30/03/2015 - 21:53

Tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển vùng ĐBSCL

Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) vừa tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015, nhằm biểu dương những cá nhân, tập thể có những công trình, dự án nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong thực tế và xã hội đánh giá cao. Báo Cần Thơ lược ghi một vài hoạt động nghiên cứu khoa học của các cá nhân, tập thể Trường ĐHCT.

* PGS.TS Trương Quốc Phú, Trưởng khoa Thủy sản:
NỖ LỰC ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ KẾ THỪA

- Khoa Thủy sản Trường ĐHCT hiện có 57 cán bộ giảng dạy, trong đó có 2 giáo sư, 14 phó giáo sư, 19 tiến sĩ và 22 thạc sĩ. Nhìn chung, 100% cán bộ giảng dạy của khoa có trình độ sau đại học, đạt chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. So với năm 2010, Khoa Thủy sản đã nâng cao trình độ sau đại học thêm 13 tiến sĩ, 12 thạc sĩ và 2 cán bộ được phong hàm giáo sư, 6 cán bộ được phong hàm phó giáo sư. Bên cạnh đó, khoa còn duy trì 32 nghiên cứu viên, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ kế thừa và thực hiện nghiên cứu khoa học...

Với đội ngũ cán bộ giảng dạy đạt chuẩn, khoa đào tạo 6 ngành bậc đại học, 2 ngành bậc cao học và 1 ngành bậc tiến sĩ. Khoa đang hoàn thiện 2 đề án để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở thêm ngành cao học Quản lý vùng ven biển, bệnh lý và chữa bệnh thủy sản; xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ ngành nuôi trồng thủy sản bằng tiếng Anh. Giai đoạn 2010-2015, khoa thực hiện chương trình cải tiến và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; nâng cao năng lực cơ sở vật chất; đào tạo chuyên môn sau đại học và chuyên đề cho cán bộ quản lý... Nhờ đó, khoa thực hiện thành công kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cam kết chuẩn đầu ra của sinh viên và xây dựng thương hiệu cho sinh viên Khoa Thủy sản. Qua khảo sát, kiểm tra và đánh giá sinh viên các khóa tốt nghiệp của trường đều có từ 87% đến 93% đạt chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Trong đó có nhiều sinh viên ra trường tiếp tục tham gia các lớp cao học, nghiên cứu sinh do trường tổ chức. Giai đoạn 2010-2015, Khoa Thủy sản thực hiện 134 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 32 đề tài hợp tác quốc tế, 30 đề tài cấp Bộ, 43 đề tài cấp trường. Các đề tài do cán bộ trẻ và sinh viên nghiên cứu ngày càng tăng, với tổng cộng 12 đề tài do sinh viên nghiên cứu, trong đó có 2 đề tài được giải thưởng. Đồng thời, các đề tài này được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất, nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống, quy trình nuôi và phòng trị bệnh cho cá... Thời gian tới, khoa đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi công nghệ, góp phần để Trường ĐHCT đạt đẳng cấp trên trường quốc tế.

Nhiều tập thể, cá nhân Trường Đại học Cần Thơ được khen thưởng nhân hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015.

* PGS.TS Lê Văn Khoa, Trưởng phòng Quản lý khoa học:
TĂNG CƯỜNG NGHIÊN CỨU, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

- Phòng Quản lý khoa học là đơn vị đầu mối có chức năng quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các công trình nghiên cứu khoa học của trường. Giai đoạn 2007-2014, toàn trường thực hiện 1.510 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có 269 đề tài hợp tác với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, với 7 lĩnh vực ưu tiên thực hiện như: ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu phát triển kinh tế thị trường... Hầu hết đề tài nghiên cứu ứng dụng đạt hiệu quả cao trong thực tiễn. Ngoài ra, trường có 60 sản phẩm và quy trình công nghệ chuyển giao ra sản xuất như: quy trình và sản phẩm phân vi sinh cho lúa; quy trình giám định bệnh vàng lá gân xanh trên cam quýt; quy trình nuôi cấy, sử dụng vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn hòa tan lân hỗ trợ sự sinh trưởng và phát triển cây...

Hiện nay, Trường ĐHCT đang chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp Bộ, cấp trường, địa phương, doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Việc mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các trường, đơn vị trong và ngoài nước, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL và cả nước. Hiện nay, nhà trường ưu tiên tập trung các lĩnh vực nghiên cứu khoa học như: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thủy sản, và môi trường; nghiên cứu về giáo dục, xã hội và nhân văn; kỹ thuật công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững; nghiên cứu phát triển kinh tế và thị trường... Các đề tài nghiên cứu được mở rộng hợp tác đến cấp huyện, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước. Ngoài ra, hoạt động chuyển giao công nghệ như phát triển nhiều dịch vụ chuyển giao công nghệ ở hình thức tập huấn cho địa phương, doanh nghiệp; đẩy mạnh chương trình ươm tạo doanh nghiệp; đa dạng hóa các sản phẩm chuyển giao công nghệ góp phần phát triển vùng ĐBSCL...

* PGS.TS Đỗ Thị Thanh Hương, Trưởng bộ môn dinh dưỡng và chế biến thủy sản, Khoa Thủy sản:
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC, PHÁT HUY HIỆU QUẢ SẢN XUẤT

- Năm 2007-2010, nhóm nghiên cứu Khoa Thủy sản, Trường ĐHCT phối hợp cùng Khoa Khoa học, Trường Đại học Aarhus, Đan Mạch, thực hiện Dự án đào tạo và nghiên cứu về sinh lý động vật thủy sản ở ĐBSCL - PhysCAM. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 950.000USD. Mục tiêu của dự án là gắn kết hoạt động nghiên cứu kết hợp đào tạo để tìm ra các kiến thức sinh lý học cơ bản và sinh lý học ứng dụng của các loài cá bản địa, một số loài thực vật, nhằm ứng dụng trong phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững ở ĐBSCL. Qua đó, chúng tôi từng bước thực hiện các nội dung chính như: ảnh hưởng của oxy hòa tan và ion trong nước lên sinh lý và sinh trưởng của các loài cá tôm bản địa; cơ chế điều hóa áp suất thẩm thấu của các loài cá tôm bản địa, nhất là đối với độ mặn...

Qua 4 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu và sinh viên có cơ hội trao đổi kiến thức, kỹ năng làm việc với các đối tác bên ngoài và tham gia đào tạo 32 thạc sĩ, 4 tiến sĩ, 3 kỹ sư... cho 2 đơn vị. Đặc biệt, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm ứng dụng các hiệu quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả cao. Điển hình như việc nghiên cứu bơi lội của cá tra trong ao và mối quan hệ với hàm lượng oxy trong nước. Kết quả này ứng dụng tăng cường oxy cho ao cá và tăng năng suất cá thêm 1.000 tấn/ha; chất lượng nước tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Với thành công này, chúng tôi thêm niềm tin mời gọi và hợp tác cùng các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện các đề tài nghiên cứu tiếp theo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.

HÀ VĂN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết