11/06/2009 - 07:42

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII:

Tăng cường quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm

* Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức kinh doanh của người sản xuất kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng

Ngày 10-6, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm”.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Đặng Vũ Minh trình bày báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm cho biết: Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chuyên đề này đã làm việc tại 10 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; làm việc với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; xem xét báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 61 báo cáo giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (CLVSATTP)

Về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng an toànn vệ sinh thực phẩm từ 2004-2008, Ủy ban Thường vụ QH đánh giá: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CLVSATTP được ban hành với số lượng lớn tạo hành lang pháp lý để kiểm soát CLVSATTP, bước đầu đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về vấn đề này. Bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP đang từng bước được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương; thanh tra chuyên ngành VSATTP được hình thành tại Trung ương và đang triển khai thành lập ở cấp tỉnh; bước đầu hình thành được mạng lưới kiểm nghiệm CLVSATTP với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về VSATTP bước đầu tạo sự chuyển biến đối với nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng. Công tác quản lý và bảo đảm CLVSATTP có tiến bộ rõ rệt: một số nông sản, thực phẩm chủ lực như lúa gạo, ngô... cơ bản đáp ứng yêu cầu VSATTP.

Tuy nhiên, việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CLVSATTP còn khó khăn do số lượng văn bản quá nhiều; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu. Việc chuyển đổi và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về VSATTP còn chậm. Tổ chức bộ máy cơ quan chuyên ngành quản lý CLVSATTP chưa hoàn thiện, lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra, kiểm tra CLVSATTP còn thiếu và phân tán ở nhiều bộ, ngành.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CLVSATTP nhiều nhưng chưa có văn bản có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh toàn diện các vấn đề về quản lý CLVSATTP nên việc đồng thời phải áp dụng 337 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để quản lý CLVSATTP từ sản xuất đến tiêu dùng rất khó khăn...

Các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích 5 nhóm nội dung chính về: hệ thống chính sách pháp luật hiện hành liên quan tới VSATTP; tổ chức thực hiện (kết quả, tồn tại và nguyên nhân); tổ chức bộ máy chuyên môn, bộ máy chuyên trách thanh tra VSATTP; vấn đề xã hội hóa trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kiến nghị, giải pháp tổ chức thực hiện tạo sự chuyển biến rõ nét trong thời gian tới. Nhiều ý kiến phân tích cho rằng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ kiểm tra nhà nước về CLVSATTP còn thiếu và lạc hậu; trình độ cán bộ chuyên môn và năng lực phân tích của các phòng thử nghiệm trong nước còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược quản lý CLVSATTP... Nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước cần có hệ thống chế tài đủ mạnh, có tác dụng răn đe, phòng ngừa đối với các hành vi gây tổn hại đến sức khỏe người dân.

* Chiều 10-6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường thảo luận Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Phiên họp này đã có 34 đại biểu QH phát biểu ý kiến thảo luận, bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo giám sát. Nhiều đại biểu lo lắng về tình trạng chất lượng thực phẩm hiện nay, gây bất an cho người tiêu dùng. Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội đã đưa ra những con số báo động về thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trong khi đó công tác quản lý ATVSTP chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện, hiệu lực pháp lý chưa cao, thiếu bộ máy chuyên nghiệp, quản lý ATVSTP còn chồng chéo... Hậu quả là người dân vẫn phải sử dụng thực phẩm kém chất lượng, bảo quản bằng hóa chất độc hại đe dọa sức khỏe, tính mạng.

Các đại biểu đề nghị sớm nghiên cứu hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng ATVSTP trong công đoạn sản xuất nguyên liệu, sơ chế, chế biến thực phẩm đối với Bộ Nông nghiệp - PTNT, Bộ Công thương; Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATVSTP theo hướng nâng cấp Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành Tổng cục thuộc Bộ Y tế đủ năng lực, đủ thẩm quyền để quản lý VSATTP đối với thực phẩm từ sau công đoạn sơ chế, chế biến đến tiêu dùng và thực phẩm nhập khẩu như mô hình của một số nước hiện nay trên thế giới. Cần phân công rõ trách nhiệm và có cơ chế phối hợp giữa các Bộ có liên quan ở những khâu có sự đan xen giữa các công đoạn để bảo đảm quản lý chất lượng ATVSTP theo chuỗi thực phẩm. Phân cấp mạnh cho địa phương đồng thời với việc đầu tư nguồn lực để bảo đảm hiệu quả quản lý trong một số hoạt động, nhất là phân cấp trong việc cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, kiểm nghiệm, thử nghiệm,...

Cuối phiên họp, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, cơ quan đầu mối chủ trì về quản ý Nhà nước về ATVS thực phẩm đã phát biểu cám ơn QH dành thời gian giám sát chuyên đề này trong thời gian qua, góp ý trực tiếp qua phiên họp này. Chính phủ tán thành cơ bản với báo cáo giám sát; cám ơn ý kiến phát biểu thẳng thắn của các đại biểu QH, kể cả những ý kiến phê bình gay gắt, những ý kiến chia sẻ, những ý kiến ghi nhận cố gắng và những kết quả đạt được trong công tác này. Bộ trưởng nhấn mạnh: Một số thiếu sót trong công tác này là do có một phần công tác truyền thông có tính chất dự phòng gây hoang mang, lo lắng, có chỗ, có lúc quá với thực tế. Bộ trưởng cám ơn những góp ý những giải pháp khả thi, rất thực tiễn của các đại biểu, tiếp thu những thiếu sót, yếu kém trong công tác này.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đánh giá: các ý kiến tại hội trường nhất trí cao với Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH. Phó Chủ tịch nhấn mạnh 9 nhóm nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm: Quản lý để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc trước mắt, đồng thời cũng là vấn đề cơ bản lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và nâng cao chất lượng nòi giống. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm, quản lý có hiệu quả trên thực tế. Vấn đề này phải được xác định là một chương trình mục tiêu quốc gia, từ đó đầu tư về mọi mặt và tăng đầu tư cho lĩnh vực này.

Về cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, tiếp tục khẳng định Bộ chủ trì đầu mối về quản lý Nhà nước là Bộ Y tế, các bộ khác phối hợp thực hiện, phải có quy chế quy đinh thật cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm, phối hợp.

Cần coi trọng đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động này ở tầm quốc gia, địa phương và cơ sở. Thực hiện đồng bộ quản lý chất lượng ATVSTP các khâu ở theo chuỗi sản phẩm bảo đảm tính bền vững. Tăng cường các hoạt động thuyết phục, giáo dục về lương tâm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, lưu thông sản phẩm hàng hóa đối với cộng đồng và nòi giống. Cần áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu tiên các cơ sở, doanh nghiệp có công nghệ hiện đại và quản lý tiến bộ bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời với việc chuyển báo cáo giám sát và ý kiến của các đại biểu đến Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để xử lý theo đúng chức năng, đề nghị QH ra Nghị quyết về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. UBTVQH sẽ chuẩn bị, xin ý kiến đại biểu QH và thông qua vào cuối kỳ họp này.

HƯƠNG THỦY- QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết