Dự án "Tăng cường tác động của cải cách hành chính (CCHC) tại TP Cần Thơ" nhắm tới sự chuyển biến mang tính bứt phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức ở địa phương, thông qua các bước của quá trình từ sử dụng, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức
theo vị trí việc làm. Những thay đổi này góp phần gián tiếp trong việc cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, được phản ánh thông qua các Chỉ số như PCI (Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (Chỉ số Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh), PAR INDEX (Chỉ số CCHC)

Người dân làm thủ tục tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND huyện Thới Lai.
Dự án "Tăng cường tác động của CCHC tại TP Cần Thơ", với cơ quan thực hiện là Sở Nội vụ thành phố; chủ Dự án là UBND TP Cần Thơ. Dự án này được triển khai thực hiện từ tháng 1-2013 đến tháng 12-2016, do UNDP tài trợ, với tổng kinh phí hơn 930 triệu USD và được thực hiện theo cơ chế Quốc gia điều hành Dự án đã được thống nhất giữa Chính phủ Việt Nam và UNDP. Mục tiêu của Dự án là chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) ở TP Cần Thơ được cải thiện một cách căn bản; chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức ở các cấp của thành phố qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông được cải thiện căn bản.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực của UNDP, Chính phủ Việt Nam và cam kết thực hiện CCHC của lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, Dự án đang trong giai đoạn kết thúc các hợp phần chính. Dự án bao gồm: Hợp phần 1 (Chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCCVC của TP Cần Thơ được cải thiện một cách căn bản) và Hợp phần 2 (Chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức ở TP Cần Thơ qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông được cải thiện căn bản).
Ô Môn là một trong 5 quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ được triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và phần mềm dùng chung hỗ trợ hoạt động của Bộ phận một cửa, một cửa liên thông (sản phẩm thuộc Hợp phần 2). Sau thời gian triển khai thực hiện, các phần mềm này đã phát huy hiệu quả tích cực, phục vụ đắc lực cho công tác CCHC, nhất là trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho công dân. Ông Huỳnh Ngọc Thuần, Trưởng phòng Nội vụ quận Ô Môn, cho biết: "Thời gian qua, công tác giải quyết các hồ sơ hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND quận và UBND các phường trên địa bàn thực hiện tốt. Số hồ sơ trễ hạn rất ít, sự hài lòng của người dân cao. Đạt được điều đó, ngoài sự nỗ lực của địa phương còn do các phần mềm của Dự án "Tăng cường tác động của CCHC ở thành phố" mang lại".
Đến nay, Dự án đã cho ra đời sản phẩm Hệ thống quản lý CBCCVC trực tuyến và triển khai tại 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Là một trong những địa phương được thụ hưởng từ những sản phẩm của Dự án, ông Trần Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Châu Văn Liêm (quận Ô Môn), cho biết: "Hiện nay, UBND phường đang áp dụng Phần mềm quản lý hồ sơ hành chính; trong đó, số lượng thủ tục hành chính thực tế tại đơn vị: 148 thủ tục; số lượng thủ tục hành chính được đăng tải trên phần mềm: 139 thủ tục và số lượng hồ sơ tiếp nhận trên phần mềm/số lượng hồ sơ tiếp nhận thực tế: 148/2.711 (hồ sơ chứng thực bản sao và hồ sơ văn phòng không nhập vào phần mềm); áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Theo đó, số thủ tục hành chính đã được áp dụng theo quy trình ISO là 111 thủ tục; số thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian thực hiện khi xây dựng quy trình ISO: 111 thủ tục.
Gần 4 năm thực hiện, các dấu hiệu tác động của Dự án là rất rõ ràng và tất cả các kết quả đều hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính, tăng cường trao đổi và quản lý thông tin, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điển hình như trước khi thực hiện Dự án thì việc lưu giữ hồ sơ CBCCVC, quản lý, tổng hợp, thống kê tài liệu, văn bản, hồ sơ liên quan đến công tác tuyển dụng, quản lý và sử dụng CBCCVC tại một số cơ quan, đơn vị còn thiếu khoa học, dẫn đến kém hiệu quả khi sử dụng, khai thác. Hồ sơ lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị tuy được thực hiện khá đầy đủ nhưng lưu giữ tản mạn, không theo chuyên đề, không tập hợp vào hồ sơ; hoặc lưu giữ chưa đầy đủ do bị thất lạc nhưng chưa được khôi phục lại, việc chuyển hồ sơ gốc khi CBCCVC thay đổi nơi công tác chưa đầy đủ
Sau khi thực hiện Dự án, bên cạnh việc thực hiện lưu giữ hồ sơ CBCCVC tại cơ quan, hình thức lưu trữ hồ sơ trực tuyến trên môi trường mạng đã được triển khai, tạo nhiều thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng thông tin về CBCCVC. Hệ thống phần mềm yêu cầu dữ liệu thông tin đầu vào rất chi tiết và đầy đủ đối với các thông tin về nhân thân của CBCCVC. Vì vậy, có thể hạn chế việc thất lạc hay mất thông tin cá nhân trong quá trình lưu trữ
Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Ban QLDA tăng cường tác động CCHC TP Cần Thơ, cho biết: Các kết quả đầu ra và kết quả đạt được của Dự án đã có tác động lớn. Các nỗ lực của Dự án không vì mục đích tự thân của CCHC mà hướng vào việc tạo ra các chuyển biến tích cực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ. Ở địa phương, công chức có vai trò quyết định đối với chất lượng và tác động của việc cụ thể hóa, điều chỉnh, bổ sung chính sách và pháp luật của Nhà nước cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nơi. Cải cách đội ngũ công chức sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực về môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân. Công chức, nhất là công chức ở cấp gần dân nhất đóng vai trò quyết định trong việc đáp ứng các dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức thông qua cơ chế cung cấp dịch vụ một cửa, một cửa liên thông. Những thay đổi mà Dự án nhắm tới là nhằm tạo sự chuyển biến mang tính bứt phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức ở địa phương thông qua các bước của quá trình từ sử dụng, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức
theo vị trí việc làm.
Cũng theo ông Phạm Việt Trung, với những kết quả đem lại thiết thực của Dự án sẽ góp phần gián tiếp trong việc cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh ở địa phương được phản ánh thông qua các chỉ số như PCI, PAPI, PAR INDEX
trong thời gian qua. Chỉ số PAR INDEX của thành phố luôn nằm trong nhóm Tốt nhất cả nước. Cụ thể, Chỉ số PAR INDEX năm 2012 là 12/63, năm 2013 vươn lên xếp thứ 8/63, năm 2014 bứt phá đạt hạng 5/63, năm 2015 tiếp tục giữ ổn định ở hạng 5/63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Cần Thơ cũng có cải thiện đáng kể đối với Chỉ số PAPI. Năm 2012, Chỉ số PAPI của thành phố xếp hạng 30/63; năm 2013, hạng 25/63; năm 2014, hạng 55/63. Đến năm 2015, Chỉ số này đã được cải thiện vượt bậc với kết quả Cần Thơ vươn lên vị trí thứ 2/63. Tương tự như vậy, Chỉ số PCI cũng luôn được cải thiện qua từng năm. Chỉ số PCI của thành phố luôn xếp trong nhóm tốt trong các tỉnh, thành cả nước: Năm 2011 (62,66 điểm, hạng 16), năm 2012 (60,32 điểm, hạng 14), năm 2013 (61,46 điểm, hạng 9), năm 2014 (59,94 điểm, hạng 15) và năm 2015 (59,81 điểm, hạng 14)
Bài, ảnh: Chấn Hưng