02/12/2017 - 18:41

Tạo đột phá cho du lịch Việt Nam 

Nghị quyết  08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (gọi tắt là Nghị quyết 08) là quyết sách cho sự phát triển du lịch Việt Nam. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành, triển khai Nghị quyết này cùng Chương trình hành động của Chính phủ, Kế hoạch hành động của Bộ VHTT&DL; đồng thời, lắng nghe kiến nghị của các địa phương.

Quyết sách cho phát triển du lịch Việt Nam

Nghị quyết 08-NQ/TW ra đời mang ý nghĩa lịch sử khi khẳng định vị thế mới của du lịch trong nền kinh tế và đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết riêng về du lịch với nội dung phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tát mương bắt cá là hoạt động được du khách yêu thích khi đến ĐBSCL. Trong ảnh: Du khách tát mương bắt cá tại Homestay Út Trinh, Vĩnh Long. Ảnh: KIỀU MAI

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Du lịch Việt Nam cần thu hút từ 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 35 tỉ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Ðổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Cơ cấu lại ngành du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện thể chế, chính sách; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; Tăng cường xúc tiến, quảng bá; Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; Phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

Nhiệm vụ của Nghị quyết 08, Chương trình hành động của Chính phủ nêu rõ, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cần tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết; đặc biệt là quan điểm mới của Đảng về bản chất của ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng; vị trí, vai trò động lực của ngành du lịch thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Chương trình hành động của Chính phủ cũng đề ra các giải pháp triển khai các nhiệm vụ về xúc tiến quảng bá, bảo đảm môi trường du lịch, đào tạo nhân lực và quản lý nhà nước về du lịch.

Đề xuất nhiều vấn đề cấp bách

Tại Hội nghị, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố đều thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Nghị quyết 08 đối với sự phát triển du lịch trong giai đoạn mới; khẳng định vai trò và vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương; đồng thời đề xuất nhiều vấn đề cấp bách.

Đầu tư cho sản phẩm du lịch, đặc biệt là các vùng sâu, khó khăn có loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trách nhiệm gắn với bảo vệ môi trường  đang được ngành du lịch quan tâm. Trong ảnh: Làng nghề làm nón tại  cù lao Tân Phong (Tiền Giang) là điểm trải nghiệm thu hút du khách. Ảnh: KIỀU MAI

Ông Phan Văn Đa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nói: “Bộ VHTT&DL cần sớm điều chỉnh chiến lược, quy hoạch du lịch quốc gia để tạo cơ sở điều chỉnh phù hợp đối với quy hoạch vùng và địa phương. Nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; xây dựng khung chương trình đào tạo nhân lực du lịch chuẩn quốc tế, nâng cao tính thực hành; đề ra các quy định cụ thể về tổ chức, quản lý du lịch mạo hiểm”. Riêng với khu vực Tây Nguyên và Lâm Đồng, lãnh đạo địa phương đề xuất Bộ VHTT&DL và bộ, ngành hữu quan nghiên cứu để có cơ chế đảm bảo hài hòa việc quy hoạch khu du lịch với việc bảo vệ rừng.

Đồng quan điểm, ông Hà Văn Thắng- Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai, cho rằng: “Việc quy hoạch từng vùng miền là rất cần thiết để tránh chồng chéo các sản phẩm du lịch, đồng thời phát huy được bản sắc văn hóa của mỗi địa phương. Cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đầu tư phát triển du lịch là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu tiên cho một số khu vực khó khăn, hoặc có đặc thù như phát triển du lịch gắn với cộng đồng, du lịch có trách nhiệm gắn với bảo vệ môi trường”.

Trong khi đó, ông Lã Quốc Khánh- Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đặt vấn đề về việc xây dựng sản phẩm du lịch phải gắn với thị trường, cần quan tâm đến đầu tư hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông gắn với đường hàng không, đường thủy. Đại diện An Giang, ông Nguyễn Văn Lên- Giám đốc Sở VHTT&DL, đề xuất cần có chính sách hỗ trợ chung cho ĐBSCL, nhất là các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông đường hàng không, đường thủy. Ngoài ra nên cân nhắc đến việc thành lập cảnh sát du lịch để chế tài các vi phạm, do ngành du lịch có tính tổng hợp liên ngành nên việc chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong thời gian qua rất khó khăn.

Các đại biểu cũng đề xuất các ý kiến liên quan tới các vấn đề như: Cơ cấu lại ngành du lịch; sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch 2017; ban hành các chính sách đặc thù để phát triển du lịch, trong đó có chính sách ưu đãi đầu tư, thuế…; hỗ trợ địa phương  thu hút các nhà đầu tư chiến lược; đổi mới cơ chế tài chính nhằm tạo thuận lợi cho xúc tiến quảng bá; củng cố tổ chức bộ máy quản lý về du lịch ở địa phương để đảm bảo năng lực phát triển…

Ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết:  Bộ VHTT&DL đã có Kế hoạch hành động theo Quyết định số 4215/QĐ-BVHTTDL, ngày 9-11-2017, xác định cụ thể 15 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, 12 nhiệm vụ thuộc về Tổng cục Du lịch, 3 nhiệm vụ còn lại chia đều cho Tổng cục Thể dục thể thao, Cục Hợp tác Quốc tế, Vụ Đào tạo. Đơn vị cũng đã trình Chính phủ xem xét, thông qua Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch 2017. Bộ sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của luật này.

Theo đó, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành du lịch sẽ tập trung nguồn lực cơ chế chính sách, tài chính và con người; cơ cấu lại sản phẩm, thị trường; phát triển nguồn nhân lực. Với nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, sẽ ban hành những chính sách ưu đãi về thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch; thành lập và có cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Riêng việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, ngày 23-11, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1861/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016- 2020. Đây cơ sở quan trọng giúp phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, thu hút đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, đơn vị hữu quan để tìm giải pháp, tháo gỡ những khó khăn của ngành cũng như ở các địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Vĩnh Ái- Thứ trưởng Bộ VHTT&DL đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đề nghị Tổng cục Du lịch tiếp tục rà soát, tổng hợp các ý kiến để tiếp tục đưa vào các đề án, nhiệm vụ của ngành. Thứ trưởng nhấn mạnh, cơ chế, chính sách phát triển du lịch về cơ bản đã được hoàn thiện, điều quan trọng nhất là hành động của cả ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, thời gian qua du lịch tăng trưởng vượt bậc, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trong 11 tháng qua, Việt Nam đã đón khoảng 11,7 triệu lượt khách quốc tế, dự kiến sẽ chạm mốc 12,8 triệu lượt vào cuối năm nay. Năm 2017, dự kiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng khoảng 28% so với năm 2016 và tăng gần 60% so với năm 2015. Bộ trưởng cho rằng du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn và cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rút ngắn khoảng cách, bắt kịp với các nước phát triển về du lịch trong khu vực.

ÁI LAM

Chia sẻ bài viết