01/01/2015 - 15:39

TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ HỮU NGHỊ, HỢP TÁC VỚI NHẬT BẢN, GÓP PHẦN THÚC ĐẨY THÀNH PHỐ CẦN THƠ PHÁT TRIỂN

Là nước đầu tiên trong các nước G-7 thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009 – Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, là nước tài trợ ODA lớn nhất và cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 tại Việt Nam. Riêng với TP Cần Thơ, những năm qua, các đối tác, tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản đã có nhiều dự án, chương trình hỗ trợ đầu tư cho thành phố trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục, biến đổi khí hậu, môi trường,... góp phần vun đắp cho tình hữu nghị bền vững, xúc tiến quan hệ hợp tác trong tương lai.

* Hiệu quả từ nguồn vốn ODA

Một trong những công trình được xem là biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nhật là công trình cầu Cần Thơ. Nối liền hai bờ sông Hậu, cầu Cần Thơ là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á, với tổng mức đầu tư 4.832 tỉ đồng bằng nguồn vốn ODA của Nhật và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (khoảng 15%). Hơn 5 năm thi công, cầu Cần Thơ khánh thành vào tháng 4-2010 với tổng chiều dài toàn tuyến là 15,85km; quy mô mặt cắt ngang cầu có chiều rộng 23,1m; độ tĩnh không thông thuyền cao 39m đảm bảo cho tàu có trọng tải 10.000DWT lưu thông qua lại. Từ khi đưa vào hoạt động cho đến nay, cầu Cần Thơ đã tạo sự thông thương thuận lợi, góp phần to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của TP Cần Thơ nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung.

 Đồng chí Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố tiếp Ngài Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh.

Từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, ngoài cầu Cần Thơ, Nhật Bản còn hỗ trợ dự án “Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) trở thành trường đại học xuất sắc”. Mục tiêu của dự án nhằm đưa ĐHCT phát triển lên tầm cao mới về chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Theo PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, dự án nâng cấp Trường ĐHCT bằng nguồn vốn vay của chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chủ trương của chính phủ đã đồng ý và hiện nay, nhà trường đang xúc tiến các thủ tục theo qui định của cả hai quốc gia. Dự kiến sẽ khởi động trong năm 2015, dự án này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu của Trường ĐHCT, đặc biệt là đối với ba lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản và môi trường. Song song với đầu tư các nguồn lực hỗ trợ có liên quan như nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị, phòng thí nghiệm thực hành, nguồn nhân lực…, trường cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp, hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường đại học của Nhật Bản. Qua đó, dự án được triển khai sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực của TP Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, khẳng định vị thế trọng điểm của thành phố.

* Những dự án thắm tình hữu nghị

Ngoài nguồn vốn ODA, thời gian qua, Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho TP Cần Thơ trên nhiều lĩnh vực. Gần đây nhất là dự án “Trang thiết bị và xây dựng phòng y tế tại Nhà nuôi dưỡng Người già và trẻ em không nơi nương tựa” (gọi tắt là Nhà nuôi dưỡng) do Tổng Lãnh sự Nhật Bản tài trợ. Ghé tham quan Phòng y tế, bà Lê Thị Kim Bảy, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Cần Thơ, Giám đốc Nhà nuôi dưỡng, cho biết dự án này được triển khai trong 5 tháng, từ tháng 6 đến hết tháng 10-2014 và mới được khánh thành vào tháng 11-2014. Tổng kinh phí của dự án trên 1 tỉ 986 triệu đồng; trong đó, Tổng lãnh sự Nhật Bản tài trợ trên 1 tỉ 705 triệu đồng; phần còn lại do Nhà nuôi dưỡng vận động. Dự án gồm 2 hợp phần: Hợp phần 1 gồm 6 phòng y tế với diện tích 240m2 (1 phòng khám bệnh, siêu âm; 1 phòng tiêm thuốc, thay băng; 3 phòng lưu bệnh dành cho bệnh nhân nằm điều trị có thời hạn và 1 phòng y bác sĩ trực); hợp phần 2 là mua sắm trang thiết bị y tế gồm: giường, tủ, bàn, ghế, máy siêu âm, máy đo điện tim, máy đo huyết áp,… Dẫn chúng tôi đi tham quan, bà Lê Thị Kim Bảy, phấn khởi cho biết: “Nhà nuôi dưỡng có 92 cụ ở độ tuổi từ 65 đến 100 tuổi. Trước đây, khi các cụ bị bệnh, chúng tôi phải chuyển đến bệnh viện để chăm sóc. Phòng y tế với trang thiết bị cần thiết sẽ giúp chăm sóc sức khỏe cho các cụ tốt hơn”.

 Dự án “Trang thiết bị và xây dựng phòng y tế tại Nhà nuôi dưỡng Người già và trẻ em không nơi nương tựa” do Tổng Lãnh sự Nhật Bản tài trợ, góp phần chăm sóc sức khỏe cho các cụ già tốt hơn.

Theo bà Lê Thị Kim Bảy, thông qua Hội Chữ Thập đỏ thành phố, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cũng vừa ký hợp đồng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho dự án xây dựng 8 cầu nông thôn tại huyện Phong Điền và Thới Lai với tổng số tiền viện trợ 73.919 USD (khoảng 1,5 tỉ đồng) nhằm hỗ trợ cho bà con nhân dân thuận tiện trong giao thông, đi lại. Cũng nằm trong chương trình viện trợ không hoàn lại này, Ban Dân tộc TP Cần Thơ cũng nhận viện trợ từ Nhật Bản xây dựng 4 cây cầu bằng bê tông cốt thép thay cho các cầu đã hư hỏng tại 2 huyện Thới Lai và Cờ Đỏ; tổng số tiền được viện trợ 61.736 USD (khoảng 1,3 tỉ đồng).

Ngoài các dự án trên, Tập đoàn Panasonic (Nhật Bản) cũng tài trợ cho TP Cần Thơ thực hiện dự án “Thí điểm xây dựng hệ thống cảm biến và giám sát phục vụ cảnh báo môi trường và giảm nhẹ thiên tai tại TP Cần Thơ – giai đoạn 2” do Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ làm chủ dự án. Tổng vốn dự án 143.566 USD (khoảng 2,992 tỉ đồng) trong đó vốn viện trợ 122.400 USD (khoảng 2,549 tỉ đồng), vốn đối ứng 21.166 USD (khoảng 443 triệu đồng).

* Triển vọng hợp tác tin cậy

Tại TP Cần Thơ, trong chiến lược thu hút đầu tư của thành phố, Nhật Bản là một trong những đối tác lớn. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, trong lĩnh vực FDI, lũy kế đến tháng 10-2014, TP Cần Thơ có 5 dự án có vốn đầu tư của Nhật Bản đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký 10,05 triệu USD, gồm: Công ty TNHH Toyota Cần Thơ, Chi nhánh Công ty TNHH giấy Kraft Vina tại TP Cần Thơ, Công ty TNHH Sancoh Việt Nam, Chi nhánh Công ty TNHH Lotteria Việt Nam tại Cần Thơ, Công ty TNHH Quốc tế Tri – Viet. Ngoài ra, tại TP Cần Thơ cũng có 8 đơn vị kinh tế phụ thuộc của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động. Tính từ thời điểm 6 tháng cuối năm 2013 cho đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ vào thị trường Nhật Bản đạt khoảng 94,4 triệu USD, các mặt hàng chủ yếu: thủy hải sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ, thuộc da.

Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Nhật Bản, thời gian qua, lãnh đạo thành phố cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi về việc xúc tiến đầu tư với Nhật Bản. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, tháng 10-2013, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố, Hội Hữu nghị Việt – Nhật TP Cần Thơ và trường ĐHCT đã phối hợp với Tổng Lãnh sự Nhật Bản tổ chức họp mặt. Lãnh đạo UBND thành phố cùng các sở, ban ngành cũng tổ chức thăm và chúc mừng các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trên địa bàn thành phố nhân sự kiện này.

Tháng 9-2014, đoàn đại biểu TP Cần Thơ và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Chuyến thăm góp phần củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác giữa TP Cần Thơ, khu vực Tây Nam Bộ Việt Nam với các địa phương và tập đoàn kinh tế của Nhật Bản. Trong chuyến công tác, đoàn đã đến làm việc tại Tokyo và các tỉnh Hokkaido, Chiba, Ibaraki; hội đàm với Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Hayashi Moto, Tổng thư ký Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt, Nghị sĩ đại biểu của tỉnh Chiba; thăm các tập đoàn, công ty lớn tại Nhật,… Đoàn đã giới thiệu cụ thể về tình hình phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Cần Thơ và khu vực Tây Nam Bộ; chính sách tổng thể và những ưu tiên thu hút đầu tư phát triển trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch; công tác đào tạo nguồn nhân lực...

Nối tiếp chuyến công tác trên, tháng 11-2014, đoàn cán bộ của TP Cần Thơ do đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ làm Trưởng đoàn đã tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Nhật Bản. Với chủ đề chính là xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đoàn đã thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để trao đổi về thị trường xuất khẩu, sản xuất chế biến gạo, thủy sản, nông sản của thành phố. Qua đó, giúp Đại sứ quán hiểu hơn về TP Cần Thơ và tác động các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư vào Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL. Đoàn cũng đã đi khảo sát thực tế tại: Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Kanagawa; Hợp tác xã Nokyo Chuokai (tỉnh Saitama); nhà máy xử lý rác công nghệ cao của Tập đoàn Orix (tỉnh Saitama);… Đồng thời, đoàn cũng đã tham dự hai cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tokyo, Ibaraki và tham dự tọa đàm với 2 tỉnh Kagoshima, Kagawa. Đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: “Vừa qua, Tập đoàn Mitsubishi của Nhật cũng đã cử 2 chuyên gia tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ để khảo sát, tìm hiểu tình hình phát triển nông nghiệp tại thành phố nhằm tìm cơ hội hợp tác đầu tư”. Đồng chí nhấn mạnh: “TP Cần Thơ có thế mạnh về nông nghiệp như: đất đai, nguồn nhân lực... Tuy nhiên về trình độ khoa kỹ thuật tiên tiến vẫn còn nhiều hạn chế. Qua đó, TP Cần Thơ đang tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư của Nhật Bản để tiếp cận với những kỹ thuật tiên tiến của nước bạn, phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố…”.

Tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Nhật Bản, nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, mở ra sự phát triển về mọi mặt đó là một trong những giải pháp chiến lược mà Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Thông qua nhiều chương trình, dự án thiết thực, mối quan hệ ngoại giao giữa TP Cần Thơ và Nhật Bản đã và đang mở ra nhiều tiềm năng mới, thúc đẩy sự giao thương, hợp tác tin cậy trong tương lai.

Bài, ảnh: H. VÂN

Chia sẻ bài viết