26/12/2010 - 11:05

Bà Ngô Thị Thanh Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ:

Tăng cường tuyên truyền, khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

 

Bà Ngô Thị Thanh Nga, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP Cần Thơ, cho biết như trên trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh. Bà Nga cho biết:

Theo kết quả tổng điều tra dân số vào tháng 4-2009, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của cả nước (số trẻ em trai trên số trẻ em gái) là 110, thì ở TP Cần Thơ là 114 (bình thường tỷ lệ này là 103 - 107 ). Vì vậy, TP Cần Thơ đang trong thời kỳ báo động mất cân bằng giới tính khi sinh, cụ thể là gia tăng trẻ em trai. Đến cuối tháng 11-2010, theo số liệu của Chi cục, TSGTKS ở TP Cần Thơ là 108. So với cả nước, tỷ số này chưa phải là quá cao, mới vượt qua ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, ở một số quận, huyện TSGTKS cao như quận Ninh Kiều 111, huyện Phong Điền 122, quận Cái Răng 120, huyện Vĩnh Thạnh 117.

* Thưa bà, vì sao có tình trạng gia tăng số trẻ em trai so với trẻ em gái ? Việc gia tăng này ảnh hưởng như thế nào đến đời sống xã hội?

-Theo kết quả tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tình trạng tăng số trẻ em trai so với số trẻ em gái ở Việt Nam có thể do các nguyên nhân sau: tâm lý thích con trai, có con trai để nối dõi tông đường; các cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu chẩn đoán giới tính thai nhi nên một số phụ nữ đã nạo phá thai khi biết thai là con gái. Theo các chuyên gia dân số, do tình trạng phụ nữ phá thai vì giới tính của thai nhi không như mình mong muốn nên Việt Nam bị liệt vào danh sách một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Trung bình, mỗi phụ nữ ở Việt Nam nạo phá thai 2,5 lần trong đời. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, ở ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, tâm lý thích con trai không phổ biến. Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng dù thích con trai nhưng khi siêu âm phát hiện thai là con gái thì vẫn giữ thai. Chúng tôi chưa thấy trường hợp chấm dứt thai kỳ vì thai là con gái, nhưng cũng không thể khẳng định hoàn toàn không có. Từ trước đến nay, công tác dân số tập trung vào thực hiện mục tiêu giảm sinh nên chưa quan tâm, đi sâu điều tra, tìm hiểu để xác định rõ nguyên nhân gia tăng số trẻ em trai.

Thừa nam, thiếu nữ sẽ dẫn đến mất cân bằng trong đời sống, tâm lý, tình cảm của mỗi gia đình, xã hội. Hậu quả tất yếu nhiều đàn ông sẽ mất quyền làm chồng, làm cha. Đáng nói, tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn khi một số phụ nữ có xu hướng lấy chồng người nước ngoài. Ở ĐBSCL và TP Cần Thơ, tình hình phụ nữ lấy chồng người nước ngoài rất đáng lo ngại. Nghiêm trọng hơn, mất cân bằng về giới sẽ khiến tình trạng buôn bán phụ nữ, bạo lực về giới và gia tăng nạn mại dâm.

* Thưa bà, thời gian tới, Chi cục sẽ triển khai các biện pháp nào để góp phần hạn chế tình trạng mất cân bằng về giới này ?

- Đây là vấn đề khá phức tạp, không thể giải quyết một sớm một chiều, vì vậy phải sử dụng nhiều biện pháp can thiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông giáo dục người dân thay đổi hành vi, con gái hay con trai đều đáng quí như nhau. Tổng cục DS - KHHGĐ ban hành Công văn số 935/TCDS- TTr ngày 15-11-2010 về việc tăng cường công tác kiểm tra xuất bản phẩm có nội dung vi phạm Pháp lệnh Dân số. Cụ thể là kiểm tra, thanh tra các xuất bản phẩm có nội dung phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi. Chúng tôi đã triển khai văn bản này đến Trung tâm DS-KHHGĐ các quận, huyện nhằm triển khai rộng rãi đến xã, phường, thị trấn.... Song song đó, phối hợp các cơ quan hữu quan kiểm tra các cơ sở y tế, đảm bảo giữ bí mật giới tính thai nhi khi siêu âm và giám sát việc nạo phá thai. Theo thông tin từ Tổng cục DS-KHHGĐ, năm 2011 TP Cần Thơ được đầu tư kinh phí triển khai đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện đề án này.

Về chuyên ngành dân số, chúng tôi cũng chỉ đạo đội ngũ cộng tác viên báo cáo chính xác trẻ mới sinh là trai hay gái để nắm lại tình hình mất cân bằng giới tính ở TP Cần Thơ thực sự tới mức nào ở thời điểm cuối năm 2010. Sau đó, chúng tôi sẽ đối chiếu với kết quả điều tra biến động dân số từ Cục Thống kê TP Cần Thơ. Trước đây, do một số cộng tác viên dân số chủ quan chỉ nghe thông tin về giới tính của em bé, chứ không tận mắt nhìn thấy rồi về báo cáo dẫn đến số lượng thống kê trẻ em trai và trẻ em gái mới sinh chưa được chính xác.

* Xin cám ơn bà!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết