XDNTM. Ông Huỳnh Đương Quan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, đúc kết: "Nguồn lực huy động từ nhân dân là yếu tố chính để tạo ra sự đổi thay rõ nét trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Nhưng thực tế, thu nhập, mức sống của người dân địa phương chưa cao, việc đóng góp kinh phí trước mắt có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế, đời sống của bà con, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo. Chính vì vậy, nhiệm vụ trước tiên của Ban chỉ đạo XDNTM là xác định rõ điều kiện kinh tế từng hộ, làm công tác tư tưởng để người dân thấy rõ lợi ích đi đôi với nghĩa vụ. XDNTM mục tiêu cuối cùng là vì nhân dân chứ không phải đưa ra mức đóng góp bao nhiêu. "Mưa dầm thấm lâu", người hiểu trước sẽ đi vận động người chưa hiểu. Đội ngũ đảng viên gương mẫu, tiên phong trong đóng góp XDNTM để quần chúng noi gương. Không chỉ có vậy, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải có trách nhiệm vận động họ hàng, kể cả người thân làm ăn ở nơi xa cùng hăng hái tham gia góp sức…".

Tiếp tục củng cố và nâng chất

Thực tế cho thấy, danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ là bước đầu. Do đó, để giữ vững danh hiệu này, các xã xác định tiếp tục củng cố, kiện toàn các tiêu chí đạt được. Đặc biệt là tiêu chí về giao thông, thủy lợi, môi trường, điện, cơ sở vật chất văn hóa... Đây là các tiêu chí tuy đạt nhưng tỷ lệ chưa cao và dễ bị "tuột" nếu không được quan tâm đúng mức. Theo ông Huỳnh Đương Quan, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, làm nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền giữ vai trò định hướng còn người dân mới đóng vai chính trong việc hoàn thành các tiêu chí. Hiện Giai Xuân tập trung củng cố và nâng chất các tiêu chí theo hướng bền vững. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, hoa màu, đóng góp kinh phí làm đường giao thông, thủy lợi... Ngoài ra, xã tập trung phát triển sản xuất thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: phát triển vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái; mô hình "Cánh đồng lớn"; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...

Không chỉ chính quyền địa phương mà người dân-chủ thể chính trong quá trình XDNTM cũng quyết tâm giữ vững những kết quả đạt được. Ông Phạm Quốc Chiến, người dân ấp C2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, bộc bạch: "Qua thời gian được ngành chức năng vận động, tuyên truyền, chúng tôi đã hiểu được lợi ích của việc xây dựng xã văn hóa và xã nông thôn mới. Do đó, để giữ vững danh hiệu này, chúng tôi sẽ tiếp tục cùng người thân và cộng đồng phát huy tốt vai trò tự quản; giữ gìn cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp-an toàn; đóng góp sức người, sức của cùng chính quyền địa phương nâng cấp các thiết chế văn hóa, các tiêu chí về nông thôn mới". Ông Lâm Hồng Sững, Phó Chủ tịch UBND xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Thời gian tới, sản xuất nông nghiệp của xã chuyển dịch theo hướng nông nghiệp hiệu quả cao, an toàn vệ sinh dịch bệnh. Để đạt được mục tiêu này, xã cần sự tiếp sức từ thành phố và huyện trong việc thực hiện các dự án liên kết bao tiêu trên cây màu và trong chăn nuôi đối với quy mô nông hộ. Đồng thời mở các dịch vụ đầu mối (nâng cấp bến ghe tàu, đầu tư bến xe tải) để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản".

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình XDNTM TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Có được kết quả ngày hôm nay là do sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội. Công tác chỉ đạo thống nhất, tập trung, đồng bộ và quyết liệt trong việc đề ra các giải pháp khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện. Đây là bài học kinh nghiệm cho các huyện và các xã XDNTM trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, các xã không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, mỗi địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu, đồng thuận từ đó phát huy đúng và đủ vai trò chủ thể của họ trong XDNTM. Đối với việc thực hiện các tiêu chí, hằng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM huyện tổ chức kiểm tra tiến độ việc thực hiện các tiêu chí chưa đạt, đánh giá lại các tiêu chí đã đạt từ đó có hướng hỗ trợ và chỉ đạo kịp thời...".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết