16/01/2016 - 15:54

Tạo đà phát triển

Năm qua, ngành giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành; lập các quy hoạch chuyên ngành giao thông, đầu tư xây dựng cơ bản giao thông, quản lý vận tải, phương tiện… đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

* Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu cơ bản

Năm 2015, ngành GTVT TP Cần Thơ đạt được những kết quả đáng kể trong thực hiện các nhiệm vụ, nhiều chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch. Đặc biệt, công tác xây dựng cơ bản được ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt; các dự án đã thi công hoàn thành đưa vào khai thác, như: đoạn đường kết nối cổng ra vào bến xe Khu đô thị Nam Cần Thơ với đường dẫn cầu Cần Thơ, đường Thới Thuận - Thạnh Lộc (giai đoạn 2); dự án Mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành; kết quả giải ngân vốn đạt 140,57% kế hoạch vốn giao năm 2015.

TP Cần Thơ luôn quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong ảnh: Đường Thới Thuận - Thạnh Lộc (giai đoạn 2) vừa hoàn thành đưa vào sử dụng gần đây.

Bên cạnh đó, ngành GTVT thành phố đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch chuyên ngành giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Trong đó, Quy hoạch điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT TP Cần Thơ đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 3522/QĐ-UBND ngày 24-11-2015 của UBND thành phố. Quy hoạch chi tiết mạng lưới bến bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2030 - Sở GTVT đã trình UBND thành phố phê duyệt tại Tờ trình số 648/TTr-SGTVT ngày 27 tháng 11 năm 2015. Đơn vị tư vấn đang hoàn thiện báo cáo quy hoạch và sẽ trình phê duyệt "Chiến lược đảm bảo an toàn giao thông TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch Tổng thể GTVT đô thị TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" vào quý I/2016… Ngoài ra, còn có các quy hoạch đang triển khai thực hiện, như: Quy hoạch mạng lưới đường thủy nội địa TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển giao thông nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới…

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải tiếp tục được ngành tăng cường. Việc chấp hành pháp luật về kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng xe được đẩy mạnh góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, góp phần lập lại kỷ cương trong hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm… Năm 2015, toàn thành phố vận chuyển hàng hóa ước hơn 933 triệu tấn (đạt 103,44% so với cùng kỳ năm trước), vận chuyển hành khách hơn 12,28 triệu lượt hành khách (đạt 105,87% so với cùng kỳ năm trước)...

* Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông cũng được ngành GTVT tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Từ đó, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường, tình trạng hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông được khắc phục kịp thời. Đồng thời, việc triển khai hoạt động của Quỹ bảo trì đường bộ đã góp phần đáp ứng yêu cầu nguồn vốn duy tu bảo dưỡng các hạng mục công trình cấp bách. Năm 2015, TP Cần Thơ được Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương phân bổ hơn 19 tỉ đồng và đầu tư duy tu, sửa chữa 3 hạng mục công trình: đường tỉnh 918 (đoạn từ đầu tuyến đến cầu Ngã Tư), đường tỉnh 923 (đoạn từ đầu tuyến đến cầu Rau Răm), đường tỉnh 923 (đoạn từ Phong Điền đến Ba Se).

Năm 2015, Sở GTVT TP Cần Thơ phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng phát triển giao thông nông thôn. Ngoài ra, Sở GTVT còn phối hợp với UBND các huyện tham mưu UBND thành phố triển khai xây dựng các cầu giao thông nông thôn do Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ ở huyện Thới Lai và huyện Phong Điền với tổng kinh phí khoảng 22 tỉ đồng, gồm 62 cầu, sẽ thi công hoàn thành trong tháng 1-2016. Đồng thời, kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam danh sách xây dựng các cầu dân sinh thuộc Dự án Quản lý tài sản địa phương vay vốn của Ngân hàng Thế Giới gồm 33 cầu, với tổng kinh phí khoảng 32 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thanh Vũ, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Phong Điền, cho biết: Huyện Phong Điền có 23 cầu giao thông nông thôn do Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tài trợ. Địa phương sẽ thi công hoàn thành và quyết toán trong tháng 1-2016. Ngoài ra, Phong Điền cũng kiến nghị thành phố sớm triển khai xây dựng đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn từ Khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung đến Phong Điền) và cầu Tây Đô để thúc đẩy địa phương phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới…

Năm 2015, thành phố xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa được 338,5 km đường giao thông nông thôn (đạt 118% so với kế hoạch năm 2015 và 122% so với năm 2014); xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 414 cầu giao thông nông thôn (đạt 127% so với kế hoạch năm 2015 và 116% so với năm 2014). Kinh phí thực hiện giao thông nông thôn năm 2015 hơn 429,6 tỉ đồng (đạt 121% so với kế hoạch năm 2015 và 146% so với năm 2014), trong đó ngân sách Nhà nước hơn 270 tỉ đồng, nhân dân đóng góp hơn 135 tỉ đồng và còn lại là doanh nghiệp và các tổ chức đóng góp.

* Tạo đà phát triển

Năm 2016, ngành GTVT thành phố xác định: tiếp tục tập trung sớm hoàn thành các quy hoạch chuyên ngành giao thông; quan tâm công tác xây dựng cơ bản giao thông; quản lý vận tải, phương tiện và người lái; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (xe buýt)...

Trong xây dựng cơ bản, Sở GTVT thành phố sẽ phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan thực hiện các dự án giao thông liên kết vùng qua TP Cần Thơ, như: nâng cấp cải tạo quốc lộ 91B gắn với dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 91 (đoạn từ Km14-Km50+889) theo hình thức BOT; tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; cầu Vàm Cống; đường từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến Cảng Cái Cui; mở rộng quốc lộ 91 (đoạn từ Km0-Km7). Ngoài ra, Sở GTVT tập trung chỉ đạo hoàn thành dự án mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui; triển khai thủ tục đầu tư các dự án đường tỉnh 917, đường tỉnh 918, đường tỉnh 921 (tuyến thẳng từ Thốt Nốt đến cầu Ngã Tư). Xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án theo hình thức PPP như: đường tỉnh 923 (đoạn Phong Điền - Ba Se - quốc lộ 91), bao gồm cả cầu Vàm Xáng và đường nối đường Nguyễn Văn Cừ với đường Vị Thanh - Cần Thơ, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.300 tỉ đồng; tuyến nối quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu... Đối với vận tải hành khách công cộng, thành phố dự kiến mở thêm 1-2 tuyến (tuyến bãi xe đi Nguyễn Văn Cừ - quốc lộ 91 - Nguyễn Văn Linh - IC4); nâng cấp, sửa chữa trạm dừng, nhà chờ xe buýt trên các tuyến hoạt động…

Ngành GTVT cũng xây dựng kế hoạch xây dựng phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2016. Trong đó phấn đấu xây dựng mới, nâng cấp và sửa chữa 322 km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 313 cầu giao thông nông thôn; kinh phí thực hiện hơn 416 tỉ đồng. Phấn đấu hoàn thành thêm 5 xã đạt tiêu chí giao thông (nâng tổng số xã đạt tiêu chí giao thông lên 21/36 xã) gồm: xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền), xã Trường Xuân A và Thới Thạnh (huyện Thới Lai ), xã Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ), xã Thạnh Mỹ (huyện Vĩnh Thạnh).

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phải đi trước để tác động phát triển đến các ngành khác. Thành phố đã đề nghị Trung ương đầu tư các công trình giao thông mang tính chất liên kết vùng, ngành GTVT phải phối hợp với tốt với các bộ, ngành Trung ương triển khai những dự án quan trọng trên địa bàn TP Cần Thơ. Năm 2016, thành phố cũng triển khai xây dựng tuyến Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn từ Khu Di tích lịch sử Lộ Vòng Cung đến Phong Điền) kinh phí khoảng 300 tỉ đồng, các công trình cầu và đường Trần Hoàng Na, một bên cầu Quang Trung... Đồng thời, ngành GTVT sớm hoàn thành các quy hoạch chuyên ngành giao thông trong năm 2016; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Ngoài ra, tập trung quyết liệt các giải pháp giảm tai nạn giao thông trên cả 3 mặt; quan tâm đến các điểm ùn tắc giao thông và nghiên cứu các giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc; tăng cường kiểm tra và tập trung các nguồn lực để duy tu, sửa chữa kết cấu giao thông đường bộ, đường thủy; phối hợp với các quận, huyện phát triển hệ thống giao thông nông thôn...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết