09/04/2013 - 21:01

Tăng cường năng lực pháp luật cho người lao động

Sáng 9-4, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) phối hợp với Viện Friedrich Ebert (FES) và Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến về quan điểm, nguyên tắc, phương pháp tiếp cận xây dựng dự án Luật tố tụng Lao động ở Việt Nam.

Hội thảo là một phần trong chuỗi các hoạt động của dự án "Công đoàn Việt Nam và nâng cao năng lực cho người lao động" do EU và Viện FES tài trợ. Qua đó hỗ trợ và tạo điều kiện tăng cường đối thoại về chính sách giữa tổ chức công đoàn và Quốc hội Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động.

Đại diện TLĐLĐVN cho rằng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên và người lao động là chức năng quan trọng và là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức công đoàn Việt Nam, trong đó tham gia giải quyết tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp lao động tại Tòa án lao động nói riêng là một nội dung quan trọng để các cấp công đoàn thể hiện chức năng của mình. Hiện nay, hệ thống các quy định về pháp luật lao động liên quan đến tố tụng lao động chưa đồng bộ, một số quy định trong Bộ luật tố tụng Dân sự không còn phù hợp với thực tế làm cho thời gian thụ lý, khởi kiện kéo dài, gây nhiều khó khăn, phiền phức cho người lao động và tổ chức công đoàn khi tham gia tố tụng tại tòa. Việc xây dựng Luật tố tụng Lao động là cần thiết nhằm nâng cao năng lực pháp luật cho người lao động.

Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận một số nội dung: xây dựng kế hoạch, lộ trình Luật tố tụng Lao động; nguyên tắc cơ bản của tố tụng lao động; định hướng cơ bản xây dựng Luật tố tụng Lao động; tổ chức xét xử và quy trình tố tụng; phương pháp xây dựng Luật tố tụng Lao động… Các chuyên gia Châu Âu đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế nhằm hỗ trợ cho Công đoàn Việt Nam sớm xây dựng Luật tố tụng Lao động trong tương lai.

Sau Hội thảo, TLĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục khảo sát thực tế tình hình tranh chấp lao động tại một số công đoàn ngành và LĐLĐ địa phương; đánh giá hoạt động của các cấp công đoàn thi hành Luật tố tụng Dân sự và các quy định khác của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động; Tổ chức đóng góp ý kiến trong toàn hệ thống công đoàn góp phần sớm xây dựng Luật tố tụng Lao động trong tương lai.

KHIẾU TƯ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết