26/06/2014 - 21:18

Lược ghi tham luận tại hội thảo khoa học: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL: 30 năm nhìn lại”

Tăng vốn đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp

Ths. Lê Tung Tuyến
Đại học Kinh tế - Luật - Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh

Những năm qua, hệ thống ngân hàng đã tích cực đẩy mạnh công tác hỗ trợ an sinh xã hội (ASXH), xóa đói, giảm nghèo đối với các khu vực khó khăn vùng ĐBSCL. Nhờ đó nhiều huyện, xã nghèo đã cơ bản xóa hết nhà tạm cho các hộ nghèo, đời sống văn hóa, tinh thần của hộ nghèo được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Song, hoạt động tín dụng đối với khu vực còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn tín dụng chưa đáp ứng được hết nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng. Để thúc đẩy CNH - HĐH nông nghiệp và nông thôn cả nước nói chung, ở ĐBSCL nói riêng, cần tập trung một số giải pháp về tín dụng:

- Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành: Cần có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực chế biến sản phẩm; khuyến khích việc hình thành các chợ bán buôn nông sản hàng hóa. Chính phủ cần chỉ đạo tăng vốn đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp, thiết lập hệ thống thông tin về thị trường, giá cả, dự báo giúp nông dân và doanh nghiệp có hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đồng thời xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành Nghị định về chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng yên tâm đưa vốn về nông thôn. Tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ trực tiếp tài chính, tín dụng trong những trường hợp đặc biệt, như khắc phục hậu quả thiên tai, phát triển vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Nguồn tài chính cần cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới là rất lớn, trong khi nguồn lực trong nước có hạn, vì vậy chúng ta cần nghiên cứu, có chính sách thu hút và mở rộng qui mô hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô trong nước và quốc tế để mở rộng cho vay hộ sản xuất, hộ nghèo; tạo cầu nối giữa tín dụng chính thức và phi chính thức.

- Đối với cấp ủy Đảng và chính quyền các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL: cần hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, như: vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao, vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy hải sản, khu chăn nuôi tập trung… tạo môi trường đầu tư thuận lợi giúp ngân hàng có điều kiện mở rộng đầu tư. Bên cạnh việc đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân khu vực nông thôn, UBND các tỉnh, thành cần có kế hoạch, triển khai phát triển đồng bộ thị trường phục vụ sản xuất nông - thủy sản, trước tiên là thị trường cung ứng đầu vào, phát triển hệ thống các cơ sở sản xuất giống tập trung quy mô lớn phục vụ sản xuất; khuyến khích đầu tư, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông - thủy sản trong nước và xuất khẩu, tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao và ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất cho bà con nông dân, giúp cho ngành ngân hàng có điều kiện mở rộng và tăng suất đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cần có quy hoạch rõ ràng, lâu dài và phù hợp với điều kiện tự nhiên xã hội của địa phương mình, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư ở mọi thành phần kinh tế trong nước cũng như nước ngoài yên tâm đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh….

P.N (lược ghi)

Chia sẻ bài viết