16/08/2019 - 19:03

Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ:

Tăng cường phối hợp truyền thông, hỗ trợ, thúc đẩy xuất khẩu lao động 

Ðó là mục tiêu TP Cần Thơ hướng đến góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, công tác xuất khẩu lao động (XKLÐ) ngày càng ổn định, thành phố đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp, lựa chọn thị trường tiềm năng, uy tín, giúp lao động có cơ hội tìm việc làm, nâng cao thu nhập; tiếp cận kỹ thuật hiện đại; rèn luyện tay nghề, tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Xoay quanh vấn đề này, ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) TP Cần Thơ, cho biết:

- Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH thành phố chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thành phố thường xuyên phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, điểm tư vấn tuyển dụng tại địa phương. Cùng với tăng cường quản lý nhà nước về XKLĐ, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, đa dạng hình thức, ngành nghề, nâng cao chất lượng lao động, thành phố đẩy mạnh truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân cũng như đảm bảo công khai, minh bạch trong XKLĐ, hạn chế tình trạng lừa đảo, cò mồi...

Các doanh nghiệp XKLĐ tích cực tham gia tư vấn, tuyển chọn lao động tại các phường, xã. Một bộ phận gia đình lao động thoát nghèo, làm giàu chính đáng nhờ XKLĐ. Qua đó, giúp lao động chuyển biến nhận thức, xác định lợi ích và tích cực tham gia XKLĐ. Số lao động xuất khẩu tăng qua các năm, chủ yếu tập trung các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, với đa dạng ngành nghề, phù hợp điều kiện của lao động thành phố. Năm 2016: 205 lao động;  năm 2017: 223 lao động; năm 2018: 255 lao động. Qua khảo sát của Trung tâm DVVL thành phố, đối với thị trường Nhật Bản, thu nhập từ 26 triệu đồng - 48 triệu đồng/tháng; thị trường Đài Loan, thu nhập từ 14 triệu đồng - 28 triệu đồng/tháng; thị trường Hàn Quốc, thu nhập từ 26 triệu đồng - 45 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, thành phố đang liên kết đưa lao động xuất khẩu các thị trường nào và lao động quan tâm thị trường nào nhất, thưa ông?

- Hiện nay, Trung tâm DVVL thành phố mở rộng liên kết 16 doanh nghiệp. Năm 2018, trên 97% lao động thành phố làm việc ở 3 thị trường tốt nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Dự kiến năm 2019, các thị trường trên vẫn tiếp tục thu hút lao động, nhất là thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đối với thị trường Hàn Quốc, tháng 7-2019, Bộ LĐ-TB&XH vừa phối hợp Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc tổ chức kỳ thi tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực theo Chương trình EPS. Đây là năm thứ tư liên tiếp hai nước tiếp tục phối hợp tổ chức kỳ thi tiếng Hàn tuyển chọn 3.900 chỉ tiêu gồm các ngành nghề: sản xuất chế tạo, xây dựng và ngư nghiệp. Riêng thị trường Nhật Bản, ngày 15-3-2019, Chính phủ Nhật Bản và Bộ Nội vụ nước này lần lượt công bố Nghị định Chính phủ và Thông tư hướng dẫn quy định tiếp nhận lao động nước ngoài theo tư cách lưu trú mới để chuẩn bị hệ thống thị thực mới chính thức có hiệu lực từ 1-4-2019. Chính sách mới với mức lương cao hơn, điều kiện lao động tốt và ổn định hơn, là cơ hội  giúp lao động Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng tìm kiếm việc làm phù hợp cũng như tiếp cận kỹ thuật công nghiệp hiện đại.

►​ Ông nhận định gì về công tác truyền thông, tư vấn giúp lao động kịp thời tiếp cận thông tin chính thống về XKLĐ?

- Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm DVVL thành phố đẩy mạnh nhiều hình thức truyền thông. Các thông tin XKLĐ đăng tải trên Cổng thông tin Việc làm Cần Thơ www.vieclamcantho.vn; trang mạng xã hội facebook, zalo của Trung tâm; tư vấn qua tổng đài điện thoại 0292 3838399. Đồng thời, tư vấn trực tiếp người có nhu cầu XKLĐ thông qua các điểm tư vấn địa phương, các phiên giao địch việc làm, ngày hội việc làm hoặc đến trực tiếp Trung tâm và các Văn phòng giao dịch bảo hiểm thất nghiệp và việc làm. Trung tâm DVVL thành phố kịp thời gởi thông tin XKLĐ đến Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện, cộng tác viên giới thiệu việc làm. Đội ngũ tư vấn, cộng tác viên thường xuyên tham gia tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng cũng như cập nhật quy định, kiến thức mới để hỗ trợ tư vấn XKLĐ hiệu quả.

w Xin ông cho biết, hiện nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ nào đối với công tác XKLĐ?

- Thời gian qua, thành phố vận dụng nhiều hình thức truyền thông, kịp thời đưa thông tin tuyển dụng XKLĐ đến người dân. Đồng thời, thành phố đang thực hiện chính sách cho vay theo Nghị định 61 của Chính phủ. Theo đó, các đối tượng được vay gồm: người dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo hoặc bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH thành phố chỉ đạo Trung tâm DVVL trao đổi và làm “cầu nối” liên kết doanh nghiệp XKLĐ và ngân hàng địa phương để hỗ trợ vốn vay đối với lao động xuất khẩu...   

Thưa ông, công tác XKLĐ còn những vướng mắc, khó khăn gì? Thành phố tiếp tục có những giải pháp gì để tháo gỡ, thúc đẩy công tác này trong thời gian tới?

- Dù công tác XKLĐ thành phố đạt một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn khó khăn, hạn chế. Nhiều lao động chưa tiếp cận đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống về XKLĐ. Lao động tham gia dự tuyển XKLĐ chưa qua đào tạo nghề hoặc hạn chế trình độ tay nghề, kỹ năng và ngoại ngữ. Mặt khác, một số lao động chưa chấp hành tốt các quy định pháp luật, ảnh hưởng chất lượng lao động. Một số doanh nghiệp XKLĐ chưa làm tốt chế độ báo cáo định kỳ, theo dõi tình hình việc làm, thu nhập và đời sống lao động, nên chưa kịp thời giải quyết những vướng mắc, tranh chấp lao động và khó khăn trong quá trình làm việc tại các nước. Thị trường lao động Nhật Bản, Hàn Quốc thu nhập cao, nhưng điều kiện tuyển chọn và chi phí vượt khả năng lao động địa phương. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ hướng đến các đối tượng diện chính sách nhưng đối với mức vay trên 50 triệu đồng phải có tài sản thế chấp. Trong khi khá nhiều đối tượng khác có nhu cầu XKLĐ nhưng tài chính khó khăn chưa được hỗ trợ.

Thành phố tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin thị trường Nhật Bản cho người lao động.

Thời gian tới, thành phố tăng cường hơn nữa hình thức truyền thông, chuyển tải đến cơ sở thông tin XKLĐ chính thống, chú trọng lực lượng lao động nông thôn, học sinh, sinh viên, quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, khuyến khích lao động chọn lựa ngành nghề phù hợp điều kiện bản thân cũng như mục tiêu phát triển thành phố. Thành phố tập trung tổ chức đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề; phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam, pháp luật, văn hóa nước sở tại và các văn bản pháp lý liên quan quyền, nghĩa vụ người lao động. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động xuất khẩu, giảm thiểu tình trạng lao động hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp. Cùng với nghiên cứu cơ chế, chính sách mở rộng hỗ trợ vốn vay đối với người có nhu cầu XKLĐ nhưng tài chính khó khăn, thành phố phát triển thị trường lao động mới, đẩy mạnh khai thác lĩnh vực mới, nghề mới, đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, tay nghề, với thu nhập hấp dẫn.

Ông kỳ vọng gì về đóng góp của đội ngũ lao động xuất khẩu hết hạn về nước? Một vài khuyến cáo đối với người có nhu cầu XKLĐ?

- Trước tiên, cần khẳng định XKLĐ mang lại thu nhập cao, ổn định cuộc sống, góp phần hình thành lực lượng lao động có kỹ thuật, kỹ năng qua việc tiếp thu kiến thức mới, tiên tiến, công nghệ hiện đại. Hơn cả số vốn đáng kể khi lao động hết hạn về nước là kiến thức, kinh nghiệm, tác phong chuyên nghiệp và ngoại ngữ. Đây là nguồn nhân lực chất lượng bổ sung lực lượng lao động đang rất thiếu trong nước nói chung và thành phố nói riêng.

Theo tôi, người có nhu cầu XKLĐ lưu ý tìm hiểu thông tin trên các kênh chính thống gồm: hệ thống đơn vị, cơ quan trực thuộc ngành LĐ-TB&XH; Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH  (www.molisa.gov.vn); Cổng thông tin việc làm Cần Thơ  (www.vieclamcantho.vn). Khi chủ động liên hệ công ty XKLĐ, lao động cần tỉnh táo, cân nhắc để lựa chọn, tránh tình trạng bị lừa đảo. Đồng thời, nên nhớ chỉ có doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động XKLĐ mới được tuyển lao động xuất khẩu (có thể xem danh sách doanh nghiệp XKLĐ hoặc doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động trên website của Cục Quản lý lao động ngoài nước www.dolab.gov.vn). Hợp đồng XKLĐ cần rõ ràng, minh bạch, lao động đọc kỹ các điều khoản quy định về công việc, địa điểm và thời gian làm việc, mức lương… và tham khảo, so sánh với thông báo tuyển dụng. Nếu có khác biệt thì yêu cầu giải thích rõ ràng trước khi thực hiện các bước tiếp theo.

Lao động cần cảnh giác lời tư vấn “có cánh” về chi phí thấp, công việc nhẹ, lương cao; hoặc hứa hẹn vô lý như: không cần đủ sức khỏe vẫn có thể XKLĐ, đóng tiền là chắc chắn được XKLĐ…

 Xin cảm ơn ông!

ANH PHƯƠNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết